Cụ ông Võ Giáp bên cửa biển trước mặt làng
Dòng sông Lam sau cuộc hành trình dằng dặc hơn 600 cây số từ rẻo cao đến đồng bằng, trước khi hòa mình vào biển cả đã mang tất thảy phù sa của mình lắng thành một bãi bồi nơi cửa biển phân định ranh giới hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Có người lãng mạn coi bãi bồi như một món quà chia tay mà dòng sông dân bản địa vẫn thường gọi tên Ngàn Cả này dành tặng đất liền.
Và cũng chính từ bãi bồi ven chân sóng ấy, độ chừng 800 năm trước, dân thập phương đến đây cư ngụ rồi dần dà lập nên một ngôi làng chài nổi tiếng bậc nhất dải biển miền Trung: Làng cổ Đan Nhai - Hội Thống, ngày nay là xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
1. Làng nằm trên những doi cát trắng trải dài bao bọc bởi những rặng phi lao tít tắp phía tả ngạn cửa biển Hội Thống. Khi xưa các thầy địa lý vẫn thường bảo, thế đất của làng mang hình dáng của một chiếc lược khổng lồ mà sống và răng lược là những doi cát thẳng, đều đặn, như thể có cả một sự sắp đặt, nhào nặn tài tình.
Quả thật, nếu nhìn trên bản đồ, dòng sông Lam uốn lượn từ miền Tây xứ Nghệ về đến cửa bể này hệt như một suối tóc dài còn Hội Thống chính là chiếc lược vừa chải đến đoạn cuối cùng của mái tóc.
Lịch sử đã minh chứng, ngôi làng chài cổ vùng bãi ngang cực Bắc của tỉnh Hà Tĩnh này là điểm gặp gỡ đất liền cuối cùng của dòng sông Lam sau cuộc hành trình đằng đẵng. Còn hiện tại, từ giới nghiên cứu cho đến khách thập phương đều đánh giá, đây là một ngôi làng biển độc đáo và nhiều điều thú vị.
Không giống phần lớn những ngôi làng khác ở các địa phương thuộc những vùng bãi ngang ven biển các tỉnh Bắc Trung bộ thường có giọng nói nặng, hơi khó nghe, mang đậm đặc trưng của người miền biển, giọng nói người Hội Thống pha chút nhẹ nhàng của người Bắc, chút bộc trực, khảng khái của người Nam mà vẫn không hề mất đi nét thâm trầm, mộc mạc của người miền Trung.
Sử cũ chép rằng, Đan Nhai - Hội Thống là một ngôi làng cửa sông, cửa biển, nằm giữa xứ Nghệ Tĩnh mà xưa nay vẫn thường gọi là dân Kẻ Hội. Tên ấy xuất phát từ khởi thủy bởi lý do cư dân của làng từ khắp tứ xứ đến “hội” ở đây mà thành.
Bắc có Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định vào, Trung có Nghệ An sang, và sau này có cả người miền Nam ra. Thành thử, từ văn hóa, phong tục tập quán đến đời sống sinh hoạt của dân làng có lẽ vì thế mà đa dạng, phong phú vô cùng.
Chả thế mà hơn 250 năm trước, Đông Hồ Lê Văn Diễn, một danh sĩ thời bấy giờ khi viết cuốn "Nghi Xuân địa chí", dù rất say mê văn hóa làng Hội Thống nhưng khi nhắc đến cũng phải hạ bút một cách khá dè dặt rằng: “Người Hội Thống có phong thái Bắc Thành, ít ai dám xâm phạm đến”.
Trước đó nữa, ở thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông sau khi đánh Chiêm Thành quay về qua Đan Nhai đã cho dựng một ngôi đền để vinh danh ngôi làng này. Đền ấy đến tận bây giờ vẫn còn đôi câu đối: Hồng Đức vinh phong vương hữu miếu. Đan Nhai hiển tích sử ư nhân.
Nếu tính xa xưa hơn nữa, từ thuở khai thiên lập quốc khi Vua Hùng dựng nước, sử cũ chép rằng cửa bể Đan Nhai chính là nơi hai vị tướng của Vua Hùng có tên Nguyễn Tuấn và Trần Khánh chặn đánh thắng lợi thủy quân nhà Thục. Và sau này, các triều đại phong kiến đều xem Đan Nhai là phòng tuyến quân sự vô cùng quan trọng đồng thời cũng là nơi giao thương buôn bán đường thủy.
Một minh chứng của điều này là mấy năm trước, những người nghiên cứu làng cổ tìm được một tư liệu tận bên Nhật Bản nói rằng, đầu thế kỷ 17 có một tàu buôn của họ gặp sóng to và chìm ở cửa biển Đan Nhai, bản thân những di chỉ khảo cổ ở làng cũng đã phát hiện nhiều mẫu vật đến từ ngoại quốc.
Chiều muộn, tôi lang thang trên những doi cát, dưới những rặng phi lao trong cánh rừng chắn biển rộng tầm 10 ha của ông Nguyễn Văn Lán, một cụ ông đã hơn 80 tuổi ở làng Hội Thống. Độ 30 năm trở lại đây, chứng kiến những thiên tai bão tố, những khó khăn làng biển này phải đối mặt, người đàn ông này bỏ làng ra bãi cát dựng một túp lều để ngày ngày vừa cần mẫn trồng phi lao vừa đẵn tre trồng những ngọn hải đăng tự chế để dân đi biển biết lối về. Có người nghe chuyện đã cho đấy là một người gàn dở, nhưng với ông cụ, với người làng Hội Thống, họ có những cách nghĩ riêng của mình. |
Làng rất đẹp. Nhân gian vẫn thường truyền tụng, trong Nghi Xuân bát cảnh (tám cảnh đẹp của đất Nghi Xuân) thì làng cổ Đan Nhai chiếm tới hai. Đầu tiên là Đan Nhai quy phàm, một vùng cửa biển chạy dọc từ bến Giang Đình đến cửa Hội Thống.
Ở khu vực cửa biển này từ xưa đã tấp nập thuyền bè, mỗi khi trời chiều buông xuống, ráng đỏ phủ lên những cánh buồm như đan đang về cửa bể khiến khoảng trời trước mặt ngôi làng phủ một màu tím ngắt. Xa xa là Song ngư hý thủy, hai ngọn núi dáng dấp hình đôi cá đang đùa giỡn trên mặt biển và duy chỉ đứng ở làng Hội Thống mới có thể nhìn thấy đầy đủ cả đầu lẫn đuôi của cặp song ngư.
Nhắc chuyện cũ để biết rằng, tự cổ, Đan Nhai - Hội Thống đã nức tiếng khắp năm châu bốn bể rồi. Và bây giờ vẫn vậy. Làng giống như một thế giới riêng biệt, cảnh sắc vừa bồng lai vừa dân dã, còn những cư dân của làng, cần mẫn bám biển mưu sinh, dường như không vướng víu chút tranh giành, mưu lợi, ồn ào của thế giới bên ngoài. Đời sống chưa thể gọi là trù phú nhưng yên bình lắm.
2. Cụ ông Võ Giáp (83 tuổi), một nhà nghiên cứu văn hóa làng nói với tôi: Hiếm có ngôi làng nào trên đất nước này lại nhiều đền thờ, miếu mạo như Hội Thống.
Năm tháng thời gian, thiên tai địch họa đã tàn phá rất nhiều công sức xây dựng của nhân dân, vậy mà, khi mọi sự qua đi, dân làng lại lập miếu, dựng đền, kiên trì, nhẫn nại vô cùng. Có lẽ, cách lý giải duy nhất là do đặc thù cuộc sống ở vùng cửa bể, ở nơi đầu sóng ngọn gió, thiên nhiên khắc nghiệt nên nhân dân mới cần đến nhiều niềm tin như thế để có thể vượt qua thử thách.
Cụ Võ Giáp là đời thứ 14 của dòng họ Võ, một trong những dòng họ có công khai phá lập nên làng cổ Đan Nhai xưa kia và làng Hội Thống bây giờ. Họ Võ cũng là dòng họ hiếu học, có nhiều bậc thành danh được người làng trọng vọng. Tất nhiên, cụ Võ Giáp là một trong số đó. Ngay từ khi còn là giảng viên ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông đã khiến nhiều trí thức trong giới nghiên cứu làng cổ phải chú ý bằng những cuốn sách viết về chính ngôi làng quê hương mình.
Cụ Giáp, pho sử sống của làng Hội Thống
Ông cụ vừa dẫn tôi cuốc bộ quanh làng vừa nói, ông say mê ngôi làng này hơn bất cứ thứ gì khác ở trên đời. “Thiên hạ gọi tôi là pho sử sống của làng Hội Thống, nhưng tôi nghĩ, vẫn còn nhiều điều bí ẩn ở ngôi làng chài này mà chúng ta chưa biết, đặc biệt là những ngôi đền. Với tôi, những ngôi đền chính là một phần không thể thiếu của ngôi làng này”, ông lão chậm rãi, nét tự hào về ngôi làng bỗng ngời lên trên khuôn mặt của người có tuổi.
Những ngôi đền mà cụ Giáp nhắc đến, sau nhiều biến cố, hiện giờ còn khoảng gần 20 ngôi nằm rải rác trên những doi đất làng. Tất cả đều do nhân dân góp sức dựng lên. Đền thờ những người có công khai khẩn, đền thờ thần giám hộ biển cả, đền thờ cá, đền thờ sự học, đền thờ cá voi…
Ngôi đền lâu đời nhất ở Hội Thống có cái tên nghe khá lạ tai: Đền thờ nội ngoại tiên hiền. Cụ Võ Giáp nói, đó là biểu tượng đạo lý uống nước nhớ nguồn của người làng Hội Thống, là nơi thờ tự những người có công khai danh lập xã, dựng lên ngôi làng cổ Đan Nhai trước kia.
Đền nằm trên doi cát Cồn Na, trước mặt là cánh đồng Xa Cô, nghe kể, ban đầu dân làng lập đền ở khu vực Đầu Cồn, một bãi cát bồi mà những cư dân đầu tiên của làng đặt chân đến khai hoang lập nghiệp, nhưng rồi một năm bão lớn, sóng biển đánh vào tận làng, nhà cửa, đền đài đều bị con nước cuốn phăng nên dân làng mới phải góp sức dựng lại ở chỗ này.
Chính diện ngôi đền có bức hoành phi ghi rõ: Đền Nội ngoại tiên hiền chư tiên linh. Bên trái là tấm bia khắc hai câu thơ hằn sâu trong đá “Nhớ xưa bảy họ tám người. Lập nên danh xã công nơi hải tần”. Hai câu thơ ấy là của Tiến sĩ Võ Thời Mẫn, một ông nghè nức tiếng làng Hội Thống từng dạy học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào thế kỷ 19 đã cảm tác khi cáo lão về quê nhằm nhắc nhở dân làng ghi tạc công dời non lấp bể của những người khai phá, gầy dựng nên mảnh đất này.
Đền Nội ngoại tiên hiền, nơi thờ tự những người khai phá làng Hội Thống
Bây giờ thì làng cổ Đan Nhai xưa, Hội Thống bây giờ có trên 40 dòng họ và tất cả đều xem ngôi đền là nơi thờ tự chung của cả làng. Vào các ngày lễ, không ai quy định nhưng các trưởng họ phải đến dâng hương tại đền. Còn với riêng từng hộ gia đình, hễ công to, việc bé trong nhà đều phải ra đền báo cáo, kể cả những gia đình không có tổ tông, gốc gác ở đây. Truyền thống ấy tự bao đời nay vẫn vậy.
Cụ Giáp nói rằng, ngôi đền này độc đáo ở chỗ, những người được thờ phụng đều là dân thường, không phân biệt nam hay nữ, văn bia ghi rõ tên từng người một, tổng cộng có tám người đàn ông và tám người đàn bà. Không chỉ dựng đền thờ phụng, thậm chí để ghi nhớ công lao của “bảy họ tám người” mà những thế hệ trước của làng Hội Thống đã cho xây dựng đình làng theo lối 7 gian với 8 dãy cột như muốn nhắc nhở con cháu đời sau không được quên công lao những người mở đất.
Ngoài ra, trong làng còn một ngôi đền tiên hiền nữa, dân làng lập nên để tưởng nhớ những người có công với làng với xã. Họ được xem là những bậc thánh hiền của dân làng, duy chỉ có điều, không rõ bao nhiều người có công trạng và tên tuổi họ ra sao.
Thứ làm tôi cảm thấy tò mò nhất trong câu chuyện về làng Hội Thống là “văn miếu” của làng. Chỉ mới nghe qua đã thấy rất lạ tai rồi. Một ngôi làng chài dù có truyền thống đến mấy đi nữa thì chuyện dựng cả miếu để thờ sự học quả là điều thú vị.
Cũng đã từng nghe đây đó xây dựng văn miếu hàng mấy trăm tỷ đồng để thờ Đức Khổng Tử nhưng văn miếu làng Hội Thống chỉ là cái am nhỏ, người làng góp chút công sức dựng nên ở cuối cao Cồn Na, lấy làm nơi tưởng nhớ đến các bậc tài danh của làng biển này. Dân làng thường cúng đền vào đầu năm, là dịp những người có học khai bút.
Từ xa xưa, tên tuổi những người làng thành danh đều được lưu giữ tại văn miếu này. Cử nhân, tú tài như các cụ Võ Thời Mẫn, Võ Văn Hiên, Phạm Vĩnh Trai, Nguyễn Chu Phù… và một danh sách dài những người đỗ cao trong các kỳ thi đều được dân làng lưu danh trọng vọng. Những thầy dạy học ở làng cũng được nhân dân ghi nhớ công ơn. Thế kỷ 17 có ông Hoàng Việt, thế kỷ 18 có ông Can Chiếng, thế kỷ 19 có ông nghè Mẫn dạy học ở Quốc Tử Giám nghe kể từng dạy vua Tự Đức khi nhỏ.
Đến thế kỷ 20, những ông đồ dạy chữ nho như cố Cài, cố Bởng, cố Bang hay những ông thầy quốc ngữ như cố Phồn, cố Giáo chữ nghĩa đầy bồ, rèn giũa bao nhiêu người làng thành tài, góp sức cho đất nước. Và cũng thành lệ, các thế hệ học trò Hội Thống trước mỗi mùa khoa cử đều đến đây hương khói xin được độ trì, thành đạt lại đến để tạ ơn. Ngay đến những cán bộ xã, huyện đương thời, thỉnh thoảng lại có người đến đền xin phù hộ cho đầu óc được mở mang.
Rồi cả những đền thờ thần nông, đền thờ thần cá… Đền thần nông nằm giữa doi đất Miệu, được dân làng hương khói vào thời điểm đầu các mùa vụ. Những dịp ấy, nhân dân tổ chức cả lễ hạ điền, khẩn cầu mưa thuận gió hòa.
Đền thờ thần cá của những người đi biển thờ một con cá voi to và hai con cá voi nhỏ đều có hiệu Nam Hải ngư thần. Trong đền còn có cả hơn chục chiếc tiểu sành đựng những bộ hài cốt cá voi mà nhân dân gom nhặt trong những lần gặp xác cá voi chết dạt vào bờ. Cứ mỗi lần ra khơi, ngư dân Hội Thống đều đến đền hương khói, vái lạy.
Ấy là chưa kể, vào dịp tháng Hai dương lịch hằng năm dân làng đóng góp vật chất, sức lực tổ chức lễ hội cầu ngư, sắm thuyền rồng bằng giấy và lễ vật thả xuống nước dâng thần sông, thần biển. Những hình nhân thế mạng bằng giấy theo thuyền đi ra biển khơi mang theo những lời cầu nguyện xin thần sông, thần biển ban phúc phận cho những chuyến ra khơi tốt lành.
3. Có không ít người đã từng nói, những ngư dân làng Hội Thống xứng đáng có một ngôi đền ngay giữa biển sau những gì mà họ đã làm với đại dương.
Dọc theo bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ hiếm có ngôi làng nào nổi tiếng với nghề đi biển như những cư dân ở nơi này. Đến độ, dân đi biển chỉ cần nhắc đến gốc gác người Hội Thống thì ai nấy đều kiêng dè, bái phục. Nói thế cũng không ngoa nếu biết rằng từ thế kỷ 17, dân trong làng đi biển giỏi đến nỗi nức tiếng ra tận kinh thành, được vua ban hiệu “Kiên Nghĩa xã”. Bức hiệu hiện vẫn còn treo trang trọng ở đình làng, âm thầm theo bước các các thế hệ người làng sống trọn với truyền thống cha ông.
Ngư dân Hội Thống chuẩn bị ra khơi
Sử sách còn ghi, bấy giờ cửa bể Đan Nhai, vì là thềm chân dãy núi Hồng Lĩnh nên đá chìm lởm chởm, “Cửa Hội khó vào Cửa Rào khó ra”, thuyền bè tứ xứ đến đây đều không thể vào. Duy chỉ có trai tráng Đan Nhai, nhờ vào kinh nghiệm, dũng khí của mình mà chèo lái thuyền bè cập bến. Không chỉ cảm phục tài trí, nhà vua còn ban cả đặc ân cho dân làng, thế nên, người Đan Nhai đã xin đổi tên làng thành Hội Thống, cũng là nguồn gốc của tên Cửa Hội ngày nay. Sau này, vì lý do hành chính mà làng trở thành xã Xuân Hội nhưng ai nấy đều quen gọi tên làng Hội Thống. Cả làng thành địa giới hành chính xã Xuân Hội nhưng cái cốt cách người Hội Thống vẫn cứ vẹn nguyên.
Những năm sau đổi mới (1986), Hội Thống được suy tôn ngôi làng đi biển giỏi nhất cả khu vực miền Bắc lẫn miền Trung. Tàu thuyền ra khơi hàng mấy chục đội, mỗi đội từ 30 - 50 người. Chính ở ngôi làng này dân đi biển phát minh ra nghề vó lưới bằng đèn, mỗi chuyến ra biển thu cả hàng trăm tấn cá trở về.
Có anh người làng tên là Nguyễn Anh Vựng, Chủ nhiệm HTX đánh cá Hùng Cường còn được bầu làm đại biểu quốc hội, khăn gói rời làng chài đi họp ngoài thủ đô, được đích thân Chủ tịch nước tặng lẵng hoa.
Nghề biển Hội Thống tinh nghệ đến nỗi nhân gian đúc kết bằng câu so sánh: “Lúa Xuân Viên, quan Tiên Điền, tiền Xuân Hội”. Cả ba địa danh được nhắc đến ấy đều thuộc huyện Nghi Xuân. Xuân Viên nổi tiếng với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, Tiên Điền tất nhiên nổi tiếng với Danh nhân văn hóa, đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân Nguyễn Công Trứ... Đem nghề biển làng Hội Thống ra đặt cạnh những danh xã ấy thì đủ biết nghề biển của làng tiếng tăm đến ngần nào.
Cũng tại chính cửa bể của làng, từ nhiều năm trước người ta đã cho xây dựng một ngọn hải đăng, một “con mắt” của biển cả. Người làng thường xuyên cắt cử nhau tình nguyện làm hoa tiêu hướng dẫn tàu thuyền của ngư dân ngoài biển cập bờ. Có một chi tiết mà dân đi biển vẫn thường truyền tụng nhau theo lối ngợi ca ấy là người làng Hội Thống, từ cụ ông cụ bà tuổi thất thập cho đến đứa trẻ lên năm lên bảy đã có thể làm hoa tiêu một cách chính xác và an toàn như được lập trình sẵn.
Người Hội Thống nhân nghĩa lắm. Không biết đã có hàng trăm, hàng nghìn hay hàng vạn ngư dân đã được người Hội Thống cứu hộ khi gặp nạn trên biển. Những trường hợp không may mắn trên biển, gặp người làng sẽ được đưa về cửa bể, chăm sóc, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm. Chu toàn một cách lạ kỳ. Và không biết có phải vì lẽ đó mà mới đây nhà nước cho xây dựng một lúc cả cảng cá Xuân Hội lẫn âu thuyền trú bão cho ngư dân các tỉnh Bắc Trung bộ trị giá hơn 100 tỷ đồng ngay tại cửa bể này.
Lẽ dĩ nhiên nghề chính của dân làng Hội Thống bây giờ vẫn là đi biển. Chủ tịch MTTQ xã Xuân Hội, ông Võ Văn Thắng cung cấp, cả xã có 1.654 hộ, 5.700 nhân khẩu, sở hữu 15 đội tàu công suất lớn, đánh bắt trên mọi ngư trường. Đàn ông, thanh niên trai tráng đánh bắt xa khơi, đàn bà trẻ nhỏ lưới chài trong lộng. Thu nhập từ biển dao động từ 50 - 70 triệu đồng/lao động/năm.
“Ra khơi vào lộng, đánh gần đánh xa, người làng Hội Thống có mặt khắp các ngư trường. Chỉ cần nhìn cách bủa lưới thôi thì giữa biển khơi trùng trùng vẫn có thể nhận ra người làng Hội Thống”, ông Thắng vui chuyện theo lối nói sảng khoái đặc trưng của người làng.
Ngày hai bận, sáng sớm và chiều tối, tại bến cảng nơi cửa bể, làng Hội Thống đón những con dân của mình trở về từ biển. Tất nhiên tôm cá có chuyến vơi chuyến đầy. Sau những lời chào hỏi, những cái ôm sau nhiều ngày xa cách, những người đi biển lặng lẽ đến trước những ngôi đền trong làng. Có thể là cảm tạ sự chở che cho chuyến đi biển vừa rồi và cũng có thể là những lời cầu khấn an lành cho chuyến đi biển tiếp theo. Nhưng nhìn những hình ảnh ấy tôi chợt cảm tưởng, họ, những ngư dân làng chài này vừa là con của biển, vừa là con của làng.