Nông lâm kết hợp
Ở Việt Nam, tập quán canh tác nông lâm kết hợp đã có từ lâu đời. Ví dụ: hệ thống canh tác nương rẫy truyền thống của đồng bào dân tộc, hệ sinh thái Rừng - Vườn - Ao - Chuồng và vườn đồi ở khu vực dân cư miền núi, hệ thống rừng ngập mặn - nuôi trồng thuỷ sản ở vùng duyên hải miền Trung và miền Nam.
Với riêng khu vực Tây Bắc, hình thức nông lâm kết hợp được thể hiện ở việc: trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày với cây rừng trong giai đoạn rừng trồng chưa khép tán; trồng xen cây lương thực, thực phẩm, dược liệu dưới tán rừng; trồng xen lúa nương, sắn, lạc với rừng; chăn nuôi trâu bò, chăn thả luân phiên dưới tán rừng trồng.
Đây là những biện pháp giúp nhiều tỉnh Tây Bắc phá thế canh tác độc canh cây ngắn ngày trên đất dốc, đặc biệt là cây ngô, sắn, giúp giảm tình trạng bề mặt đất bị rửa trôi, giảm độ màu mỡ, thậm chí thoái hóa, bạc màu.
TS. Phạm Văn Hội, Giám đốc Trung tâm Sinh thái nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, một hệ thống nông lâm kết hợp phải có 5 đặc điểm: Gồm hai hay nhiều hơn loại cây trồng hoặc vật nuôi, trong đó ít nhất có một loại cây thân gỗ lâu năm; Thường tạo ra hai hay nhiều sản phẩm; Chu kỳ sản xuất dài hơn một năm; Đa dạng hơn về sinh thái và kinh tế so với sản xuất độc canh; Có sự tương tác qua lại giữa các yếu tố cấu thành hệ thống.
Trên cơ sở đó, Tây Bắc đã hình thành và phát triển nhiều mô hình nông lâm kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng nhãn, ngô, kết hợp cỏ chăn nuôi tại Điện Biên, Sơn La, Yên Bái; mô hình trồng cây sơn tra và ngô tại Sơn La; mô hình trồng xen mắc ca, cà phê và đậu tương tại Điện Biên và Sơn La; mô hình trồng keo, xoài, ngô, cỏ chăn nuôi tại Yên Bái…
Trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm Sinh thái nông nghiệp cho rằng, trước mắt các tỉnh Tây Bắcnên ưu tiên giảm mật độ cây trồng, trồng đa cây theo băng kết hợp với cỏ, cây hàng năm, chăn nuôi. Ông cũng khuyến nghị, với diện tích nhỏ hơn 1 ha, người dân nên ưu tiên phát triển chăn nuôi gia súc. Chỉ khi diện tích đạt từ 2 ha trở lên, người dân mới kết hợp cây ăn quả với chăn nuôi.
Theo kết quả thăm dò của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ), người Mường có tập quán canh tác ở đai độ cao từ 200 - 700 m, với các loài cây trồng nông nghiệp chủ yếu là ngô, lúa nương, sắn, dong riềng. Người Thái, Tày canh tác ở đai độ cao từ 300 - 700 m và người H’Mông canh tác ở đai độ cao trên 700 m với các loài cây trồng chính là lúa nương, ngô và sắn.
Trong Đề tài “Nghiên cứu chuyển đổi mô hình canh tác nương rẫy thành mô hình nông lâm kết hợp góp phần canh tác bền vững trên đất dốc tại một số tỉnh vùng Tây Bắc”, Viện đánh giá rằng, khi bỏ ra 1 đồng vốn canh tác các mô hình nông lâm kết hợp, đồng bào dân tộc có thể thu lại từ 3,3 - 14,1 đồng sau chu kỳ kinh doanh, tùy thuộc vào từng mô hình.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, các mô hình nông lâm kết hợp còn cho lợi ích xã hội, chẳng hạn giảm tỷ lệ mất rừng, tránh tình trạng di canh di cư.
Hai mô hình đặc biệt
Ưu tiên giúp bà con tăng thu nhập sớm, và hạn chế xói mòn đất là một trong những mục tiêu mà các mô hình nông lâm kết hợp đặt ra. Đến thời điểm hiện tại, cả hai mô hình đều đảm bảo việc này.
Đầu tiên là trồng nhãn, ngô, kết hợp cỏ chăn nuôi. Trong mô hình này, cây nhãn và cỏ chăn nuôi được đưa vào diện tích đang canh tác ngô. Cỏ mulato được thiết kế trồng trên đường theo băng với khoảng cách 15m giữa các băng. Nhãn được trồng thành 2 hàng giữa các băng cỏ với mật độ 240 cây/ha (hàng cách hàng 5m, cây cách cây 5m). Ngô được trồng xen giữa các băng cỏ (0,3 x 0,3m).
Hệ thống này cho năng suất ngô từ 4,1 đến 5,74 tấn/ha/năm. Nhãn bắt đầu bói quả từ năm thứ tư, còn cỏ mulato năng suất tăng dần và duy trì ở mức 14 đến 15,2 tấn/ha từ năm thứ tư.
Với mô hình này, nông hộ bắt đầu có lãi từ năm thứ hai (khoảng 6,1 triệu/ha), hoàn vốn đầu tư ban đầu (44,2 triệu đồng/ha) sau năm thứ tư và lãi vào năm thứ 5 trở đi khoảng 29,3 triệu đồng, cao gấp hơn 2 lần so với trồng ngô thuần.
Ở mô hình thứ hai, cây tếch và mận được đưa vào với mục đích cho nông dân thu nhập dài hạn, tiến tới thay thế hoàn toàn cây ngô. Trong đó, kết hợp trồng xen đỗ tương và cỏ ghine. Loại cỏ này được thiết kế trồng trên đường theo băng với khoảng cách 10m giữa các băng.
Tếch và mận trồng cạnh băng cỏ, cứ 1 hàng tếch thì 1 hàng mận. Mật độ 204 cây/ha đối với tếch (cây cách cây 3m) và 125 cây/ha với mận (cây cách cây 4m). Phần diện tích giữa các băng cỏ trồng cà phê với mật độ 1680 cây/ha (hàng cách hàng 2m, cây cách cây 1,8m). Khi cà phê chưa khép tán, đỗ tương được trồng xen.
Với mô hình này, đỗ tương và cỏ là hai loại cây cho thu nhập ngay trong năm đầu. Cỏ ghine sau một năm cho năng suất trung bình 16,5 tấn/ha/năm. Cà phê bói quả và cho năng suất từ năm thứ ba (2,2 tấn/ha). Cây mận bắt đầu bói quả năm thứ ba sau trồng. Cây gỗ tếch trong hệ thống cho thu hoạch khoảng năm thứ 15.
Đánh chú ý là mô hình này cho ngay lợi nhuận từ năm thứ hai, ở mức 13,6 triệu đồng/ha và nông dân đã hoàn được vốn đầu tư ban đầu sau năm thứ ba (44,4 triệu đồng). Cũng trong năm này, mô hình này đã cho hiệu quả gấp hơn 2 lần so với trồng ngô thuần. Từ năm thứ tư trở đi, mô hình có nhiều khả năng cho thu nhập cao hơn khi cây cà phê và cây mận trưởng thành cho năng suất cao và ổn định hơn.
Từ hai mô hình trên, nông lâm kết hợp khẳng định được ưu thế lâu dài về hiệu quả kinh tế. Đáng chú ý là trong các mô hình này, cỏ chăn nuôi (ghine và mulato) có khả năng sinh trưởng và cho thu hoạch ngay cả trong mùa khô.
Theo tính toán, một cá thể bò cần khoảng 30 kg cỏ/ngày để tăng 0,6 kg trọng lượng - tương đương khoảng 11 tấn cỏ/năm. Với năng suất từ 14-16 tấn/ha/năm, các hệ thống này góp phần đáng kể cho chăn nuôi của nông hộ nhỏ. Ngoài ra, băng cỏ trong các hệ thống này còn giúp giảm lượng đất trôi theo dòng chảy trong mùa mưa đáng kể. Cụ thể, lượng đất trôi giảm 23% trong hệ thống tếch, mận, cà phê, đỗ tương, cỏ chăn nuôi và giảm đến 56% trong hệ thống nhãn, ngô, cỏ chăn nuôi so với chỉ trồng ngô.
Theo FAO, trong giai đoạn 2005-2016, trung bình mức tăng trưởng nông nghiệp nước ta là 36,8%. Tuy nhiên, nhập khẩu phân bón hóa học tăng 43%. Từ đó dẫn đến chi phí duy trì tốc độ tăng trưởng ngày càng trở lên đắt đỏ. Ví dụ, người trồng cà phê phải tăng sử dụng phân NPK gấp 2-3 lần để đạt mức năng suất như trước.
Để phát triển nông nghiệp sinh thái trong mô hình nông lâm kết hợp, các chuyên gia nông nghiệp của FAO đề xuất mức che phủ của cây gỗ liên tục hoặc phần lớn thời gian trong chu kỳ canh tác tối thiểu 10%.