| Hotline: 0983.970.780

Người đặt nền móng cho hệ sinh thái từ sợi chuối Việt Nam

Thứ Sáu 14/01/2022 , 06:31 (GMT+7)

Tôi ngồi nói chuyện với anh trong căn phòng dưới chân là thảm sợi chuối, trên trần là vô số đèn lồng bằng tơ chuối, đến ngay cả bộ bàn ghế cũng bằng sợi chuối.

Thanh long, chuối, mít dội chợ nhưng tơ chuối thì không

Anh Bùi Khánh Dũng - Giám đốc Công ty Musa Pacta bảo với tôi rằng tuổi thọ của các vật dụng này có thể lên tới 20 - 30 năm. Những cái đèn như tôi thấy ở đây trên thị trường thế giới đang bán 200 - 300 USD tương đương 5 - 7 triệu đồng, thậm chí có cái 600 - 800 USD tương đương 14 - 20 triệu đồng.

Khi có dịp đi từ thiện làm đường, xây trường cho các vùng sâu, vùng xa anh đau đáu câu hỏi làm sao để người dân ở đó bớt khổ. Xét cho đến cùng cái nghèo là sự bất đối xứng về thu nhập trong khi đó lại bình đẳng về chi tiêu của người dân ở các vùng miền. Thường xuyên sinh hoạt với các nhóm trợ giúp cho trẻ em đường phố anh cũng trăn trở về cách làm sao để bớt tình trạng người dân quê phải ly hương ra thành phố.

Thời gian ở Nhật Bản từ năm 2015 - 2019, anh thấy sợi tơ chuối có khả năng là một lối thoát cho người nghèo ở Việt Nam bởi từ Lũng Cú tới mũi Cà Mau đâu đâu cũng trồng được chuối, quanh năm có chuối. Không như Nhật Bản chuối chỉ trồng được một ít ở Okinawa - nơi nóng nhất, thế mà có khi 3 - 4 năm cũng không ra nổi buồng vì quá lạnh nên mới phải lấy sợi, mà cũng chỉ lấy được trong 2 - 3 tháng hè, còn phải nhập khẩu thêm.

Anh Bùi Khánh Dũng bên những sợi tơ chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Bùi Khánh Dũng bên những sợi tơ chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuốt sợi từ thân cây chuối. Clip: NVCC.

Từ sợi chuối, người ta có thể làm đồ thủ công là dệt vải may áo bán rất đắt đến các hàng công nghiệp bí mật như làm giấy in tiền. “Thanh long, chuối, mít của ta đang dội chợ, áp lực của nông sản tươi đến kỳ không thu hái thì vứt còn sợi tơ chuối có thể để hàng năm được, lại tận dụng được nông nhàn. Hơn nữa thị trường quá rộng lớn khi thế giới đang có xu hướng giảm đồ nhựa thậm chí xóa bỏ đồ nhựa dùng một lần.

Lợi thế đầu tiên của sợi chuối đến ngay từ nguồn nguyên liệu, đó là thứ phụ phẩm vốn dĩ bị bỏ đi sau khi thu hoạch quả. Muốn có 1kg bông, hay đay, gai thì chúng ta cũng phải phá đất ra để trồng, phải chăm, phải chờ đợi, mất công, mất sức. Nhưng với sợi chuối không mất một m2 đất nào mà đã có sẵn hàng trăm ngàn ha, hàng trăm triệu tấn thân đang vứt đi hàng ngày, vừa gây ô nhiễm vừa dễ lây lan các bệnh cho cây chuối như Panama hay tuyến trùng. Thứ hai là tính ưu việt của sợi chuối vừa có tính kháng khuẩn, kháng mốc, vừa dai, bền, lại hút ẩm, thoáng mát gấp 6 - 10 lần so với bông.

Máy tuốt sợi tơ chuối. Ảnh: NVCC.

Máy tuốt sợi tơ chuối. Ảnh: NVCC.

Quy mô của ngành sợi chuối thế giới trị giá hàng chục tỷ USD, những hãng thời trang cao cấp như Dior, Yves Saint Laurent, Zara, Uniqlo, H&M... đều có các sản phẩm từ sợi chuối, vải sợi chuối. Mức độ tăng trưởng trong 10 năm gần đây của thị trường sợi tơ chuối ở mức từ 16 - 30%/năm”, anh thông tin.

Khi về nước, anh thử nghiệm xưởng sản xuất sợi chuối ở HTX Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) và đối diện với trở ngại chung là thiếu ngành công nghiệp phụ trợ. Bởi thế mà anh phải làm hầu hết các công đoạn, thậm chí phải cùng đầu tư Công ty Cơ khí chính xác GMF vì để tuốt được sợi tơ chuối nhỏ như sợi tóc đòi hỏi thiết bị phải có độ chính xác rất cao nếu không sẽ dễ bị đứt hay bị lẫn với các bẹ thịt.

Quy trình nghe qua tưởng chừng như đơn giản, thân chuối được thu gom về, bổ ra, tách lấy bẹ và đưa vào máy ép sợi. Sợi chuối được phân loại và đưa lên giàn, phơi khô, sau đó bó lại và đưa vào máy quay sợi nhưng anh phải mất 6 tháng để cho ra mẻ sợi đầu tiên.

Những thị trường lớn như nhóm G7, Dubai, Ảrập… đều phải nhập sợi chuối để chế ra nhiều thứ từ dây cáp tàu biển đến vật liệu xe hơi, nội thất.

Một cái làn bằng sợi chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một cái làn bằng sợi chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giao ước dựa trên những sợi tơ chuối

Công ty Musa Pacta được thành lập vào tháng 6/2019 là tên ghép từ tiếng Latinh, musa là chuối, còn pacta là giao ước. Đó là giao ước với nhau để thoát khỏi đói nghèo, để cùng biến sợi chuối trở thành thứ có ích, để đất nước có thêm một mặt hàng ưu việt trên thị trường thế giới.

Tiên phong trong lĩnh vực mới, khó khăn rất nhiều, thất bại cũng không ít, nhất là khi thành lập đã gặp luôn 2 năm đại dịch nhưng là người luôn hướng về phía trước nên anh cũng chỉ coi đó như những động lực để vươn lên. Hiện sản phẩm của anh đã có mặt ở nhiều nước.

Giống chuối khổng lồ. Ảnh: Tư liệu.

Giống chuối khổng lồ. Ảnh: Tư liệu.

Anh tâm sự: “Khởi đầu của sợi chuối cũng rất gian nan giống như lúc tôi họp bàn để làm con đường hơn 20km vào bản Làng Lao của đồng bào Mông (xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) có già bản đã bảo trước hơn 300 dân rằng: “Nếu thầy làm được đường thì cứ chặt đầu tôi đi”. Khi tôi làm xong mới bảo ông rằng: “Thế bây giờ thầy cho ông mượn cái đầu trên cổ nhé!”.

Cũng đúng thôi bởi làm đường là điều không tưởng vì 4 - 5 đời nay họ phải đi bộ xuống núi mất trọn 1 ngày ròng, có chỗ phải bò ngang như cua vì một bên là vách núi, một bên là vực sâu, còn tôi đi vào đó mất 1,5 ngày, ngủ lại giữa rừng. Cây chuối rừng trở thành thức ăn nhỡ đường của dân nghèo tại bản, hoa chuối bọc lá chuối nướng lên rồi gỡ ra chấm muối ăn.

Đèn làm bằng tơ chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đèn làm bằng tơ chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chúng tôi vận động dân tự làm đường còn mình chỉ bỏ tiền ra mua dụng cụ lao động từ cái nồi, cái muôi cho đến xà beng, cuốc, xẻng, muối, gạo nhưng có thời điểm 1 tuần ăn hết 1 tấn gạo vì cả mấy bản ở gần đó gần 700 người cùng dồn sức. Làm mấy năm mới xong con đường, giờ đi từ bản ra quốc lộ chỉ 2, 3 tiếng chạy xe máy...

Khi tôi đang chèo lái con thuyền, bạn có thể cùng lên hoặc không thì đứng trên bờ vỗ tay ủng hộ chứ đừng ném đá bởi sẽ có rất nhiều người vô cớ ném theo. Bao giờ cũng thế, như nhà thơ Lưu Quang Vũ có câu rằng: “Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ. Chỉ có dựng xây đời là khó khăn thôi”.

Musa Pacta định hình ra hệ sinh thái về sợi tơ chuối tại Việt Nam gồm 5 thành phần vừa đan xen, vừa bổ sung, hỗ trợ cho nhau gồm: 1. Hệ thống các xưởng tuốt sợi có thể phát triển tới các thôn bản trên khắp cả nước để giống như cái máy xát gạo chung, ai đi nương hay trong vườn có vài ba thân chuối tuốt xong để lại sợi ở đó, gom dần rồi bán; 2. Hệ thống các xưởng, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại chỗ; 3. Viện nghiên cứu giống công nghệ cao và chuyển đổi số sẽ trở thành vườn ươm, là chỗ dựa về khoa học, về cây giống cho nông dân, đặc biệt là nông dân trồng chuối;

Anh Bùi Khánh Dũng bên những sản phẩm làm từ sợi chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Bùi Khánh Dũng bên những sản phẩm làm từ sợi chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

4. Hệ thống các khu bảo tồn sinh thái chuối trong đó có hơn 60 giống chuối bản địa, hơn 200 giống chuối nước ngoài. Đây là một sản phẩm mới của ngành du lịch vì có thể phát triển từ du lịch khám phá, du lịch hội nghị, du lịch trải nghiệm, du lịch giáo dục bởi có những giống chuối vô cùng đặc sắc như chuối đỏ, chuối đen, chuối siêu lùn chỉ 80cm đã có thể ra buồng, chuối siêu cao tới 20m, chuối hàng trăm nải, chuối quả nặng tới 1,5kg; 5. Hệ thống nhà máy sản xuất từ vải bông, sợi chuối cho đến may mặc, các nhà máy chế biến bã chuối làm thức ăn gia súc, giá thể trồng cây hay ép làm nguyên vật liệu xây dựng.

Công ty hiện có gần 10 điểm tuốt sợi chuối tại miền Bắc, dự kiến năm 2022 con số sẽ lên tới hàng trăm, chưa kể đến những điểm làm hoàn thiện thành các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ như bện tết, may đan hay làm giấy. Quy mô đầu tư có thể từ mức 100 triệu với công suất chế biến vài tấn thân chuối/ngày, cho đến vài tỷ đồng với công suất chế biến 60 - 70 tấn thân chuối /ngày, mức độ khép kín cao”. 

Phơi sợ tơ chuối. Ảnh: NVCC.

Phơi sợ tơ chuối. Ảnh: NVCC.

Bản thân anh Dũng đã khảo sát gần 10 giống chuối lấy quả phổ biến ở Việt Nam, tất cả đều có khả năng lấy sợi tốt, sản lượng khác nhau ở từng vùng miền nhưng không chênh lệch quá lớn. Thân cây chuối được khai thác khi đã già, lấy xong quả, bên trong bị sơ hóa, chiều dài mỗi sợi tơ từ 1 - 1,5m còn với thân cây non không thể dùng được. 1 tấn thân chuối trung bình thu được 10 - 15kg sợi chuối phơi khô, hiện đang thu mua từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng.

Hàng chục tỷ đồng cộng rất nhiều công sức, trí tuệ đã được anh Dũng và các cộng sự đầu tư cho sợi tơ chuối bé nhỏ. Cũng chính anh là chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế thiết bị xử lý thân cây chuối thành sợi, bã, nước hay nói cách khác là không hề có rác thải mà tất cả đều thành hàng hóa, là nguyên liệu đầu vào cho nhiều lĩnh vực khác như giá thể trồng cây, dịch vi sinh tưới cây. Chúng góp phần hữu cơ hóa nền nông nghiệp với một giá thành hợp lý hơn bởi 1 lít dịch chuối có thể pha với 100 lít nước để tưới bổ sung các loại trung, vi lượng mà giá bán chỉ cỡ 30.000 đồng.

Trong thời gian tới khi nhà máy bông, sợi của công ty Musa Pacta khánh thành, có thể hi vọng sẽ có một dòng sản phẩm vải chất lượng cao dành cho tiêu dùng và xuất khẩu. Một ngành nghề mới, một hệ sinh thái mới dựa trên những sợi tơ chuối dần dần sẽ được thành hình.

“Khi mình đã châm lên một ngọn lửa thì mong nó sẽ bùng lên thành rộng khắp. Còn những người thấy hay mà không làm là vì họ chùn bước trước những khó khăn ban đầu”, anh Bùi Khánh Dũng - Giám đốc Công ty Musa Pacta.

Xem thêm
Thủ tướng: Muốn đột phá phải đột phá từ thể chế

Chiều 12/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có báo cáo giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn.

Cây bưởi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thượng Mỗ

Cách đây 30 năm một số nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội đã tiên phong trong việc mang giống bưởi Diễn về trồng thử ở quê mình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vùng hoang vu Quảng Trị: [Bài 2] Bóng tối vây quanh bản làng

Tục đi sim, ảnh hưởng của mạng xã hội, bố mẹ quản lý lỏng lẻo, nhiều bé gái mang bầu bỏ cuộc chơi. Thực tế đau lòng này không hiếm ở các bản làng.