Khó kiểm soát
Ngày 11/1/2019, Đội Kiểm lâm cơ động - Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát phối hợp cùng Lực lượng Bảo vệ rừng chuyên trách (Anti Poaching team) kiểm tra lô 3, khoảnh 2, tiểu khu 787 A tại địa bàn xã Châu Khê, huyện Con Cuông (thuộc vùng lõi VQG). Tại đây, đơn vị chức năng phát hiện 5 đối tượng cùng tang vật gồm 5 khẩu súng săn tự chế, 5 dao nhọn, 1 cá thể lợn rừng còn sống (đã lập biên bản và thả về rừng), 4 chân lợn rừng sấy khô, đặc biệt là 2 cá thể voọc xám với tổng trọng lượng 8,7kg đã chết.
Thực trạng săn bắn động vật hoang dã tại VQG Pù Mát rất khó kiểm soát |
Voọc xám (tên khoa học Trachypithecus phayrey) là loài động vật nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt. Theo đó VQG Pù Mát đề xuất Công an huyện Con Cuông tiến hành xác minh, khởi tố vụ án, điều tra truy tố các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Kết quả xác minh bước đầu cho thấy, đối tượng Lô Văn Hằng (SN 1994, thường trú tại bản Liên Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương) là người trực tiếp dùng súng bắn chết 2 cá thể voọc xám. Với hành vi này Lô Văn Hằng đối diện với án tù giam 1 - 5 năm, đồng thời phải tiến hành bồi thường số tiền từ 500 triệu - 2 tỷ đồng.
Trước đó khoảng 2 tuần (21/12) lực lượng Kiểm lâm của Vườn và cán bộ bảo vệ rừng trong lúc tuần tra đã bắt giữ 7 đối tượng sinh sống ở bản Khe Bu, xã Châu Khê với tang vật là 9 khẩu súng tự chế cùng các cá thể khỉ, sóc bay và chuột sấy khô. Các đối tượng này sau đó bị xử phạt hành chính 36 triệu đồng.
Hai vụ việc điển hình nêu trên đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng săn bắn động vật hoang dã trong địa phận VQG Pù Mát, với diễn biến rất khó kiểm soát.
Ngày 18/1, trao đổi với NNVN, đại diện phía VQG Pù Mát xác nhận tình trạng trên: Nổi cộm có vùng Tam Hợp, Tam Quang, Tam Đình của huyện Tương Dương. Tại Con Cuông có khu vực bản Xát, bản Bủng, bản Nà, bản Bu của xã Châu Khê, bản Trung Chính của xã Yên Khê. Ngoài ra, trong vùng lõi có bản Búng của xã Môn Sơn, nơi tập trung sinh sống của tộc người Đan Lai.
Vì đâu nên nỗi?
Vụ việc xảy ra trên địa phận quản lý của VQG Pù Mát nên trách nhiệm trước tiên thuộc về phía đơn vị chủ rừng. Dù vậy xoay quanh vấn đề trên còn vô vàn nút thắt chưa thể tìm ra hướng tháo gỡ, với đà này tình trạng an ninh ngay chốn “rừng vàng” khó giữ vững.
Vụ việc sát hại 2 cá thể voọc xám đang gióng lên hồi chuông báo động |
Qua tìm hiểu được biết, theo quy chế hiện hành mỗi cán bộ kiểm lâm phải đảm đương diện tích 500ha. VQG Pù Mát được phân công quản lý trên 94.000ha nhưng số lượng biên chế chỉ gói gọn 87 người, tính toán sơ bộ mỗi người phải nai lưng “gồng gánh” trên 1.000ha, nhiều hơn gấp đôi định mức chung. Thiếu hụt nhân sự khiến áp lực bảo vệ rừng ngày một đè nặng, lúc này mỗi cán bộ chuyên trách phải thực hiện tuần tra, kiểm soát rừng tối thiểu 7 ngày/tháng, lúc cao điểm khối lượng công việc đẩy lên gấp đôi.
Song song với đó, các đối tượng vi phạm chủ yếu là người bản địa, sinh sống ngay sát địa phận của VQG nên rất thông thạo điều kiện địa hình. Mặt khác đời sống thường ngày của họ nhìn chung còn khó khăn, thiếu thốn, cộng thêm hạn chế về nhận thức nên dần dà dẫn đến những hành động xâm hại tài nguyên rừng.
Bàn đến vấn đề này, Phó Chủ tịch huyện Con Cuông Lô Văn Thao thừa nhận: “Lúc này huyện chưa đủ khả năng ban hành các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội. Để ngăn chặn vấn nạn săn bắn động vật hoang dã đang diễn ra tại VQG Pù Mát nói riêng và toàn huyện nói chung, nhất thiết cần sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh”.