Thiếu trầm trọng đất sản xuất
Lãnh đạo ngành Nông nghiệp Nghệ An đã từng khẳng định, để phục vụ 1 dự án thủy điện địa phương trải qua 2 lần mất rừng, mất đất với quy mô lớn.
Đầu tiên là vị trí hiện hữu của công trình điện năng, thứ hai là công tác bố trí tái định cư, bởi diện tích hồ chứa của nhà máy Thuỷ điện Bản vẽ lên đến hơn 4.842ha.
Tổng số hộ dân huyện Tương Dương phải di dời của 31 bản, thuộc 8 xã vùng lòng hồ thuỷ điện bản Vẽ là 2.910 hộ với 13.735 khẩu.
Vị trí được lựa chọn tái định cư thuộc địa phận huyện Thanh Chương, địa điểm cách nơi ở cũ của đồng bào trên dưới 150km.
Theo kế hoạch, huyện Thanh Chương sẽ đứng ra tiếp nhận 2.412 hộ/12.058 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Khơ mú của 5 xã Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương và Luân Mai thuộc huyện Tương Dương.
Từ đây, tiếp tục phân về 14 khu tái định cư, trong đó xã Hạnh Lâm tiếp nhận 1.064 hộ, xã Thanh Mỹ tiếp nhận 112 hộ, xã Thanh Hương tiếp nhận 747 hộ, xã Thanh Thịnh tiếp nhận 489 hộ.
Đến cuối năm 2021, UBND huyện Thanh Chương đã thu hồi hơn 4.773ha để phục vụ tái định cư, chủ yếu là đất rừng (rừng nguyên sinh, đồi trọc, đất trang trại) để bàn giao cho chủ đầu tư là Ban quản lý Thủy điện 2.
Phần lớn diện tích trên thuộc quyền quản lý của Lâm trường Thanh Chương (4.166ha), nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, một trong những đơn vị chủ rừng “bết bát” nhất của tỉnh Nghệ An.
Dân bản chuyển về các khu tái định cư dù được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về lương thực (hỗ trợ 12 tháng lương trong 3 năm đầu, mỗi năm 4 tháng, mỗi tháng 30kg gạo/khẩu), chăn nuôi (2 triệu đồng/hộ, hỗ trợ một lần trong năm đầu tiên), y tế (100.000 đồng/hộ, hỗ trợ một lần), điện thắp sáng (10.000 đồng/khẩu x 3 tháng).
Tuy nhiên, những hỗ trợ trên chẳng thấm vào đâu so với mất mát, hy sinh to lớn của đồng bào nhường đất cho dự án, bởi đa phần phải chịu cảnh mất đất, mất nhà, mất kế sinh nhai, cuộc sống bị đảo lộn vì dự án thủy điện Bản Vẽ.
Nhiều gia đình về nơi ở mới hơn 10 năm rồi nhưng chẳng thể nào hòa nhập nổi. Đành rằng điều kiện, cơ sở vật chất có phần tốt hơn chốn cũ nhưng với đồng bào tư liệu sản xuất mới là yếu tố tiên quyết, tiếc thay, mong muốn chính đáng này chưa được đảm bảo, tâm lý chưa “an cư” cũng xuất phát từ đây mà ra.
Thống kê sơ bộ, mới chỉ 338ha đất ở, đất vườn liền kề được giao cho 2.505 hộ (cả hộ phát sinh), bình quân chỉ 1.350m2/hộ; đất sản xuất nông nghiệp đã giao 3.314ha/2.430 hộ, bình quân 1,3ha/hộ; đất lâm nghiệp đã giao 163ha/207 hộ, bình quân 0,79 ha/hộ. Riêng đất sản xuất nông nghiệp cần phải cải tạo không có.
Ghi nhận đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân tại các khu tái định cư của thủy điện Bản Vẽ chỉ dao động ở mức 18 triệu đồng/người/năm, trong khi tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 42%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 14,8%. Những con số khô khan nhưng đủ sức nêu bật bản chất của vấn đề, cho thấy hành trình di dân đằng đẵng trên 10 năm vẫn chưa đi đến cái đích như mong đợi.
Thiếu tư liệu canh tác trầm trọng kéo theo thiếu thốn về nhiều mặt, nhiều hộ đông miệng ăn phải chịu cảnh tan đàn xẻ nghé, bậc cao niên người già bó gối ngồi nhà, cánh thanh niên sức dài vai rộng phải bôn ba khắp nơi kiếm kế sinh nhai, không ít trường hợp lầm lũi quay về… cố hương.
Theo báo cáo từ UBND huyện Tương Dương, tính đến ngày 1/4/2021, tổng số hộ cư trú, làm ăn trên khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ là 121 hộ/306 khẩu, tăng 16 hộ, giảm 13 khẩu so với tại thời điểm tháng 6/2020. Trong đó thuộc diện di dời tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ là 117 hộ/300 khẩu (tăng 27 hộ/ 10 khẩu so với năm 2020).
Đối tượng di dời ban đầu chủ yếu là những lao động chính, sau một thời gian đưa thêm con, cháu lên cùng. Dù biết tỏng hành vi trên là trái pháp luật khi đất đai khu vực này đã quy hoạch sang rừng phòng hộ, đồng nghĩa không được phát nương làm rẫy, không được đánh bắt thủy sản, khai thác lâm sản, khoáng sản, không cho đăng ký tạm trú, tạm vắng… nhưng nhiều người vẫn bất chấp. Chung quy khi không còn sự lựa chọn, gánh nặng mưa sinh đè nặng trên vai người dân chấp nhận đánh đổi.
Đặt chân về vùng tái định cư ở bản Thành Yên, xã Thành Sơn những ngày chớm đông, thấy rằng cuộc sống nơi đây vẫn còn bộn bề nỗi lo toan. Nhiều nếp nhà vắng bóng người đã xập xệ trông thấy, những công trình phụ trợ dựng vội bằng tre tranh vách nứa đã xiêu vẹo, tả tơi trước sức tàn phá của mưa gió, thời gian.
Chẳng tất bật, chẳng vội vã, nhịp sống bao năm rồi vẫn chậm rãi như ngày đầu. Khi được hỏi, các ông Ốc Văn Hồng, Ốc Văn Tỉu, Hắp Văn Khoa, những người con đồng bào Khơ Mú chân chất, thật thà đều chung nỗi niềm: “Ở đây điện, đường, trường, trạm tốt hơn nhưng dân bản chưa ấm bụng, đất đai không đủ để canh tác, khác hẳn so với khu vực lòng hồ trước kia, muốn làm bao nhiêu thì làm, chẳng bao giờ lo thiếu đất”.
Mất ngủ vì những công trình tái định cư khẩn cấp
Quá trình giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại các dự án tái định cư, vốn được xây dựng sau thiên tai khiến chính quyền huyện Tương Dương bạc mặt, mất ăn mất ngủ triền miên.
Ngân sách, tiềm lực quá hạn hẹp, trong khi sự đồng hành của doanh nghiệp chỉ như muối bỏ bể, thành thử tiến độ lẫn chất lượng của những công trình mang tính cấp bách chậm tựa rùa bò.
Bị điểm mặt đặt tên trước tiên là dự án Khu tái định cư bố trí chỗ ở khẩn cấp cho các hộ dân bị ngập lụt, sạt lở đất tại 2 bản Minh Phương, Xốp Mạt, thuộc vùng hạ lưu của thủy điện Bản Vẽ. Dự án được UBND huyện Tương Dương cho phép xây dựng với tổng dự toán duyệt trên 7,3 tỷ đồng. Thực tế UBND huyện chỉ bố trí được khoảng 4,7 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 65% tổng mức chung.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến tháng 12/2019 khối lượng thi công của dự án đạt đến 95%, tuy nhiên sự tác động của thiên tai vào đầu năm 2020 khiến tầng địa chất tại đây bị tác động nghiêm trọng, kéo theo nguy cơ sạt lở cao. Trước tình hình trên, UBND huyện Tương Dương đã chỉ đạo các bên liên quan thăm dò địa chất, tính toán độ ổn định của mái dốc.
Dù kết quả thể hiện mái dốc taluy dương đang ổn định, chỉ bị sạt phần đất phía ngoài nhưng vì lo ngại đến tính mạng, các hộ trong diện tái định cư đều hết sức dè dặt. Ghi nhận riêng khu tái định cư bản Minh Phương, đến tháng 10/2022 mới chỉ có 2 hộ… vào sinh sống.
Gia đình già Lô Văn Tao đi tiên phong, chẳng dấu diếm, già Tao chia sẻ sự tình: “Sau trận thiên tai năm 2018, lũ lụt kết hợp với quá trình xả lũ cật lực của thủy điện đã đẩy nhiều hộ dân vào cảnh màn trời chiếu đất, nhu cầu tái định cư lúc bấy giờ thật sự cấp bách. Theo kế hoạch sẽ có 17 hộ, bao gồm một số hộ ở bản Xốp Mạt, còn lại là người của bản Minh Phương về sinh sông tại địa điểm mới. Gia đình tôi là trường hợp đầu tiên chuyển đến, chỉ một thời gian ngắn lại phải chuyển đi vì nguy cơ sạt lở rất nguy hiểm. Sau 2 năm triền miên sống cảnh ăn nhờ ở đậu, thấy bức bí đành phải quay về bởi chẳng còn sự lựa chọn nào khác”.
Dự án di dời khẩn cấp 34 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất tại xã Lượng Minh cũng chẳng khá khẩm hơn, bất chấp tất cả các hạng mục cơ bản đã hoàn tất. Dự án ban đầu thiết kế cho 34 hộ, về sau UBND xã đề xuất thêm 12 hộ (2 hộ thuộc diện bố trí dự án tại bản Minh Phương, 10 hộ khác thuộc bản Lạ) dẫn đến quy mô bị bó hẹp.
Bấp chấp không phù hợp với phong tục của đồng bào nhưng do tính chất cấp thiết về nhà ở nên UBND huyện Tương Dương đã trình UBND tỉnh cho phép điều chỉnh bổ sung. Động thái “cố đấm ăn xôi” không khả thi do địa hình đồi núi, địa chất phong hóa rời rạc, nguy cơ sạt lở cao. Trên cơ sở chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, huyện Tương Dương đã sửa sai bằng cách chia lại lô nền theo phương án… cũ.
Sau nhiều lần đấu trí, ngày 18/9/2020, EVN (chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ) và UBND tỉnh Nghệ An mới thống nhất nội dung hỗ trợ cho người dân vùng lũ năm 2018 và giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ.
Đáng nói, kinh phí xây dựng các khu tái định cư phía hạ du thủy điện này thấp đến ngỡ ngàng, mặc dù UBND huyện Tương Dương đề xuất lần lượt 6,9 tỷ để bố trí chỗ ở cho các hộ dân bị ngập lụt, sạt lở tại bản Minh Phương, bản Xốp Mạt (xã Lượng Minh) và 9 tỷ để di dời khẩn cấp 34 hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở tại xã Lượng Minh, đáp lại EVN chỉ chấp nhận bố trí lần lượt hơn 1,1 tỷ và hơn 1,7 tỷ.