| Hotline: 0983.970.780

Những người 'sống tận cùng' với đồng ruộng: [Bài 2] Mong chờ Đề án 1 triệu ha

Thứ Năm 14/12/2023 , 07:31 (GMT+7)

Năm 2016, lão nông Bùi Thiện Nghệ cùng một số nông dân khác mạnh dạn thành lập HTX nông nghiệp, để bảo vệ mình, bảo vệ cánh đồng, cây lúa của chính mình.

Lão nông Bùi Thiện Nghệ - người gắn bó miệt mài với đồng ruộng Hậu Giang.

Lão nông Bùi Thiện Nghệ - người gắn bó miệt mài với đồng ruộng Hậu Giang.

Kế sách đối phó với "cò lúa"  

“Cách nay chừng chục năm, một doanh nghiệp tới đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ lúa gạo cho các xã viên vào cuối vụ. Họ còn đặt cọc 300 - 500 ngàn đồng/ha. Cũng có những doanh nghiệp tới bỏ giống thuê bà con cấy gia công, toàn bộ phân bón, vật tư họ bỏ hết, cuối vụ cân thóc rồi trừ chi phí đầu vào. Nhưng, bản chất đâu phải như vậy”, lão nông Bùi Thiện Nghệ chia sẻ.

Bài liên quan

Trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa, những lo lắng về thời tiết, thiên tai, mưa nắng, sâu bệnh… đã luôn là những vấn đề thường trực khiến người trồng lúa lúc nào cũng mất ăn mất ngủ. Nhưng, đến vụ thu hoạch lúa về nhà, cái lo vẫn đuổi theo sau. Một áp lực mới đặt ra cho người nông dân, đó là giá.

“Không có ai chân thành với mình cả. Thương lái mua lúa, mục tiêu của họ đó là lợi nhuận. Để có lợi nhuận, họ nghĩ ra đủ chiêu trò ép giá, dìm giá, đánh thấp chất lượng hạt lúa của mình để buộc mình phải bán”, ông Nghệ chia sẻ.

Những bài học mà người nông dân miệt vườn tự rút ra sau mỗi một sự việc cụ thể, từ đó mới nhìn ra cách thức của những người đi thu gom lúa không chân chính mà bà con vẫn gọi là “cò lúa”, có rất nhiều. Câu chuyện cay đắng mà chính ông Nghệ phải trải qua, đó là một doanh nghiệp tới đặt vấn đề liên kết: doanh nghiệp bỏ giống, bỏ vật tư, phân bón, người nông dân có ruộng cấy “gia công”, cuối vụ họ đến thu mua.

Người nông dân, ngoài nỗi lo thiên tai địch họa còn thường trực nỗi lo của đội 'cò lúa' bắt tay nhau dìm giá, ép giá lúa gạo của bà con.

Người nông dân, ngoài nỗi lo thiên tai địch họa còn thường trực nỗi lo của đội "cò lúa" bắt tay nhau dìm giá, ép giá lúa gạo của bà con.

“Mối liên kết ấy nhìn bên ngoài tưởng dễ ăn, nhưng phải tỉnh táo hết sức. Bởi vì, ngoài việc giống lúa mình trồng, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật… do họ cung cấp, theo quy trình, cách thức của họ, nhưng đó là cách thức họ bán thuốc sâu, phân đạm hóa học cho mình. Không những giá cao hơn so với bên ngoài mà còn không đảm bảo chất lượng, không đúng nguồn gốc, xuất xứ, chủng loại. Cuối vụ cân lúa lên, họ trừ chi phí, cuối cùng người nông dân vẫn chịu thiệt”.

Còn vấn đề “cò lúa”, xuống tiền mua lúa non ngay từ khi lúa vừa sạ xuống đồng cũng có năm mười chiêu trò: có những người họ bỏ cọc và ba trăm ngàn/công ruộng, giá thu mua cam kết, nhưng đến khi thu hoạch lúa, giá lúa xuống thấp họ sẵn sàng bỏ cọc. Mà nhiều khi không vì giá lúa xuống thấp họ mới bỏ cọc.

“Họ biết thực trạng của người nông dân không có chỗ chứa lúa, không phơi, sấy lúa được ngay vì không có nhà kho, xưởng sấy, hạt lúa tươi vừa gặt không kịp khô vỏ, chất đống như núi chỉ vài ba ngày sẽ lên mầm, chất lượng hạt gạo giảm đi phân nửa. Vùng sông nước, nhà nào cũng nhỏ bé, chật chội, lấy đâu nhà kho. Họ bỏ cọc rồi, mình phải tự đi tìm lái khác. Mà, họ đã chủ ý dìm giá người nông dân, các lái gom lúa sẽ liên kết với nhau, bảo nhau không mua, hoặc chỉ trả một giá nhất định. Người dân tội lắm”, ông Nghệ chia sẻ những câu chuyện đầy nỗi niềm, mà cũng chỉ cách nay năm bảy năm, đâu có xa xôi.

Cách gieo mạ để 'đứng trên bờ dặm lúa' của ông Nghệ.

Cách gieo mạ để "đứng trên bờ dặm lúa" của ông Nghệ.

Làm sao để đối phó với đội “cò lúa” lúc nào cũng gây bè kết cánh, giăng ra một trận địa thập diện mai phục để o ép người nông dân? Tui vẫn nghĩ và bảo với bà con rằng, người cầm cây viết, họ khôn ngoan hơn người cầm cây cuốc rất nhiều, chúng ta không thể đối phó với họ được nếu như không liên kết lại với nhau, thành một tập thể. Một cây đũa đứng riêng thì ai cũng bẻ gãy, nhưng chụm lại với nhau thành bó, không ai bẻ được.

Vậy thì làm thế nào? Hợp tác xã. Mô hình đơn giản, không quá phức tạp ấy chính là giải pháp. Nó sẽ là nơi chụm người nông dân lại với nhau, tạo thành sức mạnh của chính họ. Thế là Hợp tác xã Tân Tiến ra đời, với hơn 30 xã viên quy tụ hơn 30ha gieo cấy lúa. Khi đã tập hợp nhau thành tổ chức, xã viên chia sẻ cho nhau kinh nghiệm, giúp nhau về tư liệu sản xuất. Quan trọng nhất, ấy là có đường hướng rõ ràng, có lộ trình, có đường đi, và mọi người cùng dắt nhau đi trên con đường ấy.

“Chúng tôi liên kết với nhau, hùn tiền để có khoản vốn pháp định đâu đó trên dưới 2 tỷ đồng. Tiền ấy mua máy móc, tư liệu sản xuất. Những cánh đồng mẫu lớn nối thành một dải, máy cày, máy bừa, máy gặt, máy phun thuốc sâu… chạy băng băng, giải phóng sức người. Một nhà không thể bỏ một lúc hàng trăm triệu đồng để mua máy móc, mà nếu có mua về cũng không khai thác hết công suất, lãng phí lắm. Nó cũng giống như con trâu tập thể ngoài Bắc, nhưng nó là con trâu bằng máy, con trâu cơ giới”, ông Nghệ phân tích.

Người nông dân ở ĐBSCL đang ngày được nâng cao vị thế, cùng tham gia bảo vệ môi trường sống. 

Người nông dân ở ĐBSCL đang ngày được nâng cao vị thế, cùng tham gia bảo vệ môi trường sống. 

Câu chuyện đầy tính khoa học, logic của ông Nghệ cuốn hút chúng tôi đến mức quên cả thời gian đã nhích sang quá trưa. Nắng đã bắt đầu gay gắt và có phần oi ả. Ngoài kênh, một chiếc tàu lớn pành pạch chạy qua, tới khúc cua giảm tốc độ, tiếng máy gằn lên như có vẻ dỗi hờn. Ở vùng sông nước này, con nước lớn, nước ròng, mỗi năm đều đặn đúng nhịp, đúng mùa, như cái đồng hồ tự nhiên báo cho những người nông dân cả cuộc đời gắn bó, bám đồng bám ruộng…

“Cái hợp tác xã nó hay hơn nữa, ấy là chúng tôi sẽ quyết cùng nhau trồng một giống lúa, bảo nhau sử dụng ít thuốc hóa chất độc hại thôi, xài nhiều hủy hoại đất, mà đất xấu, đất bị hủy hoại chính là mình tự chặt vào cái chân của mình rồi. Cánh đồng mẫu lớn, mình nói có trọng lượng hơn, mình trở thành đối tác ngang phân với doanh nghiệp thu mua lúa gạo, không còn nhỏ bé, tiểu nông, không còn manh mún… để người ta bắt nạt mình nữa”.

Cái lý của ông Nghệ, tôi thấy nó đúng quá, tài quá. “Cái gan lớn” của người nông dân Hậu Giang mà mở đầu câu chuyện ông nói, bây giờ tôi mới thấu, nó là sự khôn ngoan, là trí tuệ của những người biết mình nhỏ, mình yếu, sẽ đi cùng nhau, liên kết thành một nhà!

Mong chờ gì từ Đề án 1 triệu ha?

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với lão nông Bùi Thiện Nghệ có chị Thúy Kiều, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang đi cùng. Chị Kiều là cô gái Hậu Giang chuẩn mực, xinh xắn, trắng trẻo, hiền, và chắc chắn, chị rất yêu cây lúa.

Những khay nhựa dùng để gieo mạ dặm 'đứng ở trên bờ' của ông Bùi Thiện Nghệ.

Những khay nhựa dùng để gieo mạ dặm "đứng ở trên bờ" của ông Bùi Thiện Nghệ.

Trỏ đám mạ còn sót trên sân nhà ông Nghệ, chị Kiều bảo tôi: “Anh thấy lạ không? Đây là khay mạ gieo dặm chỉ có ở nhà chú Nghệ, rất đặc biệt”. Quả thật, đúng như chị Kiều nói, lần đầu tiên tôi được thấy cách thức gieo mạ mới lạ, không giống ai: một khay nhựa có các hốc nhỏ để chứa đất, mỗi hốc to chừng ngón tay cái và bỏ vừa vặn một nhúm đất bé bằng cái kẹo.

Trên mỗi hốc đất đó, ông Nghệ tra đúng một hạt thóc, và tỉ mẩn chăm sóc để chúng nứt mầm, vươn lên thành cả một khay mạ đều tăm tắp, thẳng hàng. Khi đủ tuổi mạ, đám ruộng nào cần cấy dặm, ông chỉ cần nhấc cục đất bây giờ đã đầy rễ, rất chắc chắn, và đứng trên bờ… ném xuống dưới ruộng, không cần lội ruộng, hoặc có thể dùng cây sào ngoắc cây mạ đó, thả vào chỗ cần thiết.

Nói rồi ông Nghệ “trình diễn” cho tôi xem cách “dặm mạ đứng trên bờ” của mình: ông nhấc 3, 4 cây mạ khỏi khay nhựa rồi ném xa ra góc vườn. Phần nặng của bầu đất tiếp đất trước, và cây mạ đứng thẳng đứng, an toàn tại vị trí mới.

Cuộc sống đời thường hạnh phúc của lão nông Bùi Thiện Nghệ. 

Cuộc sống đời thường hạnh phúc của lão nông Bùi Thiện Nghệ. 

“Bầu cây mạ nhìn tưởng cứng, chứ gặp nước là nó bở tơi, vì toàn là đất xốp do mình làm kỹ. Cây mạ dặm chỉ qua một đêm là đã ổn định rễ ở chỗ mới rồi. Cách dặm lúa này rất độc, mà hiệu quả lắm”, ông Nghệ hề hề cười giải thích về “phát minh” của mình.

Tôi hỏi lão nông dân Hậu Giang có cái tên choang choảng “Thiện Nghệ”, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vừa được phê duyệt, vùng ĐBSCL trong đó có Hậu Giang quê ông sẽ là nơi thực hiện, và những người nông dân như ông là những người trực tiếp tham gia, làm nên đề án ấy, ông đón nhận nó như thế nào?

Không cần suy nghĩ, ông Nghệ bảo: “Tôi có coi báo đài, và biết chục ngày qua rồi. Đây là một dự án tốt, nông dân tụi tui rất mong chờ, nhưng đúng là nhiều nội dung trong đề án, mình đã thực hiện nhiều năm qua rồi, như trồng lúa an toàn, trồng lúa hữu cơ, bảo vệ môi trường, không xài hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Té ra là mình còn đi trước cả dự án.

Nói vậy thôi, tụi tui thấy tầm vóc của cây lúa, vai trò của người nông dân mình thật quan trọng, được tham gia những vấn đề to tát, bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh mình đang sống. Nhưng, điều chúng tôi mong muốn nhất, mà cũng bức xúc nhất, đó là làm sao ổn định diện tích canh tác, không được thu hồi đất lúa để làm các dự án khác, hay chuyển đổi, đào ao, trồng cây ăn quả giữa cánh đồng. Như thế, làm sao giữ được vùng chuyên canh trồng lúa ổn định. Muốn làm được Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, thì trước tiên phải giữ được 1 triệu ha diện tích đất trồng lúa”, lão nông Bùi Thiện Nghệ tâm sự.

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cảnh báo mưa lớn tại khu vực Trung Bộ, kéo dài nhiều ngày

Từ ngày 3/11, khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn, lượng mưa phổ biến 40-100mm cục bộ có nơi trên 200mm.

Bình luận mới nhất