| Hotline: 0983.970.780

Những người 'sống tận cùng' với đồng ruộng: [Bài 1] Khí chất một nông dân xứ Ngàn

Thứ Hai 11/12/2023 , 21:07 (GMT+7)

'Làm nghề nông cực lắm, nhưng tôi chưa bao giờ bỏ ruộng đồng. Mình gắn bó với nó riết rồi, bỏ không có được', lão nông Bùi Thiện Nghệ nói về tình yêu cây lúa.

Lão nông Bùi Thiện Nghệ, ấp 4, xã Vị Thanh, TP. Vị Thanh (Hậu Giang) chia sẻ về nghề làm lúa. Ảnh: K.Trung.

Lão nông Bùi Thiện Nghệ, ấp 4, xã Vị Thanh, TP. Vị Thanh (Hậu Giang) chia sẻ về nghề làm lúa. Ảnh: K.Trung.

Đi qua những ngày cơ cực

Ở Hậu Giang, những cánh đồng thẳng cánh cò bay mùa này đang bắt đầu lên xanh, qua khỏi Cần Thơ chạm đất xứ Ngàn, những cánh đồng mỡ màng xanh hai bên quốc lộ 61C cứ ngỡ như đang đi xuyên qua một tấm thảm xanh bất tận.

Mấy bữa nay, người dân Hậu Giang đang râm ran về những tin vui: Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải được Chính phủ phê duyệt; Hiệp hội ngành hàng lúa gạo được thành lập; Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo đang diễn ra trên mảnh đất quê hương, bà con nô nức rủ nhau ra kênh xáng Xà No chụp hình, ngắm những hình ảnh trưng bày về cây lúa  thứ vốn rất gần gũi, gắn bó với chính cuộc sống của mình… Đó là câu chuyện có thật, thật như chính câu chuyện mà chị Út Tạo, vợ anh Nguyễn Văn Em - người có khoảnh ruộng lớn sắp trình diễn gieo sạ lúa bằng máy, nói với tôi ngay tại đầu bờ: “Chị nghe tin rồi, qua báo, đài, vui lắm…”.

Không riêng chị Út Tạo, nhiều nông dân ở xứ Ngàn cũng đều đang đón nhận nó với nhiều niềm vui và hy vọng. Như lão nông Bùi Thiện Nghệ…

Ông Nghệ bên phát kiến gieo lúa lẻ để dặm ruộng. Ảnh: K.Trung. 

Ông Nghệ bên phát kiến gieo lúa lẻ để dặm ruộng. Ảnh: K.Trung. 

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Nghệ nằm nép mình dưới những rặng dừa chừng chục năm tuổi, trông ra con kênh đào đang mùa nước nổi, đỏ nặng phù sa. Bên ngoài mép kênh, cũng vẫn hàng dừa hiền hòa soi bóng, nếu không có một chiếc ghe xé nước lao đi khiến sóng nước bị xô dạt sang hai bên tạo thành những tiếng ì oạp, thì tưởng như, nơi vợ chồng ông Nghệ ở, nó cách xa rất nhiều những ồn ào.

“Tui sinh năm 1960, nhưng cha tui khai gian 3 tuổi là 1963 để trốn tổng động viên xung lính thời Cộng hòa”, ông Nghệ thật thà mở đầu câu chuyện. “Từ nhỏ sinh ra, bản chất đã là người nông dân, nông dân chánh tông, lớn lên, học xong phổ thông rồi tham gia cách mạng, trở lại vẫn tiếp tục gắn bó với cây lúa, đến nay tôi đã 50 năm gắn bó với cây lúa. Làm cái nghề nông cực lắm, thuở sơ khai, người nông dân chỉ có cái gan lớn, chỉ biết làm chứ không biết giá cả ra sao”.

Trong câu chuyện của ông, tôi hiểu người nông dân đã đi qua rất nhiều giai đoạn khó khăn, đồng hành cùng cây cây lúa trên mảnh đất xứ Ngàn, từ lúc lao động bằng chân tay, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, con nước, đến khi cơ giới hóa, hiện đại hóa như ngày nay…

“Khi xưa còn nhỏ, theo cha đi làm lúa, giác lúa, lúc ấy cha cắt còn mình gom ra mớ đem vô đập bồ. Mẹ tôi tiếp tục xúc lúa trong bồ ra rê, rồi lại mang thóc ra ngoài đồng phơi trên bạt đến khô mới mang về nhà trữ. Có khi chục công ruộng, cả gia đình một tuần lễ mới về tới nhà chứ không như bây giờ. Giờ, tôi dám cá 8h sáng hô “bữa nay cắt lúa” mình vẫn đang ngồi quán café, nhưng đảm bảo 10h sáng là đã mang tiền về nhà rồi đó, rất là đơn giản. So sánh như thế để thấy được làm lúa giữa các thời kỳ khác nhau nhiều lắm. Ngày xưa cực lắm”, ông Nghệ ôn chuyện.

Cây lúa - đời người

Bằng những trải nghiệm thực tế, ông Nghệ tự phân chia thành 4 thời kỳ mà ông đã trải qua: thời kỳ chưa thống nhất đất nước, người dân ĐBSCL làm lúa một vụ, phụ thuộc hoàn toàn vào con nước tự nhiên. Máy cày xới đất để đó, đợi trời sa mưa mới đem lúa ra rải, gọi là sạ khô. Ai kỹ tính, sợ chuột, khi sạ xong mới cẩn thận bừa lại lần hai để đậy che hạt giống. Còn nếu cấy, khoảng cỡ tháng 4, tháng 5, khi đó mới bắt đầu có mưa, hai cha con làm một nửa công đất khoảng 500m2 gieo mạ thật dày; khoảng 40 - 50 ngày sau mới nhổ lên để cấy. Có nhà để cây mạ thật già, 2 tháng mới đem cấy. Cấy 9 cây hoặc 12 cây, tùy theo đất mình xấu hay tốt. Cấy xong rồi bỏ đó, không ngó ngàng gì đến, đợi lúa chín thì gặt về, năng suất không được là bao”.

Cánh đồng Hậu Giang mùa nước nổi. Ảnh: K.Trung.

Cánh đồng Hậu Giang mùa nước nổi. Ảnh: K.Trung.

Thời kỳ thứ hai, bắt đầu có loại lúa ngắn ngày mà tôi nhớ là IR-36, Thần Nông 5, Thần Nông 8 khoảng năm 1976-77, trong đó IR-36 là giống cao sản nhất, nó có thể trồng trên bờ, trên liếp luôn được. Lúc đó mình bắt đầu làm hai vụ, cấy lúa ngắn ngày trước sau đó đến vụ hai. Đến thời kỳ thứ 3 từ khoảng những năm đầu 90 trở lại bà con bắt đầu làm 3 vụ.

Lúa ngắn ngày lúc đó ở vùng mình phổ biến là giống 504, giống IR 65610, có những giống 85 ngày đã cho thu hoạch nên nông dân rất chuộng. 65610 khi xưa gọi là lúa thơm, lúa đặc sản, còn lúa 504 chúng tôi gọi là lúa “xóa đói giảm nghèo” vì năng suất cao nhưng gạo ăn không ngon. Đến thời kỳ thứ 4 mới đây, bắt đầu mình sử dụng cơ giới hóa, máy cày bừa, tiếp đó là máy bay, phun thuốc, phun phân, sạ…, tất cả dùng máy bay hết.

“Dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trước tiên là hại chính những người sản xuất, tiếp đó mới đến người sử dụng cho nên tôi không ủng hộ xài thuốc này. Nhà nước đang dần dần tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sản xuất an toàn, sau đó là sản xuất sạch. Bây giờ mình đâu cần ăn no, mà đó là ăn ngon, ăn ngon thì phải đảm bảo vệ sinh, nó vậy đó. Tôi không làm lúa giỏi như mấy ai, người ta được 1 tấn/ha thì tôi được 8 - 9 tạ. Tôi vẫn nói đùa với họ, các anh chục giạ lúa phải vác chục lần, tôi 8 - 9 giạ, chỉ phải vác 8 - 9 lần, nhưng tính tiền đầu tư thì ai mới là người bỏ ra nhiều hơn”, ông Nghệ cười đầy sảng khoái.

Cánh đồng đẹp như tranh ở Hậu Giang trước khi gieo sạ. Ảnh: K.Trung.

Cánh đồng đẹp như tranh ở Hậu Giang trước khi gieo sạ. Ảnh: K.Trung.

Năm 2016, ông Bùi Thiện Nghệ cùng một vài nông dân xã Vị Thanh mạnh dạn đề xuất với Trung tâm Khuyến nông của tỉnh để thành lập Hợp tác xã nông nghiệp có tên HTX Tân Tiến với mục đích liên kết nhau cùng sản xuất lúa gạo. Mục đích to lớn nhất mà ông Nghệ nghĩ tới khi đó, là bảo nhau làm lúa an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại. Tiếp đó là bảo vệ nhau trước những tay “cò lúa” - đứng ra làm trung gian thu mua lúa của nông dân, nhưng thực chất là dìm giá, ép giá bà con, khiến người nông dân thành quả thu được không được là bao.

“Tụi tui là những thành viên sáng lập và hiện đang hoạt động rất tốt. Tôi làm hội đồng quản trị từ nhiệm kỳ đầu tiên, đến nhiệm kỳ 2 thì tôi xin rút ra vì giờ có tuổi rồi, đi hết nổi rồi. HTX hiện có 36 thành viên với tổng diện tích canh tác hơn 30ha, vốn điều lệ đâu đó 2 tỷ đồng.

Ngày trước, mình làm lúa kỹ thuật không có, chỉ loay hoay làm những giống lúa địa phương, không biết đến các giống lúa khác. Phương pháp canh tác lúa mình cũng lạc hậu. Bây giờ thông tin báo, đài quá nhiều, việc nắm bắt khoa học kỹ thuật lẹ lắm”.

Cánh đồng lúa ở Hậu Giang. Ảnh: K.Trung.

Cánh đồng lúa ở Hậu Giang. Ảnh: K.Trung.

Ông Nghệ đang thí điểm làm lúa hữu cơ với diện tích 6.500m2 trong tổng số 11 công đất mà ông đang canh tác, tiến thêm một bước từ sản xuất lúa an toàn sang lúa sạch, không sử dụng phân hóa học. Kế hoạch của ông Nghệ, đó là dùng chất vi sinh xử lý rơm rạ thành phân bón bón đất trước khi sạ; sâu bọ có thể dùng những biện phát thủ công hoặc những thuốc vi sinh được cho phép…

“Không phải nói mình tài, nhưng làm ruộng mấy chục năm nay hỏi tôi thuốc sâu loại gì, tôi quê lắm, hổng biết loại gì hết. Chỉ trừ khi những đợt rầy lớn, người ta mang thuốc xuống dập dịch cho nông dân, lúc đó mình mới phải xài vì cái chung, vì cả cánh đồng đại trà”, ông Nghệ chia sẻ.

Ở Hậu Giang, lúa gạo đang trở thành một ngành nghề. Sản xuất nông nghiệp đang thực sự là sản xuất hàng hóa, và những người nông dân dám nghĩ, dám làm, thẳng thắn, trung thực như lão nông Bùi Thiện Nghệ nghĩ được những điều sâu xa mà chính tôi cũng phải bất ngờ. Như cách thức thành lập hợp tác xã của ông, một mục đích khác, đó là đối phó lại những doanh nghiệp sẵn sàng đặt tiền cọc mua lúa từ lúc cây lúa vừa mới gieo sạ, để sau đó tính toán ép nông dân dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật độc hại…

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…