| Hotline: 0983.970.780

Những người gác đền xanh

Thứ Sáu 04/12/2020 , 09:24 (GMT+7)

Giữa những ngày tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 7/7/1962, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Vườn quốc gia Cúc Phương.

Sự kiện lịch sử đó đã mở ra hướng nhận thức được coi là cấp tiến, xác lập vai trò to lớn của rừng đối với sự tồn vong cũng như phát triển bền vững của đất nước.

Ông đến với rừng thì ông phải vào rừng. Để có một cánh rừng bình yên và thơ mộng, thì người đầu tiên ông phải nhớ đến chính là các anh kiểm lâm”.

Bởi cách gợi mở rất logic ấy của ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương (Cúc Phương), tôi đã không ngần ngại xin được làm một cậu học trò nhỏ của các anh kiểm lâm Cúc Phương qua chuyên đề “nhập môn quản lý, bảo vệ rừng”.

Buông màn ăn cơm tối

Ở Cúc Phương, các trạm kiểm lâm được đánh số tự nhiên. Nhưng một số trạm sẽ có tên phụ, lấy theo tên của bản Mường xưa như một cách để tôn vinh các cộng đồng bản địa đã “nhường màu xanh cho cánh rừng già”. Đăn là một trong hàng chục cái tên như thế.

Cách 20 cây số dọc theo đường từ cửa rừng, Trạm Kiểm lâm số 1 – Trạm Đăn - là nơi mà anh em kiểm lâm ở đây gắn bó và tìm vui công việc trong điều kiện sống “ba không”: Không điện, không điện thoại, không internet. Đinh Văn Hiêm là chiến sỹ kiểm lâm trẻ nhất thuộc quân số của Trạm. Quê Yên Thủy, Hòa Bình, Hiêm có thân hình vạm vỡ, gương mặt phúc hậu và tính tình hiền lành đúng chất trai Mường.

"Anh đi với em, em cho anh xem cái này", Hiêm kéo tay tôi đi ra phía đầu suối.

Hiêm thò tay xuống lòng suối, bới 1 lúc và kéo lên một bịch nilon:

- Nay Trạm có khách thì phải cải thiện chứ anh. Thịt ba chỉ hẳn hoi nhé!

Mỗi lần có ai về nghỉ, người đó sẽ kiêm luôn nhiệm vụ đi chợ cho Trạm. Thực phẩm sẽ được mua dùng trong vài ngày. Họ sáng tạo ra cách bọc thịt vào túi nilon, đem ra ngâm dưới suối. Ở lõi rừng, suối chính là tủ lạnh, là chiếc điều hòa nhiệt độ, là vòi hoa sen, là lavabo rửa mặt…

"Hôm qua đi tuần, tổ chúng em phát hiện dấu hiệu xâm hại ở Tiểu khu 5. Thế nên, 4 giờ sáng nay, tổ công tác của Trạm đã phải luồn rừng kiểm tra rồi anh ạ".

Hoàng hôn trong lõi rừng trao cho tôi một cảm giác kì lạ. Đẹp và yên ả đến nao lòng. Và mặt trời xuống rất nhanh. Hiêm khéo chia đĩa thịt rang, đĩa rau muống luộc và tô canh để ngay ngắn vào ngăn chạn.

Cơm thì Hiêm bảo, hai anh em ăn trước, xong ủ trên bếp, các chú về ăn cho nóng. Muỗi. Nhiều muỗi kinh hoàng. Tôi chưa kịp gãi chỗ này thì chỗ khác đã nhói một cái. Những tiếng vỗ bồm bộp không xuể. Hiêm vào phòng, buông màn rồi trở xuống bếp bê mâm cơm lên, khéo lách đặt vào trên giường ngủ.

"Ăn trong màn mà anh, không thì muỗi nó khiêng hai anh em mình đấy". Hiêm nhanh miệng giải thích và tủm tỉm cười vào sự ngơ ngác của tôi.

Thắp ngọn nến to bằng ngón tay cái, Hiêm để trên chiếc ghế con phía giữa cửa ra vào rồi vén màn cho tôi dò dẫm chui vào trước.

"Lúc còn học cấp 1, cấp 2, chúng em được các thầy cô trong Câu lạc bộ Bảo tồn Cúc Phương đến tận trường giảng bài, rồi được đi tham quan rừng nữa". 

Thì ra, các bài giảng nâng cao nhận thức bảo tồn của các thế hệ “thầy cô” mặc trang phục kiểm lâm của Cúc Phương đã trao cho Hiêm và rất nhiều bạn trẻ ở vùng đệm vườn quốc gia này tình yêu thiên nhiên trong trẻo. Họ lớn lên như cây rừng nhưng trưởng thành trong nhận thức. Và để rồi, nhiều bạn trẻ như Hiêm đã quay trở lại, nối tiếp sứ mệnh gìn giữ cánh rừng thân thương này.

Bữa cơm trong màn và những bộc bạch của chàng trai kiểm lâm người Mường ấy, sẽ suốt đời tôi chẳng thể nào quên.

Nỗi lòng sau tấm áo xanh

Anh Nghĩa, lớn tuổi nhất trạm Đăn, là người Mường Hòa Bình. Anh to cao lực lưỡng như một cây chò chỉ. Anh Cường cũng đã có hơn 10 năm gắn bó với rừng.

Họ đã kể tôi nghe đến tận đêm khuya không biết bao nhiêu chuyện, gắn với cuộc đời làm nghề. Tôi rất muốn ghi lại ra đây để thật nhiều người biết những gian khổ, hiểm nguy mà họ đã phải trải qua, đối diện. Nhưng do liên quan đến những biện pháp chuyên môn nghiệp vụ trong quản lý, bảo vệ rừng nên tôi không được phép.

Trạm trưởng Đỗ Tiến Dũng được toàn bộ kiểm lâm Cúc Phương gọi trìu mến với biệt danh “ma rừng”. Vốn xuất thân từ trinh sát đặc công, sau khi xuất ngũ, anh trở thành chiến sỹ kiểm lâm Cúc Phương. Gần ba mươi năm công tác, giờ, hơn 22 nghìn héc ta rừng Cúc Phương anh thuộc như lòng bàn tay. Không góc rừng, khe suối hay đỉnh núi nào không in dấu chân người kiểm lâm có kỹ năng và kinh nghiệm đặc biệt nhất này.

"Em không được phép công bố những nghiệp vụ sâu, nhưng các anh có thể chia sẻ những tâm tư chứ ạ?", Tôi khéo gợi ý!

"Mình thì nhớ nhất là chuyện bị lỡ ngày ăn hỏi. Đêm trước khi về nhà để tổ chức, địa bàn có sự vụ, cả Trạm phải lên đường ngay. Chuyến đó, anh em nằm rừng 2 đêm. Hai bên gia đình đã ấn định ngày, lễ lạt đã sắm đủ. Thế là đám hỏi không có chú rể tương lai. May mà hai họ và bà xã mình hiểu và thông cảm", Anh Cường vừa kể, vừa cười hé hàm răng trắng muốt.

Câu chuyện của anh Nghĩa về việc đặt tên cho 2 người con là Cúc và Phương cũng làm tôi xúc động vô cùng. Anh bảo, cả đời mình gắn bó với rừng, mình không học cao, cũng chẳng biết thế nào nữa, nhưng thấy cái tên Cúc và Phương cũng hay nên đặt tên cho các cháu. Thật mừng vì giờ các con anh đã khôn lớn, trưởng thành. Cháu Cúc đang học Học viện Nông nghiệp và có ước mơ sẽ về rừng làm đồng nghiệp với bố.

Năm 1998, sau 7 năm công tác, anh Dũng được bổ nhiệm làm Trạm trưởng suốt cho đến nay. Hơn hai mươi năm trong vai trò lãnh đạo Trạm, cũng phải đến gần 20 cái tết trong số đó là anh đón tết ở rừng.

Bọn mình không ngại gian khổ hay điều kiện khó khăn. Điều áy náy nhất chính là thương vợ con ở nhà. Quanh năm chồng đi vắng, việc lớn việc bé đều đổ lên vai vợ… Anh Dũng chia sẻ trong ánh mắt rưng rưng!

Trong đêm rừng quạnh vắng, tôi có thể nghe hết nỗi lòng của các anh, dù các anh không nói hoặc bản tính các anh không quen. Sự hy sinh thầm lặng của các anh mỗi ngày là không đong đếm được. Nhưng, những người phụ nữ, những đứa trẻ thơ nơi mái ấm phía sau mới là nỗi niềm canh cánh trong lòng các anh. Vợ trái gió, con ốm đau. Rồi ngày nghỉ, ngày lễ. Rồi ngày tết sum vầy…

Những gương mặt rắn rỏi mà hiền hậu, bản lĩnh mà kiệm lời ấy, mãi hiện lên trong tôi với ý niệm đầy đủ về nét đẹp tận hiến trong hình tượng những chiến sỹ kiểm lâm.

"Tàn nhưng không phế"

Học chính quy đại học Lâm nghiệp, chuyên môn cứng, bản lĩnh vững, Nguyễn Minh Tâm, Trạm trưởng Trạm cơ động số 1 Cúc Phương, 33 tuổi nhưng là một… thương binh. Hôm xảy ra sự việc, bố mẹ và nhất là người vợ mới sinh con của Tâm như chết lặng khi nhận tin báo. Tâm bị đối tượng cầm dao chém trong lúc đối mặt. Dù đã tránh được nhưng lưỡi dao của kẻ thủ ác vẫn cố tình chặt lìa một ngón tay của chiến sỹ kiểm lâm trẻ.

"Nghề của chúng em mà anh. Em không run sợ mà luôn động viên anh em, bằng mọi giá phải bảo vệ rừng. Em chỉ thương vợ con thôi", Tâm đưa tôi xem bàn tay đã mãi mãi không còn nguyên vẹn và kể lại…

Gia đình và vợ động viên Tâm chuyển ngành để đảm bảo an toàn và đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, Tâm một mực quyết tâm bám rừng để làm nghề. Những lo toan rất đỗi con người của bậc sinh thành cũng như người bạn đời của Tâm là diễn biến tâm lý bình thường. Nhưng tôi càng xúc động và kính phục tinh thần cũng như tình yêu nghề của Tâm.

"Em bỏ nghề làm sao được anh. Em sẽ gắn bó chứ. Là một Đảng viên trẻ, lại là Thương binh nữa, Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”", Tâm nồng nhiệt.

Theo quy định, kiểm lâm hy sinh hoặc bị thương trong khi làm nhiệm vụ được công nhận như liệt sỹ và thương binh. Đây là một chính sách hoàn toàn xác đáng của Nhà nước đối với những nỗ lực vì màu xanh của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, hiện nay, Cúc Phương hiện có đến 6 kiểm lâm viên được công nhận là thương binh.

Tại Trạm kiểm lâm số 7 (Yên Trị, Yên Thủy, Hòa Bình), tôi vô tình phát hiện, người kiểm lâm đang ngồi trước mặt mình là một thương binh. Anh Nguyễn Văn Thịnh, tóc đã hoa râm, vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa hài hước kể chuyện…

Ái chà chà! Trận đó mà mũi dao nó chỉ sâu thêm bằng hạt gạo nữa là giờ tớ xanh cỏ lâu rồi. Tớ quật nhau với nó tơi bời. Nhưng bọn đó có 2 thằng nên thằng kia nó thọi được dao vào ngay cổ tớ. Đây, đây này, chỗ này này.  

Là một thương binh có nghĩa là đã mất một phần sức lao động do thương tật. Nhưng là một thương binh kiểm lâm thì hàng ngày, các anh vẫn phải luồn rừng tuần tra. Xuân qua đông tới. Nắng núi mưa rừng. Anh Thịnh bảo:

Trở trời gió là lại đau. Nhưng tớ kệ. Cứ đi rừng về, ăn miếng trầu hút điếu thuốc lào là lại khỏe.  

Mộc mạc như cây rừng, trong trẻo như suối nguồn. Đó là bản tính của các anh. Đi khắp các trạm kiểm lâm Cúc Phương, bạn sẽ gặp những anh Khánh, anh Thông, anh Chung… Nếu không lân la trò chuyện, không bao giờ các bạn biết phía sau bộ đồ lẫn vào màu xanh cây lá kia, là những lần máu đổ, là những hy sinh một phần thân thể, thầm lặng cho rừng.

"...Bởi rừng xanh yêu thương"

Nhìn vào mái tóc bồng bềnh và những câu hát lãng mạn mà Mai Văn Lưu ôm ghi ta nghêu ngao bên hàng thông lúc nắng xiên chiều, ai cũng nghĩ đây là một chàng nghệ sĩ. Chỉ khi Lưu vận trên mình bộ lâm phục, đeo đôi tất chống vắt bên trong chiếc dép rọ bộ đội – một thứ dép “kinh điển” của kiểm lâm mỗi khi đi rừng – và trên vai là chiếc ba lô dã chiến, tôi mới ồ lên rằng, đây là một kiểm lâm chính hiệu.

"Tại sao em lại chọn công việc này, Lưu?", Tôi dò hỏi.

“Em đến với rừng đâu chỉ vì rừng xanh thơm hương/ Em đến với rừng vì rừng xanh tình yêu quê hương/Em đến với rừng đâu chỉ vì rừng mờ trong sương/ Ta đến với rừng bởi rừng xanh yêu thương…”. Bên hiên Trạm Kiểm lâm số 10 (Ân Nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình), Lưu buông phím thay cho câu trả lời.

Nhưng này, các bạn gái bây giờ chắc là cũng khó chấp nhận bạn trai mình sống cảnh “người rừng” nhỉ? Tôi gợi chuyện…

Bạn gái em không như anh nghĩ đâu. Dù bạn ấy sống và làm việc ở thành phố, phải hàng tuần hoặc nửa tháng chúng em mới gặp nhau, nhiều hôm đi rừng cũng không có sóng điện thoại để nhắn tin, gọi điện, nhưng, bạn ấy tin vào tình yêu và tự hào về em lắm.

Gần 2 năm gắn bó với nghề, chính công việc này đã rèn giũa cho Lưu tính kiên trì, biết cách vượt qua khó khăn để khám phá bản thân. Mỗi chuyến đi rừng là một lần Lưu học hỏi, tích lũy hiểu biết và kinh nghiệm từ các anh, các chú trong Trạm.

Khi rảnh, Lưu đọc sách và tập chơi ghi ta. Anh chàng tỏ ra một chút thẹn thùng khi tôi truy cập vào trang facebook cá nhân. Thật xúc động bởi những gì trong đó. Những tấm hình chụp phong cảnh núi non, rừng cây, khe suối và kèm theo là những vần thơ tuy mộc mạc nhưng cảm xúc rất chân thành.

Lưu bộc bạch, người truyền cảm hứng lớn nhất để Lưu đến và gắn bó với rừng chính là bố mình - ông Mai Văn Xinh - người gần như trọn cuộc đời công tác gắn bó với Cúc Phương.

Không trực tiếp làm kiểm lâm nhưng với công việc của một cán bộ nghiên cứu khoa học, những câu chuyện mà ông Xinh kể sau mỗi chuyến luồn rừng điều tra, giám sát đa dạng sinh học, đã âm thầm nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên trong tâm hồn cậu con trai mình.

Ở Cúc Phương, có hàng chục câu chuyện như cha con Lưu. Các thế hệ trong một gia đình, rất tự nhiên thôi, họ nối tiếp nhau, trao truyền cho nhau tình yêu và sự gắn bó với công việc thầm lặng nơi rừng già. “Có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương”- câu hát mà đêm hôm đó Lưu hát dưới ánh trăng non đầu tháng, cứ trở đi trở lại trong tâm trí tôi. Chắc chắn ở trong những tầng tán chen chúc nhau vươn xanh kia, có những điều mà tôi và rất nhiều người chưa chạm tới như họ.

Ngôi đền thiêng kỳ vĩ

Trong yên ả đại ngàn, tôi vô tình chứng kiến khoảnh khắc an nhiên của một vị tu sĩ đang ngồi tọa thiền tại cửa động Người Xưa. Đại đức Thích Minh Hiếu, trụ chì chùa Phúc Linh (tỉnh Hải Dương), tay lần tràng hạt, khi dành cho tôi mươi phút tiếp chuyện.

Đây là một ngôi đền. Một ngôi đền màu xanh kì vĩ mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho thế gian. Giáo lý của đức Thích Ca dạy chúng ta hướng tới thuận lẽ cùng thiên nhiên. Gần đây, tôi luôn giáo huấn các Phật tử của mình đến với “Eco Buddha”. Đó là một xu thế lấy tôn trọng thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên để giải trừ vô minh, khai mở trí tuệ. Ông chậm rãi khai thị. 

Là vườn quốc gia có hoạt động khai thác du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng, Cúc Phương hàng năm đón trung bình hơn 100 nghìn lượt khách nội địa và quốc tế. Ở Hạt Kiểm lâm Cúc Phương, trung bình mỗi một kiểm lâm viên phải trực tiếp quản lý, bảo vệ gần 400 héc ta rừng đặc dụng.

Đó là một thách thức không hề đơn giản với hình thái rừng mưa nhiệt đới trên núi đá vôi. Đảm bảo an ninh rừng để khách tham quan được chiêm ngưỡng cảnh sắc đại ngàn hùng vĩ, công lao đầu tiên chính là ở nỗ lực không mệt mỏi của các chiến sỹ kiểm lâm nơi đây.

Gần 60 năm qua, tấm thảm xanh quý giá trên địa bàn ba tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình này đã chứng kiến những nỗ lực phi thường, những hy sinh to lớn của những chiến sỹ áo xanh.

Ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, đội ngũ kiểm lâm còn tham gia tích cực vào hoạt động du lịch: Tham gia dẫn đường mở tuyến tham quan, hóa thân thành một hướng dẫn viên thứ thiệt đơn giản chỉ là nụ cười trìu mến trên môi khi nghiêm trang dơ tay chào đón du khách đến với Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt.

Một ngày đến Cúc Phương, bạn hiếu kì với bầy linh trưởng hay những chú rùa ngộ nghĩnh, hoặc trầm trồ dưới một tán cây cổ thụ ngàn năm, xin hãy đừng quên những bóng áo xanh lẫn dưới tán rừng ấy nhé.

Và, đêm về, khi bạn đã vào giấc trong các căn phòng nghỉ giữa thơm sạch giữa rừng già, khắp các nẻo rừng Cúc Phương lại in dấu những bước chân không nghỉ của các anh. Và khi ngồi viết những dòng này, tôi mới dần hiểu câu thơ của một tác giả người Đức trong bài “Lời cầu nguyện của rừng”:

“Hồn tổ quốc ngự trong rừng sâu thẳm

Rừng điêu tàn là tổ quốc suy vong”

Đúng! Cúc Phương chính là một ngôi đền màu xanh kì vĩ. Và, những chiến sỹ kiểm lâm nơi đây chính là những người canh gác cho ngôi đền thiêng ấy. Không ồn ào tô vẽ, tình yêu của họ dành cho cánh rừng như một niềm tin tôn giáo. Họ tự thân dâng hiến thanh xuân và cuộc đời để góp phần vào hành trình thầm lặng mà vinh quang: Bảo vệ màu xanh!

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.