| Hotline: 0983.970.780

Khuất sau Thủy điện Bản Vẽ: Những nốt trầm của cuộc di dân lịch sử

Thứ Hai 13/02/2023 , 08:16 (GMT+7)

Huyện Tương Dương trải qua nhiều phen lao tâm khổ tứ, hàng ngàn hộ dân nơi đây chấp nhận hi sinh quyền lợi vì thủy điện Bản Vẽ hôm nay. Họ nhận lại được gì?

Empty

Trong số hàng chục dự án thủy điện đã đi vào hoạt động trên địa bàn Nghệ An, thủy điện Bản Vẽ vẫn là công trình điện năng lớn nhất, để lại nhiều điều tiếng nhất. Ảnh: Việt Khánh.

467 ngày đêm lầm lũi đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà

Ngót nghét đã 20 năm kể từ khi ý tưởng xây dựng đại dự án thủy điện Bản Vẽ được vẽ nên, đến nay đây vẫn là công trình điện năng quy mô “khủng” nhất trên đất Nghệ An. Ngần ấy thời gian luôn dấy lên những tranh cãi liên miên, đối lập với những ý kiến tích cực là muôn vàn những trăn trở, đắn đo.

Là người trực tiếp trải qua cuộc vận động di dân mang tích lịch sử, ông Vi Tân Hợi, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương hiểu nằm lòng những góc khuất khó giãi bày. Quy mô dự án quá lớn, gây xáo trộn nặng nề đến đời sống dân sinh, do đó xung đột, cãi vã xoay quanh công tác di dân tái định cư ngày ấy nảy sinh như cơm bữa, áp lực dồn nén khiến cấp chính quyền trải qua nhiều phen lao đao.

Empty

Để phục vụ đại dự án thủy điện Bản Vẽ, hàng ngàn hộ dân tại huyện miền núi Tương Dương phải di dời tái định cư. Ảnh: Việt Khánh.

Ngày 7/8/2004, công trình thủy điện Bản Vẽ chính thức khởi công xây dựng, huyện Tương Dương có trách nhiệm phải đảm bảo đúng tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB). Huyện đã thành lập HĐBT GPMB và Ban vận động di dân TĐC, tuy là 2 bộ phận độc lập nhưng thực tế phải thường xuyên hỗ trợ lẫn nhau.

Nhiệm vụ của Ban vận động di dân TĐC là vận động, thuyết phục hàng ngàn hộ dân thuộc các xã Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương, Luân Mai di dời theo kế hoạch đã định sẵn. Bởi quy mô dự án thủy điện Bản Vẽ quá “khủng” nên phải chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu vận động bà con đi xem và nhận đất ở, giai đoạn sau mới tiến hành tháo dỡ nhà cửa và tiến hành di dời ra khỏi địa bàn.

Lý thuyết mà nói thì nội dung trên không quá khó nhằn, nhất là khi công tác bồi thường đã tiến hành trước một bước, việc đăng ký di dời cũng được tính đến đầu tiên, ai đi đâu, ở đâu đều đã lên sẵn trong sổ sách. Tuy nhiên khi xắn tay vào làm lại không hề giản đơn, chung quy phải mất rất nhiều năm, đặc biệt là 467 ngày đêm “lao tâm khổ tứ”, nhẫn nại đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà mới thuyết phục được dân bản di dời khỏi quê cha đất tổ.

Nơi ông Vi Tân Hợi cùng các cộng sự đặt chân đến đầu tiên là bản Kim Liên, xã Kim Tiến, một bản nghèo nằm bên bờ dòng Nặm Pao: “Điểm này sẽ ngập trước tiên khi nhà máy thủy điện tích nước, đồng nghĩa Kim Liên cũng là bản đầu tiên của huyện Tương Dương di dời tái định cư về huyện Thanh Chương, qua đó mở đầu cho cuộc thiên di lớn nhất từ trước đến nay”, ông Hợi kể.

Xác định đầu có xuôi thì đuôi mới lọt, thế nên nhiệm vụ đặt ra cho toàn đoàn là vận động nhân dân đi đúng ngày, đúng giờ nhằm tạo khí thế và động lực cho 24 bản tiếp theo. Ngày cuối năm 2005, ông Hợi  theo thuyền ngược dòng Nặm Pao hướng về bản Kim Liên trong tiết trời lạnh buốt, gió đông thổi hun hút đến rợn người.

Cả bản Kim Liên có 67 hộ, ngay sau bữa cơm tối, đoàn làm việc đã phối hợp với Chi bộ để thống nhất nội dung họp dân và lên kế hoạch đi xem đất ở khu vực tái định cư. Cả Chi bộ có 7 đảng viên, ban đầu cuộc họp diễn ra khá suôn sẻ, nào ngờ khi Trưởng bản Lô Thanh Châu mới dứt lời đã có hàng loạt những ý kiến phản đối, không khí lúc bấy giờ căng thẳng tột độ.

Lúc này ông Lô Quang Phùng, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Kim Tiến, mặt đỏ phừng phừng, mỗi lời nói ra đều thể hiện rõ sự gay gắt: Hôm trước đăng ký vậy thôi, nhưng nếu nhà này đi, nhà kia đi, cả bản đều đi, bỏ lại mồ mả tổ tiên cho nước ngập à? người Thái ta đâu có tục di dời mồ mả đâu? Theo tôi, cứ ở lại không đi nữa.

Kế đó là hàng loạt ý kiến trái chiều khác, có người thuận theo chủ trương, người lại không ưng cái bụng:

- Xưa nay, ta không có tục di dời mồ mả, nhưng hễ có việc gì hệ trọng ta cũng có thể mời thày mo làm lễ mời các cụ lên núi cao mà ở, tục lệ ngày xưa ta vẫn thế mà? Tại sao bản ta không lên núi cao mà ở cùng tổ tiên?

- Bản trên, bản dưới cũng chẳng có ai muốn đi đâu? Các bản rồi cũng phải đi cả thôi, mai đây nước ngập mình biết chạy đi đâu? Theo tôi thì ta cứ nên theo ý của Đảng, nhà nước, trước tiên chúng ta đi xem đất ở thế nào đã, rồi tính sau.

- Ừ thế thì chúng ta cũng chờ các bản đi rồi ta đi cùng, sao cứ phải bản ta đi trước.

- Khi thủy điện tích nước thì bản ta sẽ ngập đầu tiên, mà ngập sâu trên 50 mét đấy, nên ta phải đi trước là đúng rồi.

- Chúng ta chỉ quen làm nương, làm rãy, không biết làm ruộng, không biết buôn bán, xuống ở gần người kinh thì làm sao sống nổi?

- Nghe đâu dưới đó không có sông, làm sao ta được đi chài, đi lưới, đi câu, lấy đâu cá ăn hàng ngày?

Cứ thế tranh luận nổ ra liên hồi, cuộc họp dân hôm đấy kéo dài đến gần 3 giờ sáng mới tạm lắng xuống phần nào!!!

Empty

Để thực hiện dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, chính quyền huyện Tương Dương đã trải qua nhiều phen lao tâm khổ tứ. Ảnh: Việt Khánh.

Điểm phức tạp nhất của xã Kim Tiến là các bản Mà, Noòng và Kim Hồng. Ở bản Mà có ông Lương Tuấn Đào, nguyên Bí thư Đảng ủy xã và con trai là Lương Công Cẩn, nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Tiến kịch liệt phản đối việc di dời. Ông Đào còn treo khẩu hiệu trước nhà “Một tấc không đi, một ly không dời, quyết sống chết trên quê hương bản Mà”. Đưa ra một lát cắt để thấy, quá trình vận động, tuyên truyền nhân dân di dời tái định cư của thủy điện Bản Vẽ khó nhọc đến nhường nào.

Hơn 16 năm rồi nhưng ông Vi Tân Hợi vẫn nhớ như in cuộc họp dân vào chiều ngày 9/7/2006: Tôi và anh Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện được giao nhiệm vụ đến Kim Tiến để họp dân, vận động và thuyết phục 2 bản di dời. Anh Nguyễn Xuân Hải và chị Lương Thị Thìn, Chủ tịch MTTQ huyện phụ trách bản Mà. Còn tôi và anh Trần Nhật Thắng, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy phụ trách bản Noòng.

Đến cuối chiều mọi thứ vẫn chưa ngã ngũ nên phải tổ chức họp Chi bộ vào buổi tối để vận đồng các đảng viên gương mẫu chấp hành trước. Khi Bí thư chi bộ Vi Văn Tiến phát biểu khai mạc xong, thì có người đứng dậy nói: Chi bộ làm sao mà quyết định được, cốt là dân có đi hay không, ta đi rồi mà dân không đi thì đảng viên ở với ai. Vả lại mình đi, vợ con có chịu đi không mới là vấn đề?

Để xoa dịu những cái đầu nóng, đích thân ông Vi Tân Hợi đã phải lên tiếng trấn an: “Thưa các đồng chí, thực lòng tôi và cả huyện này không muốn các đồng chí và bà con phải di dời, chúng ta đã đời đời, kiếp kiếp sống với nhau ven dòng Nặm Pao này, sung sướng hay đói khổ đều có nhau.

Nhưng đây là nhiệm vụ chính trị, vì vậy đảng viên phải gương mẫu chấp hành. Không những thế, các đồng chí còn phải gương mẫu vận động anh em họ hàng của mình chấp hành theo. Bản khác đi được, người khác đi được vì sao chúng ta không đi được. Tôi nói thật với các đồng chí, trước mắt có thể sẽ khó khăn nhưng về lâu dài thì cuộc sống mới nơi tái định cư sẽ ổn định hơn…”

Hụt hẫng

Ông Vi Tân Hợi quả quyết: “Lúc mới khởi động dự án, chủ đầu tư thể hiện tinh thần hợp tác rất cao, ngày tôi còn làm Phó Chủ tịch UBND huyện, ngày nào cũng có người của thủy điện Bản Vẽ đến, sau năm 2005 khi gặp mặt họ cũng chẳng buồn chào hỏi. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ bất đất đồng quan điểm trong quá trình giải quyết những sự cố liên quan đến dự án, đặc biệt là xoay quanh công tác bồi thường”.

Empty

Sau rất nhiều năm, cuộc sống của nhiều gia đình chuyển về các khu tái định cư của thủy điện Bản Vẽ vẫn hết sức khốn khó. Ảnh: Việt Khánh.

Theo ông Hợi, khi huyện thông báo những vấn đề phát sinh thì chủ đầu tư không phản đối, đồng thời hứa hẹn làm xong sẽ xử lý tức thì, tuy nhiên đến thời điểm thanh toán thì “đổ thừa” không có kế hoạch từ đầu. Tương tự là những lần huyện đề xuất trích một phần kinh phí nhằm chăm lo cho công tác an sinh xã hội cho những nơi bị ảnh hưởng bởi dự án, tựu chung đều không được đoái hoài gì đến nơi.

Xoay quanh việc di dân của dự án thủy điện Bản Vẽ, đành rằng được hứa hẹn về “nơi ở mới tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ” nhưng xuất phát từ nhiều yếu tố đặc thù, số đông đồng bào không mặn mà với việc chuyển đi. Sở dĩ họ xuống nước chấp nhận hi sinh quyền lợi phần nhiều đến từ sự tận tâm, tận tụy của chính quyền các cấp, từ tiếng nói của những già làng, trưởng bản có uy tín. Tuy nhiên với cái cách chủ đầu tư đáp lại, việc người dân đắn đo, hụt hẫng là điều thể hiểu được.

Nhìn nhận dưới góc độ khách quan, thấy rằng dân bản có quyền đề đạt và yêu cầu được thỏa mãn nhu cầu chính đáng. Tỉ dụ như khi thực hiện công tác bồi thường đối với diện tích đất có liên quan, lẽ ra phải tính toán tổng thể để tiến hành lập hồ sơ kiểm đến, đằng này chủ đầu không lường hết các yếu tố. Thành thử khi chặn dòng, nước dâng lên ngập trắng băng tất thảy, khó xác định mốc giới dẫn đến tiến độ trì trệ hết năm này qua năm khác.

Empty

Kéo theo tương lai bấp bênh của lớp con em kế cận. Ảnh: Việt Khánh. 

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.