| Hotline: 0983.970.780

Những phận đời thiếu nữ bị bỏ rơi khi trót trao thân cho các chàng Sở Khanh

Thứ Hai 23/05/2016 , 08:01 (GMT+7)

Từ khi những công trình giao thông vươn tới các tỉnh Tây Nguyên, đời sống người dân ngày một nâng lên. Nhưng kèm theo đó là những phận đời thiếu nữ bị bỏ rơi khi đã trót trao thân cho các chàng trai dân công trình.

Đắng lòng hơn khi những gã Sở Khanh đã kịp “gửi lại” cho cô gái giọt máu của mình trước khi thu dọn hành trang để đến một công trình mới.

Xấu hổ đành bỏ làng đi

Đến xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum, hỏi chuyện về những cô gái bị phụ tình, đang nuôi con một mình, người dân đáp lại bằng những tiếng thở dài chua xót.

Già làng A Đăng, năm nay 70 tuổi, ở làng Chung Tam, xã Măng Ri, kể: “Đồng bào mình có nhiều tục lạ nhưng hay lắm, như tục ngủ thăm, trai gái nằm chung tâm sự, nói chuyện tương lai chứ không được làm gì.

Sau vài đêm, nếu ưng nhau thì cô gái sẽ đi bắt chồng, còn tình duyên không hợp, cô gái không cho chàng trai đến nữa.

Tuy nhiên, điều cấm kỵ là không được làm gì, nếu vi phạm để mang bầu thì bị phạt vạ rất nặng, phải thịt trâu, dê, gà và rượu tại nhà rông cho cả làng ăn. Ấy vậy mà những cô gái xinh đẹp ở đây mê muội để rồi phải chịu phạt vạ, rồi một mình nuôi con”.

Già làng A Đăng cho biết, từ khi các công trình xây dựng được triển khai trên địa bàn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, hoạt động buôn bán, đi lại thuận tiện nhiều, nhưng đời sống của không ít hộ dân bị đảo lộn, nhiều thiếu nữ liều mình "ăn cơm trước kẻng”.

Trong đó, ở làng Chum Tam có trường hợp khá đặc biệt là cả ba chị em ruột Y Hồ(*), Y Hoàng và Y Thêu đều “mang tội” yêu dân công trình. Hai người chị đã làm heo, làm gà, bưng rượu… phạt vạ vì đã “ăn trái cấm”, sinh con.

Phát hiện thêm cô em út hay đi chơi với trai lạ, làng quyết định phạt một con heo lớn. Không có tiền nộp phạt, cũng không chịu đựng nổi điều tiếng xì xầm, cả gia đình đành bỏ làng ra đi. Mặc dù định cư bên suối Pờ Si (thôn Đắk Dơn) một thời gian nhưng gia đình Y Hoàng vẫn chưa được cho nhập làng mới.

Y Hoàng chia sẻ: “Nó làm công nhân, tên Nam, 43 tuổi rồi. Ban đầu, nó nói chưa vợ, hứa sẽ đưa bố mẹ lên cưới em về làm vợ. Nó đòi mãi nên em cho. Nhưng sau khi có con, nó bảo đã có vợ con ngoài Quảng Trị. Rồi nó bỏ đi, không nói gì cả”.

Một trong những trường hợp được mọi người nhắc đến nhiều nhất là chuyện cô thiếu nữ Y Dĩnh, năm nay vừa tròn 20 tuổi. Cô gái có làn da trắng ngần, trắng tựa những đám mây quanh năm bao phủ đỉnh Ngọc Linh.

Tâm hồn cô trong như nước suối nguồn. Trai chưa vợ trong làng, trong xã để mắt đến nhưng Y Dĩnh chưa ưng cái bụng được ai. Rồi một ngày kia, người ta đến làm con đường ngay làng cô ở. Cô gặp chàng trai miền xuôi có mái tóc bồng bềnh như đám mấy xanh, nước da trắng, giọng nói ngọt như đường…

Thế rồi, tình yêu đến với họ lúc nào không biết. Y Dĩnh yêu say đắm, cứ tối đến hai người hò hẹn đến gặp nhau. Khi làng phát hiện ra Y Dĩnh đã "làm bậy" với người công nhân nên làng họp, quyết định phạt vạ một con heo, một con gà.

“Nhưng Y Dĩnh chẳng nộp phạt mà bỏ đi biệt tích đến nay cũng hơn 2 năm rồi. Nếu nó không về nộp phạt thì nó không còn là người làng này nữa”, già làng A Đăng nói.

Tương tự, cô gái Y Miêng, năm nay 28 tuổi, là một trường hợp đáng thương khác. Khi những công nhân vào làm đường, một người đàn ông đến bây giờ Miêng vẫn chỉ biết là tên Văn, quê ngoài Bắc buông lời tán tỉnh.

Đã chia tay chồng cũ lâu ngày, chịu cảnh cô đơn Y Miêng không cưỡng lại trước những lời hứa hẹn về một tương lai màu hồng.

Y Miêng đã yêu thêm lần nữa. Rồi khi cả làng phát hiện Y Miêng và Văn đã ngủ với nhau thì họp làng bắt Y Miêng phải nộp phạt. Đem chuyện kể cho Văn, Văn liền mua ngay một con heo rồi làm lễ xin làng Chung Tam cho lấy Y Miêng về làm vợ. Cả làng Chung Tam đồng ý và xem Văn như con rể của làng.

Sau đó, hai người dọn về sống chung với nhau. Khi Y Miêng mang thai, bụng to không lên nổi cái rẫy thì cũng là lúc tuyến đường đoạn qua xã được hoàn thành.

Không một lời từ biệt, Văn cũng bỏ Y Miêng như bỏ một cái áo cũ, bỏ luôn cả đứa con sắp chào đời trong bụng cô sơn nữ ấy. Không còn mặt mũi nào ở lại làng, Y Miêng lầm lũi dọn sang làng khác sinh con rồi sống luôn ở đó.


Những đứa trẻ không biết mặt cha

Trường hợp của Y Tân (SN 1995, ở làng Đak Rôn, xã Măng Ri) thì bị các bậc chức sắc trong làng đuổi đi vì không chấp thuận theo lệ làng, không chịu nộp phạt khi bị làng phát hiện đã ăn ngủ với công nhân. Hiện tại, Y Tân sống nhờ nhà người cô ở làng Chung Tam.

Hàng ngày, Y Tân làm rẫy lấy tiền nuôi thân, Y Tân bảo rằng không phải cố tình làm trái lệ làng, nhưng nhà nghèo không có tiền nộp phạt một con heo to và một con gà nên đành phải bỏ đi.

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Tu Mơ Rông, có khoảng 300 thiếu nữ địa phương có quan hệ như vợ chồng với những công nhân làm đường, nhiều trường hợp trong số này đã có con. Riêng làng Long Hy, xã Măng Ri có đến 8 trường hợp có con nhưng không biết mặt cha đứa trẻ. Hầu hết sau khi công trình hoàn thành, những công nhân đều bỏ mặc cô gái và lặng lẽ cuốn gói.

“Bị đuổi đi rồi em không dám về lại làng cũ vì xấu hổ. Chắc em phải sống cô đơn cả đời vì cả làng, cả xã biết chuyện rồi thì chẳng ai dám lấy em làm vợ nữa”, Y Tân tâm sự.

Nước mắt người ở lại

Chúng tôi tìm đến nhà Y Phụng (SN 1995, ở làng Tân Ba, xã Tê Xăng) lúc cô đang bế con, mặt buồn xo. Hỏi ra mới biết, đứa con trai Y Phụng giờ đã 11 tháng tuổi. Trước đó, người đàn ông tên Hùng từng thề thốt với cô đã “một đi không trở lại”, để cô một mình với những lời ru con thấm đầy nước mắt.

Y Phụng kể, cô gặp Hùng trong một lần lên rẫy. Và chính cái rẫy là nơi ngủ với nhau để tự tình. Ở nơi này, gã trai đã thề thốt sẽ lấy Y Phụng làm vợ. Nhưng khi thấy bụng cô ngày một lơn, gã đã âm thầm ra đi.

Theo tìm hiểu, nhiều trường hợp chị em ở đây sau khi “ăn trái cấm” đã được công nhân đưa về ra mắt bố mẹ. Tuy nhiên khi ra tới nơi lấy lý do bố mẹ không đồng ý nên đuổi về.

Có một số trường hợp đã ra được nửa đường cũng bị đuổi quay trở lại mà chị em không có tiền về nhà, có trường hợp về tới huyện Đăk Tô (cách trung tâm huyện Tu Mơ Rông khoảng 30km) nhưng không có tiền thuê xe nữa phải gọi người nhà ra đón.

17-22-20_nh-4
Một buổi “luận tội” ở nhà Rông để phạt vạ cô gái lỡ ăn “trái cấm” trước hôn nhân

Ông A Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, cho biết: “Sau nhiều lần vào tận thôn, làng để tuyên truyền, vận động người dân nhưng vẫn có một số phụ nữ sinh con. Có trường hợp chị em phụ nữ chưa đăng ký kết hôn, đến UBND xã để đăng ký khai sinh cho con nhưng không có tên cha nên cán bộ hộ tịch xã quyết không làm khai sinh.

Cán bộ hộ tịch họ bức xúc quá vì đã tuyên truyền nhiều lần mà chị em không nghe, vẫn có con với những công nhân. Sau khi nắm tình hình chúng tôi đã xin chỉ đạo cấp trên, sau đó làm khai sinh cho các cháu để sau này đỡ thiệt thòi. Những trường hợp có con không hôn thú sau này sẽ để lại hậu quả lớn cho xã hội phải gánh. Những gia đình này cũng rất dễ tái nghèo trong tương lai”.

(*) Các nhân vật trong bài viết đã được đổi tên

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm