Máy vun phân và gieo hạt của anh nông dân lớp 5
Dù chỉ học hết lớp 5, nhưng với mong muốn tăng năng suất và giải phóng sức lao động cho nông dân trên khắp các cánh đồng Tây Ninh, anh Trần Văn Liễng ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) không thể nhớ hết đã cho ra đời bao chiếc máy phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Trong đó, anh tâm đắc nhất là máy vun phân và gieo hạt giống đa năng.
Theo anh Liễng, gia đình anh cũng như hàng trăm hộ dân khác ở vùng nông thôn Truông Mít bao đời nay kiếm sống nhờ vào cây bắp (ngô), hạt đậu. Những năm gần đây, nhiều khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh hình thành, hầu hết thanh niên ở địa phương rời bỏ ruộng đồng, vào xí nghiệp làm công nhân. Vì vậy, mỗi khi đến kỳ làm đất, xuống giống hay thu hoạch, nhà nông tìm công lao động rất khó, tiền thuê lao động cũng tăng cao khiến nông dân làm mãi vẫn không có dư.
Để giải bài toán này, hiện nay ở một số vùng trồng bắp, nông dân cũng có sáng tạo ra một số máy để thay thế sức người nhưng còn nhiều hạn chế như phải dựa vào sức kéo của máy cày 2.500 mã lực, bánh của máy cày lớn làm hư hại cho cây và chỉ thực hiện được khi cây còn nhỏ, đến giai đoạn cây phát triển khoảng 1m trở lên thì không vào được vì nếu vun phân sẽ làm hư đọt cây, vừa tốn chi phí vừa ảnh hưởng đến năng suất. Thực tế đó đã thôi thúc anh tìm cách chế tạo máy móc phù hợp để cải thiện năng suất, nâng cao hiệu quả canh tác.
“Vốn là một nông dân nòi, suốt nhiều năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên tôi rất hiểu nỗi cơ cực của nông dân. Chính vì vậy tôi luôn khát khao làm sao để giảm bớt được chi phí và tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp”, anh Liễng nói.
Dựa trên nguyên lý hoạt động và tính năng tương tự máy cày 2.500 mã lực, anh Liễng sáng tạo lưỡi cày gắn vào các bộ phận của động cơ xe mô tô và được động cơ mô tô kéo đi. Khi vận hành, chỉ cần 1 người điều khiển máy cày chạy trên đồng ruộng kéo theo lưỡi cày vun đất lên bón phân cho cây bắp. Năm 2018, máy được đưa vào thử nghiệm, đến nay máy đã thực hiện việc thương mại và dịch vụ vun phân bắp cho bà con nông dân không chỉ riêng ở xã Truông Mít mà còn ở các xã khác khi bà con nông dân có nhu cầu.
Máy được thiết kế nhỏ gọn, bao gồm một khung sắt, phía bên dưới lắp 1 lưỡi cày hình mũi tên với chiều rộng 0,3m để khi di chuyển sẽ kéo đất úp lên gốc cây bắp giúp phân không bị thất thoát và giữ ẩm cho cây, phía trên bộ khung này kết nối với động cơ mô tô và bình chứa nhiên liệu, phía dưới là 1 bánh xe với bán kính 50cm có gắn bộ nhông chuyền kết nối với động cơ, trên bộ điều khiển máy có gắn bộ tăng, giảm tốc độ được hàn gắn với cần điều khiển bánh xe.
So với máy cày, máy này có ưu điểm chi phí đầu tư thấp, khoảng 12 triệu đồng/máy, ít tốn nhiên liệu, không ảnh hưởng cây trồng, hiệu suất làm việc cao, mỗi ngày có thể vun phân được hơn 2ha bắp. Đặc biệt, ngoài bắp, các loại hoa màu khác như đậu máy vẫn hoạt động được.
Nhận thấy lâu nay việc gieo giống bắp, đậu chủ yếu bằng thủ công vừa rất vất vả, năng suất làm việc không cao, hạt gieo hạt lại không được đều và thẳng hàng, anh Liễng đã sáng chế ra máy gieo hạt đa năng.
Máy có thể thực hiện cùng lúc các chức năng cơ bản như xới đất, rạch hàng, gieo hạt, lấp đất. Máy làm việc theo hàng với khả năng linh hoạt cao, bề rộng làm việc là 1,2m, có thể gieo từ 6 - 8 hàng và độ sâu xới đất là 6cm. Bộ phận gieo hạt của máy có bộ đĩa, có thể thay đổi để điều chỉnh khoảng cách giữa hạt với hạt, giữa bụi với bụi, phù hợp theo yêu cầu của từng loại cây khác nhau và tỷ lệ gieo sót dưới 5%.
Không chỉ gieo hạt trên nền đất lúa, máy còn mở rộng sang đất liếp. Việc chuẩn bị hạt giống để gieo cũng rất đơn giản, như với hạt bắp chỉ cần ngâm qua đêm, để ráo trước khi gieo. Máy có giá thành phù hợp, độ bền cao, đáp ứng tốt điều kiện đất đai ở Tây Ninh.
“Để gieo 1ha bắp hoặc đậu, nếu thuê người làm phải tốn 10 công và làm xuyên suốt cả ngày nhưng với máy này chỉ cần 1 người điều khiển làm trong 2h và lợi ra được hơn 2 triệu đồng. Một điều oái oăm là giàn máy này cũng như nhiều sản phẩm khác, cứ hễ ra đời và ứng dụng được một thời gian là lại có người "copy" công nghệ nhưng tôi không bận tâm, miễn sao các máy cơ khí phục được cho nhiều nông dân là mình thấy vui rồi”, anh Liễng tâm sự.
Mơ cánh đồng lớn
Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, so với các tỉnh thành khác, đất canh tác ở Tây Ninh bằng phẳng, liền khoảnh, không bị sông rạch chia cắt nên máy cơ giới dễ hoạt động. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lại đa dạng và phát triển mạnh ở nhóm cây công nghiệp cho tới cây ngắn ngày. Hiện địa phương có diện tích trồng bắp gần 4.000ha, trong đó huyện Dương Minh Châu có diện tích trồng bắp lớn tỉnh với gần 2.000ha. Trong đó, riêng xã Truông Mít có diện tích trồng bắp lớn của huyện Dương Minh Châu với khoảng hơn 700ha mỗi năm.
Tuy nhiên, khá nhiều nông dân trong tỉnh hiện vẫn canh tác trên những thửa ruộng nhỏ, không thể thúc đẩy cơ giới hóa để nâng cao năng suất được nên nông dân vẫn nghèo. Cũng vì diện tích nhỏ lẻ, nhu cầu của nông dân lại đa dạng theo từng thói quen canh tác khác nhau nên máy móc khó sản xuất đại trà. Cả doanh nghiệp tư nhân lẫn công ty lớn đều gặp khó khăn vì nhu cầu và diện tích không đồng bộ.
Anh Liễng tâm sự, cơ khí nông nghiệp là cần thiết để tái cơ cấu nông nghiệp, tiến tới nâng cao năng suất, giảm sức lao động thủ công. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhất thiết phải gắn liền với đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Nhà nước cần định hướng giải quyết tốt chính sách hạn điền, giúp các doanh nghiệp và nông dân tiếp cận cánh đồng lớn.
"Chỉ khi tạo ra được những cánh đồng lớn để áp dụng cơ giới hóa thì nông dân mới khá được", anh Liễng đề xuất. Theo Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu, xác định được tầm quan trọng của tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với sản xuất, Hội Nông dân huyện đã vận động, khuyến khích hội viên, nông dân tích cực sáng tạo và cải tiến, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Tại Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 12 vừa qua, Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu đã vận động hội viên, nông dân tham gia viết 17 đề tài và đã có 6 đề tài đoạt giải. Trong đó, nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt như: Sáng tạo máy cắt hàng và gieo hạt bắp, đậu các loại; máy nướng bánh đa; mô hình máy gắp mía thủy lực; kỹ thuật chăm sóc và xử lý ra hoa mãng cầu xiêm hoa vàng... Đây là những giải pháp thể hiện được tính mới, giàu sáng tạo, dễ áp dụng, giải quyết những yêu cầu trong thực tiễn lao động sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực...
“Việc áp dụng công tác khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế nông nghiệp đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Nhiều mô hinh kinh tế đã được nhân rộng, nâng cao hiệu quả kinh tế từ 50 triệu đồng/ha/năm lên hơn 150 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời, tạo động lực cho nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Qua đó giúp nhiều nông dân nghèo, khó khăn vượt khó thoát nghèo bền vững”, ông Trương Hữu Đức, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu cho biết.