| Hotline: 0983.970.780

Sống mãi tinh thần Điện Biên Phủ

Những người chở quân trên bến Âu Lâu

Thứ Hai 14/04/2014 , 10:12 (GMT+7)

Năm 1952 khi ta mở chiến dịch Tây Bắc, nhất là khi phát động Chiến dịch Điện Biên Phủ bến Âu Lâu trở thành điểm trung chuyển hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, khí tài,...

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cách đây 60 năm đã làm rung chuyển thế giới. Đó là chiến thắng của cả một dân tộc. Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhóm PV Báo NNVN đã trở lại chiến trường năm xưa, đồng thời tìm gặp một số người đã tham gia chiến dịch... và nhận thấy, tinh thần Điện Biên Phủ luôn sống mãi.

Yên Bái là cửa ngõ vào Tây Bắc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ hàng trăm ngàn dân công và bộ đội cùng hàng vạn tấn lương thực, vũ khí và khí tài từ chiến khu Việt Bắc được vận chuyển qua Yên Bái để lên Điện Biên Phủ. Bến Âu Lâu là đầu mối huyết mạch quan trọng của tuyến đường, tại đây có những con người đã thức trắng đêm lái đò và phà chở những đoàn quân qua sông ra mặt trận...

Tôi trở lại bến Âu Lâu, cuối tháng Ba dòng sông Hồng đang vào mùa cạn, bãi cát xoải dài ra tận mép nước. Bến Âu Lâu nằm ngay cửa ngòi Lâu chảy ra sông Hồng đã qua thời chiến tranh nằm im lìm dưới những rặng tre xanh ngằn ngặt. Xưa nơi đây kết nối hai bờ sông bằng những chiếc đò nan. Bờ phải nằm trên đất phường Nguyễn Phúc, bờ trái nằm trên đất xã Âu Lâu đều thuộc TP. Yên Bái.

23-51-09_b6
Bến Âu Lâu lịch sử được khắc trên đá dưới chân tượng đài

Năm 1952 khi ta mở chiến dịch Tây Bắc, nhất là khi phát động Chiến dịch Điện Biên Phủ bến Âu Lâu trở thành điểm trung chuyển hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, khí tài, lương thực, thực phẩm và hàng trăm ngàn bộ đội, dân công qua sông.

Ông Phạm Trung Tốn là một trong số những người đầu tiên được giao nhiệm vụ lái phà trên bến Âu Lâu từ cuối năm 1952. Ông kể rằng: Tôi sinh năm 1928 tại xã Đông Phan, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, tháng 4/1945 thì nhập ngũ, được biên chế vào tiểu đoàn 20 quân giới chuyên sửa chữa và chế tạo vũ khí, đạn dược cung cấp cho chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, rồi Chiến dịch Biên giới 1950, sau đó chuyển về Z83 đóng tại thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên, Yên Bái), cuối năm 1952 được điều sang lái phà trên bến Âu Lâu...

Tiểu đoàn quân giới cùng nhân dân xã Âu Lâu đóng 3 phà ghép bằng những thân cây gỗ, có trọng tải 8 tấn nẹp sắt. Do chưa có ca nô lai dắt nên khi vượt sông người ta phải kéo, đẩy bằng sức người lên phía thượng nguồn chừng 300m, sau đó mới thả xuôi rồi chèo bằng các tay chèo, mỗi phà có 12 công nhân. Khi chở xe và pháo hạng nặng qua sông vào mùa nước lũ, người ta phải huy động thêm dân công và nhân dân hai ven bờ giúp sức.

Khoảng tháng 3/1953 thì bến phà Âu Lâu được trang bị thêm một phà gỗ trọng tải 12 tấn có ca nô lai dắt. Ông Phạm Trung Tốn điều khiển máy nổ, ông Nguyễn Văn Tiến làm thuyền trưởng trực tiếp lái phà. Nhớ lại những ngày đó ông Tốn cười hồn nhiên: Ca nô ngày đó được chế tạo từ những chiếc thùng phuy, thế cũng là hiện đại lắm rồi. Nhờ có ca nô lai dắt nên mỗi đêm phà chở 30-40 chuyến xe, pháo và bộ đội cùng dân công qua sông.

23-51-09_b1
Ông Phạm Trung Tốn (trái) và ông Nguyễn Văn Tiến bên chiếc ca nô lai dắt phà đầu tiên trên bến Âu Lâu

Để tránh máy bay bắn phá, ban ngày phà được kéo vào ngòi Lâu cách bến phà chừng một cây số giấu dưới những lùm tre, nhưng cũng bị máy bay phát hiện bắn phá nên phải dìm xuống nước. Người ta phải đục thủng phà cho nước chảy vào rồi chất đá và các thanh tà vẹt lên mới dìm được phà xuống lòng ngòi Lâu. Khoảng 4-5 giờ chiều thì vớt phà lên, sau khi bịt hết các lỗ thủng khoảng 30-40 dân công dùng xô, chậu tát nước từ lòng phà ra để phà nổi lên mặt nước. Đêm xuống phà mới nổ máy sang sông, để hoa tiêu cho phà cập bờ đúng vị trí, hai phía bờ sông có hai người cầm đèn bão làm hiệu.

Gian khổ nhất vào mùa nước lũ, dòng sông Hồng trở nên rộng mênh mông, nước ngầu bọt chảy băng băng như xé vải, phà đi trong đêm tối mịt mùng mưa gió mọi người phải căng mắt nhìn dòng sông để tránh những khúc gỗ và những bè rác trôi từ thượng nguồn xuống đâm vào phà hay quấn vào chân vịt khiến ca nô chết máy đồng thời phải canh chừng những chùm pháo sáng do máy bay của giặc thả dọc bờ sông, khi đó phà phải tấp vào bờ để tránh bị phát hiện.

Mỗi lần bị rác cuốn vào chân vịt, thuyền trưởng ra lệnh cho ông Tốn tắt máy rồi cùng mọi người lặn xuống nước để gỡ rác, những người khác thì dùng sào chống chọi với dòng nước để phà không bị trôi, nhưng không ít lần phà bị trôi hàng cây số. Để cứu phà không bị lật chìm, ông Tốn và mọi người phải thay nhau lặn xuống dòng nước đục ngầu đang chảy cuồn cuộn để gỡ rác, họ phải dùng dao cắt, chặt những búi rác với đủ các loại cây rừng quấn vào chân vịt.

Ông Tốn là người lặn được lâu nhất, bởi thế mọi người gọi ông là “Yết Kiêu ở bến phà Âu Lâu”. Có lẽ vì ngụp lặn nhiều, do áp lực của nước nên một bên tai ông bị điếc.

Những ngày tháng phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ ông Phạm Trung Tốn không thể nhớ hết mình và đồng đội đã lái bao nhiêu chuyến phà, đưa mấy ngàn lượt xe, pháo và bộ đội, dân công qua sông. Trong đêm tối ông không nhìn rõ mặt ai và chẳng ai nhìn rõ mặt ông cùng những người lái phà, nhưng ông biết rằng trong số những người qua sông không ít người là tướng lĩnh cấp cao trong quân đội...

Cùng với những chuyến phà có hàng chục thuyền nan của nhân dân sống dọc hai bờ sông cũng được huy động chở bộ đội và dân công. Trong đó có hai người phụ nữ, cụ Nguyễn Thị Tân và Trần Thị An. Cả hai người phụ nữ này người dân xã Âu Lâu thời đó không ai là không biết, nay cả hai đều đã mất.


23-51-09_b2
Ông Phạm Trung Tốn kể lại những năm tháng lái phà qua sông trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách nay mấy năm tôi còn gặp cụ Tân, cụ không nhớ mình bao nhiêu tuổi, cụ bảo: Già chẳng nhớ mình bao nhiêu tuổi đâu, hơn chín mươi hay sao ấy. Già làm nghề chở đò khi mới 22 tuổi, ai đi đò dọc thì già chở đò dọc, ai đi đò ngang thì già chở đò ngang. Năm ấy bộ đội qua bến sông này đông lắm, nghe nói ta và Pháp đang đánh nhau to ở Điện Biên Phủ. Cán bộ xã đến bảo: Từ nay chị Tân có thêm nhiệm vụ chở bộ đội nhá... Ban ngày tôi chở khách còn ban đêm thì chở bộ đội. Già không nhớ mình đã chở bao nhiêu chuyến bộ đội sang sông, chở từ khi trời nhá nhem đến rạng sáng. Bộ đội mang súng ống nặng lắm, mùa cạn đò của già chở được 6 người, mùa nước lũ chỉ chở được 4 người thôi. Phải bơi lên tít trên kia mới thả trôi xuôi xuống...

Cụ Tân bị một mảnh bom cắt một phần mũi khi đò vừa cập bờ, nên giữa mặt cụ có một hốc lớn. Cụ vỗ vào đôi chân và hai cánh tay: Chân tay già còn nhiều vết thương, mỗi khi trở trời đau đớn lắm, tê dại như mượn của ai...

23-51-09_b3
Ngòi Lâu nơi cất giấu phà, ca nô tránh máy bay giặc Pháp

Cụ Trần Thị An đã mất cách nay mấy năm, nhà cụ ở ngay cạnh trụ sở UBND xã Âu Lâu, năm tôi gặp cụ khi đó cụ đã 92 tuổi, tôi hỏi cụ những lần chở bộ đội qua sông. Cụ ngước đôi mắt mờ đục nhìn tôi như chìm vào quá khứ cách nay mấy chục năm trời: Năm ấy xã huy động những lái đò ban đêm chở bộ đội, tôi được cử làm tổ trưởng tổ lái đò 6-7 người đều là phụ nữ. Đang đêm bộ đội hay dân công cần qua sông là mình vùng dậy ra đò, rồi cắt cử chị em trong tổ cùng chở. Máy bay không ngày nào là không quần đảo trên bến đò này, chúng tôi phải cắt cử nhau lên đỉnh đồi hễ thấy máy bay là đánh kẻng báo cho những người đang bơi đò dưới sông biết để tìm cách dạt vào bờ trú ẩn. Tôi nhớ có 4 anh bộ đội vừa qua sông thì bị trúng bom hy sinh. Khi nghe tiếng máy bay nhào tới chúng tôi đều nằm ẹp xuống rồi bới cát phủ lên người...

Hôm nay trở lại ngôi nhà cụ An, cháu nội của cụ là Nguyễn Ngọc Hùng hiện đang làm kế toán trường tiểu học xã Minh Tiến (Trấn Yên) anh cho hay: Cụ An đã mất cách nay mấy năm, rồi đưa cho tôi xem những tấm ảnh chụp đám tang của cụ có rất đông người tới dự...

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.