Một bộ váy 5 - 6 triệu
Không mừng sao được khi các công ty may đang loay hoay tìm vùng nguyên liệu xanh và bền vững để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đi các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật, trong khi đó Công ty CP Nghiên cứu sản xuất và Phát triển sợi (Ecosoi) mới thành lập đã tiên phong khai thác sợi từ lá dứa, biến rác phế phẩm nông nghiệp thành tài nguyên.
Vũ Thị Liễu kể: “Công bằng mà nói, sợi dứa nổi trội hơn bông, tuy nhiên có những điểm chưa bằng gai hay tơ tằm nhưng nó lại thân thiện với môi trường, dễ thuyết phục với khách hàng khó tính. Ở châu Âu, sợi dứa đã được dùng nhiều năm để làm giả đồ da, giá bán rất cao. Còn ở Việt Nam, Ecosoi là đơn vị sản xuất sợi dứa đầu tiên vào năm 2021, tại HTX Nông sản Hạnh Phúc (Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Tiềm năng là rất lớn bởi ở những vùng trồng dứa kiểu công nghiệp vẫn có thể kéo sợi chứ không chỉ là vùng trồng dứa hữu cơ, hễ lá dứa dài trên 60cm là đủ điều kiện trong khi chiều dài tối đa của nó cỡ 1,2m. Chất lượng sợi dứa ở Thanh Hóa, Nghệ An tốt hơn ở các tỉnh trong Nam, có thể do thời tiết cũng như cách canh tác nên cho lá dày, dài, đẹp hơn. Trung bình khoảng 55kg lá dứa ra được 1kg sợi, tùy theo chất lượng mà được mua với giá 150.000 - 160.000 đồng/kg, gấp hơn 2 lần so với sợi bông.
Từ sợi dứa người ta làm ra vải, túi xách hay may thành quần áo. Bộ váy trình diễn tại triển lãm sản phẩm thời trang bền vững của Thụy Sĩ giá 5-6 triệu đồng. Mới đây chúng tôi còn gửi khăn cho cuộc thi Hoa hậu vì hòa bình của Việt Nam và được Ban tổ chức lựa chọn bởi ngoài giá trị sử dụng, giá trị môi trường còn có giá trị nhân văn nhờ việc se sợi do các trẻ em khuyết tật, việc dệt từ các làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một.
Sản lượng của chúng tôi hiện 2-3 tấn sợi/tháng, toàn bộ xuất khẩu đi Anh, Philippines, Nhật, phấn đấu năm 2023 sẽ đạt 7 - 8 tấn/tháng. Vùng trồng dứa khắp Bắc - Trung - Nam nên nguyên liệu rất sẵn, ngoài xuất khẩu, sợi dứa còn có thể đáp ứng một phần cho nhu cầu của dệt may Việt Nam. Lá dứa khó phân hủy do chứa nhiều xenlulozơ nên bà con thường phay rồi đốt, thậm chí phun thuốc cỏ cháy cho khô nhanh để đốt nhưng khi đưa vào chế biến thì đó chính là sản phẩm sợi mà thị trường thế giới đang cần. Mô hình của chúng tôi công ty là trung tâm, liên kết với các vệ tinh là tổ, nhóm, HTX trồng dứa, chuyển giao công nghệ cho bà con rồi thu mua lại sợi. Các máy tách sợi, chải sợi, đánh bông, loại đơn giản nhất giá 40 triệu/máy là đã có thể làm được rồi”.
Quay trở lại với chàng trai làm ra những quả dứa Hạnh Phúc, tình cờ Hạnh biết đến tôi qua người quen và gửi tặng một thùng dứa. Tôi gọt ăn thì thấy nó như chứa cả nắng vàng, hương thơm và mật ngọt của đất trời xứ Nghệ. Nó ngon bởi vì tình cảm của một người hoàn toàn xa lạ tặng. Nó càng ngon hơn bởi vì được trồng theo hướng an toàn chứ làm báo bao nhiêu năm, tiếp xúc với nhiều vùng rau sạch, gà sạch, cá sạch, quả sạch nhưng tôi hiếm khi thấy vùng nào trồng dứa sạch mà toàn phun kích mắt, kích thích, trừ cỏ...
Vì tò mò về những quả dứa ngon kia mà tôi đã tìm gặp Hạnh tại Phiên chợ xanh tử tế đầu tiên ở Hà Nội. Thật bất ngờ, chàng trai ấy trước đây lại là thuyền trưởng tàu biển. Mỗi tháng được nghỉ mấy ngày, không như nhiều đồng nghiệp hễ tàu cập bến lại đi karaoke, nhậu nhẹt, anh thường tìm đến các trang trại để học hỏi về nông nghiệp sạch.
Bố mất lúc Hạnh 3 tuổi, năm 2015 khi thấy mẹ đã già yếu, anh quyết định về làm nông để chăm sóc. Nhưng anh không làm nông kiểu thông thường mà theo hướng an toàn bởi khi tham gia các hoạt động từ thiện, vào Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, thấy bệnh nhân nằm la liệt khắp nơi, chợt nghĩ đến nguyên nhân chính là thực phẩm bẩn. Lúc đầu anh chọn những cây trồng bản địa như lạc, đậu để trồng và sản xuất theo mùa chứ không làm trái vụ bởi giống như sinh con, ép đẻ non sẽ chỉ ra được những đứa trẻ ốm yếu.
Những quả dứa Hạnh Phúc
Đang làm nông ở xã Diễn Hoàng (Diễn Châu, Nghệ An) một dịp lên thăm chị họ ở xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) cách đấy 28km, Hạnh đã quyết định lập nghiệp tại vùng đất vốn là nông trường Bến Nghè, đồi cao, nắng cháy. Nông dân ở đây trồng dứa kiểu thông thường, nghĩa là vẫn có những hộ dùng thuốc diệt cỏ, thuốc kích mắt, kích thích tăng trưởng, gây độc cho chính bản thân mình và có khi còn chẳng dám cho con cháu ăn sản phẩm làm ra. Hàng bán cho thương lái, nhiều lúc phải đổ đi vì không thể tiêu thụ được khiến cho Hạnh không khỏi xót xa.
Người dân có thể trồng dứa theo kiểu an toàn được nhưng lại khó bán vì yêu cầu của thương lái là mã đẹp, mắt đều, quả to, vỏ bóng, hái phải xanh, chặt phải hàng loạt và giá phải rẻ. Năm 2015 anh mua 2,7ha đồi rồi vãi đậu xuống cải tạo đất bằng cách phay cả thân lẫn quả, phun vi sinh để trị nấm xong mới bắt đầu trồng dứa, bón bằng phân chuồng, dịch cá ủ. Dứa trồng kiểu công nghiệp 12 - 14 tháng đã cho thu nhưng dứa trồng kiểu hữu cơ phải 18 tháng, đã thế, người ta thu hoạch 30 - 35 tấn/ha, vụ đầu Hạnh chỉ thu chưa được ½. Anh mang dứa về thắp hương cho tổ tiên, gọt ra mời mẹ cùng thưởng thức. Cảm giác xưa chợt vọng về, hồi mỗi nhà trồng vài cây dứa trong vườn để ăn chơi, quả tuy nhỏ nhưng mùi thơm đặc biệt, ngọt, thanh tự nhiên.
Làm ra quả dứa ngon nhưng ban đầu đem bán rất cực khổ, có buổi 9 - 10 giờ đêm anh còn chở xuống ngã tư 36 Hoàng Mai, cách trang trại hơn 10km để gửi đi nhưng lại bị từ chối vì xe hàng đã đầy, đành phải chở về lúc 1 - 2 giờ sáng. Buồn nhất là khi khách đặt mua nhiều lại hết sản phẩm, mà khi có nhiều sản phẩm thì khách lại chưa cần bởi lúc đó cũng là vụ dứa rộ, giá rẻ hơn hẳn, trong khi dứa của Hạnh chỉ bán theo một giá ổn định.
Nhiều lúc thấy con vất quá, mẹ anh khóc lên khóc xuống bởi đi làm thuyền trưởng Hạnh được cơm bưng, nước rót, lương cao trong khi về làm nông dân chạy sấp, chạy ngửa mà còn phải bù lỗ; lo tiền thuê công nhân, khi đến mùa kêu người không được phải lăn ra mà làm; bán không nổi phải lăn ra mà chế biến, mà muốn chế biến phải lo các giấy tờ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sấy xong không bán được luôn mà phải đợi hết vụ dứa tươi, đến tận mùa lạnh.
Hạnh an ủi mẹ rằng: “Mẹ nuôi 5 anh chị em, con dù ngày làm cực đến như thế nào nhưng tối được về với mẹ đã là hạnh phúc rồi (sáng đi chiều về trên quãng đường 28km). Chứ sau này con kiếm bạc tỉ mà mẹ mất đi, có mua mẹ được nữa đâu?”. Thương con, mẹ rời nhà lên nương cùng anh. Năm 2019 bà qua đời. Hơn 7 tháng từ lúc phát hiện ra bệnh, anh chăm sóc mẹ từ miếng cơm đến bồng bế, tắm rửa chẳng chút ngại ngần.
Làm nông nghiệp không thể chộp giật, giàu nhanh nhưng đổi lại có được nhiều anh em cùng chung chí hướng, tạo hệ sinh thái từ Bắc vào Nam với nhiều sản phẩm sạch, tụ họp với nhau qua các hội chợ an lành, chợ xanh tử tế.
Khi làm cùng mọi người, Hạnh thường khuyên họ chuyển đổi dần sang an toàn, rồi sang hữu cơ chứ không chuyển đổi ngay vì sẽ bị choáng ngợp. Để lôi cuốn được nhiều người cùng làm theo mình, mọi chi phí từ kiểm tra đất, nước đến tập huấn kỹ thuật cách làm IMO, phân, thuốc trừ sâu sinh học, mua sắm dụng cụ, lập xưởng chế biến anh đều tự phải bỏ ra. Hiện HTX Nông sản Hạnh Phúc do anh làm Giám đốc có 10 xã viên với tổng diện tích 40ha.
Tại sao lại gọi là dứa Hạnh Phúc? Tôi hỏi. Hạnh trả lời: “Là bởi trong quá trình canh tác không có hóa chất độc hại, đảm bảo sức khỏe cho nông dân, làm ra sản phẩm sạch đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Mà có sức khỏe là có hạnh phúc. Sợ nhất là bà con dùng các loại thuốc cấm của Trung Quốc để kích mắt, kích thích cho dứa bởi yêu cầu của nhiều nhà máy là mắt phải đều để dập cho nhanh, buộc dân phải theo.
Để làm dứa sạch phải xây dựng thương hiệu, có tệp khách hàng riêng còn không sẽ phụ thuộc vào thương lái, tuy tốn nhiều công nhưng giá bán cao hơn giá dứa trồng công nghiệp (10.000 đồng/kg so với giá 3.000 - 5.000 đồng/kg). Năm nay có vài hộ sẽ tách ra làm riêng, em cũng cảm thấy vui mà không sợ cạnh tranh vì thành viên của mình đã tự đứng vững, xây dựng được thương hiệu, cung cấp đa dạng sản phẩm thì nhiều người trong xã hội sẽ được hưởng lợi.”
Trong quá trình mê mải với nghề nông, chính quả dứa đã se duyên cho Hạnh. Vợ anh là kĩ sư nông nghiệp đồng thời là thành viên trong Liên minh Nông nghiệp Tử tế, khi đang làm dự án vườn rừng ở Kiên Giang thì quen rồi vượt cả ngàn km để đến với nhau. Đầu năm nay, một em bé đáng yêu đã ra đời.