| Hotline: 0983.970.780

Những lực cản lớn với ngành chả cá, surimi

Thứ Tư 03/07/2024 , 16:22 (GMT+7)

Được coi là một nhóm mặt hàng thủy sản xuất khẩu đầy tiềm năng, nhưng ngành chả cá và surimi đang đối mặt với nhiều lực cản cho sự phát triển.

Chả cá là một mặt hàng xuất khẩu nhiều tiềm năng. Ảnh: Sơn Trang.

Chả cá là một mặt hàng xuất khẩu nhiều tiềm năng. Ảnh: Sơn Trang.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản tăng trưởng thì xuất khẩu chả cá và surimi (thịt cá xay nhuyễn, được sử dụng làm nhiều sản phẩm gốc thủy sản) lại giảm. Trong 5 tháng năm 2024, xuất khẩu chả cá và surimi chỉ đạt hơn 106 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu chả cá và surimi giảm ở hầu hết các thị trường quan trọng như Hàn Quốc (giảm 10%), Thái Lan (giảm 7%), Trung Quốc - Hồng Kông (giảm 14%), Nhật Bản (giảm 27%)…

Nếu tình hình không được cải thiện trong nửa cuối năm, xuất khẩu chả cá và surimi trong cả năm nay sẽ tiếp tục đà sụt giảm của 2 năm qua. Sau khi đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục là 420 triệu USD vào năm 2021, xuất khẩu chả cá, surimi đã giảm nhẹ trong năm 2022 xuống còn 415 triệu USD. Năm 2023, xuất khẩu chả cá và surimi tiếp tục giảm khi chỉ đạt 310 triệu USD.

Sự sụt giảm của xuất khẩu chả cá và surimi, trước hết là do nhu cầu nhập khẩu giảm trên toàn cầu, trong khi sản lượng lại tăng, nhất là tăng nguồn cung surimi nước lạnh từ Nga, Mỹ … Lượng tồn kho cao trên thị trường cũng đang làm giảm nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường. Những yếu tố này khiến cho giá surimi xuất khẩu giảm đáng kể.

Ông Ngô Minh Phương, CEO Công ty TNHH Việt Trường (Hải Phòng), cho biết, xuất khẩu surimi của Việt Nam sụt giảm còn do khó lấy chứng nhận xuất xứ khi xuất khẩu sang thị trường EU hoặc bán cho các khách hàng Thái Lan, Indonesia… muốn mua surimi về chế biến ra các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU.

Tuy nhu cầu nhập khẩu đang giảm, nhưng tiêu thụ chả cá và surimi vẫn đang có xu hướng tăng trên thị trường thế giới. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, quy mô thị trường surimi toàn cầu là 3,78 tỷ USD. Dự báo trong giai đoạn 2023 - 2030, tốc độ tăng trưởng kép của thị trường surimi toàn cầu là 6,1%/năm. Trong những năm gần đây, xuất khẩu chả cá và surimi Việt Nam đạt 300 - 420 triệu USD/năm, chiếm 4 - 5% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản.

Nhu cầu sử dụng surimi tăng trên toàn cầu trước hết là do ảnh hưởng cùa đại dịch Covid-19 đã làm cho người tiêu dùng tăng cường tích trữ các sản phẩm có thời hạn sử dụng lâu hơn. Chả cá và surimi được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì dễ chế biến, tiện lợi, dễ bảo quản và giá hợp lý.

Bên cạnh đó, nhận thức ngày càng tăng của người tiêu dùng về lợi ích của surimi như hàm lượng protein cao, ít chất béo ... Vì vậy, surimi được sử dụng nhiều trong các loại thực phẩm chế biến. Surimi là nguyên liệu phổ biến được sử dụng trong các nhà hàng và dịch vụ ăn uống, được sử dụng trong nhiều món hải sản, chẳng hạn như sushi, salad hải sản và súp, và thường rẻ hơn so với hải sản tươi sống.

Ngoài ra, các sản phẩm phụ của surimi, chẳng hạn như bột cá, thường được sử dụng làm nguồn protein trong thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Các sản phẩm phụ của surimi là giải pháp thay thế hiệu quả về mặt chi phí cho các nguồn protein khác và chúng cũng mang lại một số lợi ích dinh dưỡng.

Cá viên làm từ surimi. Ảnh: Sơn Trang.

Cá viên làm từ surimi. Ảnh: Sơn Trang.

Ông Ngô Minh Phương cho biết, ngành surimi Việt Nam đang mang lại nhiều giá trị như tạo công ăn việc làm cho trung bình 200-300 lao động/nhà máy với tổng cộng 8.000-12.000 lao động/40 nhà máy. Ngành này giúp nâng cao giá trị nguyên liệu của ngư dân vì sản xuất surimi có thể sử dụng các loại cá tạp cá nhỏ, giúp bà con tiêu thụ được với giá thành cao hơn từ 40-50% so với việc sử dụng vào các mục đích khác như làm thức ăn thủy sản, gia súc...

Đặc thù nguồn nguyên liệu sản xuất surimi chủ yếu đến từ những loài cá tạp nhỏ (cá đổng, mắt kiếng, phèn, bánh đường, cá chuồn, phế liệu cá tra như dè vụn...) là những loại nguyên liệu phổ biến và phù hợp với nghề cá Việt Nam.

Tuy có tiềm năng phát triển, nhưng ngành chả cá và surimi đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Ngô Minh Phương, trước hết là thiếu sự quy hoạch vĩ mô của nhà nước, dẫn tới sự mất cân đối giữa nguồn lợi hải sản so với số lượng nhà máy được cấp phép hoạt động.

Thực tế hiện nay cho thấy nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất chả cá, surimi có hạn, lại ngày càng giảm sút. Nhà máy cũ thiếu nguyên liệu sản xuất nhưng nhà máy mới vẫn mọc ra. Điều này dẫn đến tình trạng giành giật nguyên liệu sản xuất, đẩy giá nguyên liệu lên cao làm tăng giá thành sản phẩm, khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ.

Việc chưa có quản lý nghề cá theo mùa vụ, đặc biệt vào mùa sinh sản, cũng đang dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nhiều đối tượng đánh bắt hải sản, trong đó có các loài cá tạp nhỏ làm nguyên liệu sản xuất chả cá, surimi. Hiện nay, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đều đã kiểm soát khai thác, thậm chí cấm tàu bè ra khơi khai thác vào các thời điểm cá sinh sản như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Một khó khăn lớn với các doanh nghiệp sản xuất surimi hiện nay là họ đang loay hoay, tự xoay sở tìm giải pháp xử lý nước thải từ các công ty tư vấn môi trường trong nước hoặc nước ngoài, nhưng chưa tìm ra phương án tối ưu. Để giải quyết triệt để vấn đề này, doanh nghiệp đang mong mỏi có sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, hoặc các tổ chức có dự án phát triển sản xuất xanh, có công nghệ, tài chính …

Xem thêm
Thời tiết thất thường, người nuôi tôm lo dịch bệnh

HÀ TĨNH Thời tiết nắng mưa xen kẽ làm môi trường nước thay đổi đột ngột, là điều kiện phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi.

Chống khai thác IUU: Không nhân nhượng vì lợi ích quốc gia

Bà Rịa - Vũng Tàu Dù đã thực hiện nghiêm chống khai thác IUU nhưng vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài với các thủ đoạn tinh vi.

Cà Mau đề nghị tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu tôm

Cà Mau vừa có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm bạc thẻ và tôm chì.

Hơn 220 suất quà có ý nghĩa đến với ngư dân Quảng Ngãi

Những suất quà là nguồn cổ vũ, động viên để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững.