| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 18/07/2024 , 07:22 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 07:22 - 18/07/2024

Thêm 'phao cứu sinh' cho người nghèo

Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo vừa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập, những hộ nghèo có thêm một chiếc 'phao cứu sinh'.

Ngày 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 656 về việc thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để tiếp nhận các khoản đóng góp, tài trợ, hỗ trợ bằng tiền của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Bộ máy quản lý Quỹ do Bộ Tài chính quản lý, có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính kể trên và không sử dụng từ nguồn thu của Quỹ để chi trả kinh phí hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ.

Kể từ đây, những hộ nghèo có thêm một chiếc “phao cứu sinh”, bên cạnh rất nhiều các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo… vẫn đang duy trì bởi cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội…, vì một mục tiêu “không để ai lại phía sau”.

Bộ máy quản lý Quỹ sử dụng con dấu, kinh phí và bộ máy, cán bộ, công chức của Bộ Tài chính, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm - một sự minh bạch, công khai, rõ ràng, với nhiệm vụ tiếp nhận các khoản đóng góp và quản lý, điều phối!

Đó là một tin mừng, và là sự khích lệ rất lớn đối với các trường hợp khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng!

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đang triển khai trên phạm vi cả nước với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình tối thiểu 75.000 tỷ đồng - một con số rất lớn!

Trên khắp cả nước, những câu chuyện tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, cùng nhau vượt khó, xóa nghèo vẫn đang được lan tỏa. Đó là năng lượng tích cực để có thêm niềm tin cho những hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ.

Khi thông tin này được công bố, tôi lại nhớ tới anh nông dân Sùng Mí Chứ (SN 1983, thôn Sán Séo Tỷ, xã Khau Vai (huyện Mèo Vạc, Hà Giang).

Nhiều năm qua, anh Chứ đã âm thầm giúp các hàng xóm nghèo khó của mình bằng cách cho mượn con bò mẹ, để họ chăm sóc, nuôi dưỡng. Chừng nào con bò mẹ đẻ được 2 con bê con, anh sẽ lấy về một con. Con bò mẹ lại tiếp tục luân chuyển cho các hộ nghèo khác có nhu cầu!

Sự giúp đỡ của Sùng Mí Chứ rất minh bạch, nếu không muốn nói đó là văn minh: hộ nghèo hàng xóm có tư liệu sản xuất từ con bê giống, nhưng họ phải bỏ công sức, thời gian để chăm sóc, nuôi dưỡng cho đàn bò mẹ và hai con bê con chứ không phải sự cho không, nhận không. Đó là thành quả mà họ xứng đáng được nhận. Họ cũng sẽ thấy trân trọng hơn con bê con mà họ được Chứ giúp đỡ!

Ở vùng cao, con trâu, con bò là tư liệu sản xuất. Nó là một gia tài. Nó còn quý hơn cả một gia tài. Người ta sẵn sàng nhường cho con vật nuôi ấy một chỗ ở khô ráo, và sẵn sàng ở trong những ngôi nhà dột nát.

Không bàn về giá trị vật chất. Ở đây là “cách cho” - một cách ứng xử rất văn hóa, tôn trọng những người cần sự giúp đỡ.

Trở lại câu chuyện. Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đang gợi mở một mô hình quản lý, có bàn tay của nhà nước, sẽ bài bản và chuyên nghiệp hơn. Và đương nhiên, đối tượng hướng tới sẽ rộng mở, bền vững hơn…

Nó sẽ là một địa chỉ để những tấm lòng hảo tâm tìm đến, và yên tâm ký gửi, đồng hành cùng những hoạt động thiện nguyện mà các tổ chức, cá nhân… trong xã hội vẫn đang đồng lòng hướng tới!