| Hotline: 0983.970.780

Những thảm họa đáng quên của năm 2020

Chủ Nhật 27/12/2020 , 18:28 (GMT+7)

Năm 2020 đánh dấu sự khởi đầu của một thập kỷ mới được nhiều người hy vọng và lạc quan, tuy nhiên mọi sự đã đảo lộn không thể lường hết khi coronavirus xuất hiện.

Ngày 15/12/2020, tập đoàn tái bảo hiểm Thụy Sĩ  Swiss Re cho biết, thảm họa tự nhiên và do con người gây ra trong năm 2020 ước tính thiệt hại 187 tỉ USD, trong đó tất cả đều bị đám mây của đại dịch Covid-19 phủ bóng khi nó càn quét khắp thế giới, đến nay vẫn chưa có lời giải với khoảng 80 triệu ca nhiễm, trong đó có 1.738.000 trường hợp tử vong và khoảng 56 triệu bệnh nhân bình phục.

Dưới đây là những sự kiện đáng quên nhất của năm 2020.

Cháy rừng ở Australia

Nhân viên cứu hộ động vật hoang dã Simon Adamczyk giải thoát một con gấu koala bị cháy sém ở khu bảo tồn Cape Borda, bang Adelaide. Ảnh: Reuters

Nhân viên cứu hộ động vật hoang dã Simon Adamczyk giải thoát một con gấu koala bị cháy sém ở khu bảo tồn Cape Borda, bang Adelaide. Ảnh: Reuters

Các đám cháy lẻ tẻ bắt đầu vào tháng 12/2019 và sau đó lan rộng khắp quốc gia nam bán cầu ngay trong thời khắc nhân loại đón chào năm mới 2020. Đây được coi là một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất mà Australia từng đối mặt.

Vài ngày sau năm mới một số bang đã phải kêu gọi cứu hộ khẩn cấp khi giặc lửa đã thiêu rụi khoảng 18,6 triệu ha rừng, phá hủy 5.900 tòa nhà và khiến ít nhất 34 người thiệt mạng trực tiếp, hơn 400 người chết do ngạt khói.

Hơn một nửa dân số Úc đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng cháy rừng trong “mùa hè đen” và khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng sức khỏe. Hậu quả ô nhiễm khói bụi bao trùm ở các khu dân cư phía đông nam nước này được cho là đã gây ra cái chết của hơn 400 người cùng nhiều loài động thực vật đã bị biến thành tro.

Lũ lụt ở Indonesia, Trung Quốc

Ngày 1/1/2020, lũ lụt kinh hoàng đã tàn phá thủ đô Jakarta của Indonesia và một số khu vực lân cận đã bị nước lũ cao gần 2m nhấn chìm, khiến hơn 40 ngàn người dân buộc phải sơ tán. Gần 70 người đã thiệt mạng do đuối nước, lở đất, hoặc bị điện giật trong lũ lụt.

Hàng chục triệu người ở miền nam Trung Quốc bị đảo lộn cuộc sống vì lụt kéo dài. Ảnh: Strait Times.

Hàng chục triệu người ở miền nam Trung Quốc bị đảo lộn cuộc sống vì lụt kéo dài. Ảnh: Strait Times.

Các trận mưa lũ theo mùa năm 2020 ở miền nam Trung Quốc thuộc lưu vực sông Dương Tử (Trường Giang) được coi là tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ, ước thiệt hại khoảng 84 tỉ nhân dân tệ (12,32 tỉ USD).

Theo Bộ Thủy lợi, ước tính đến cuối mùa hè, lũ lụt đã buộc giới chức phải di dời 744.000 người thuộc 26 tỉnh thành làm đảo lộn cuộc sống của khoảng 65 triệu cư dân và ít nhất 219 người chết hoặc mất tích và 54.000 ngôi nhà bị sập đổ.

Thống kê có tổng cộng 443 con sông đã bị tràn bờ, với 33 trong số đó ghi nhận mực nước đạt mức cao nhất. Cơ quan Di sản Văn hóa Quốc gia cho biết, 76 di tích văn hóa quốc gia quan trọng và 187 di sản văn hóa cấp địa phương bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau.

Đại dịch coronavirus nhấn chìm nhân loại

Ai đã trải qua năm 2020 đều có chung cảm nhận có vẻ như đây là một năm không thể tồi tệ hơn nữa bởi ám ảnh dịch bệnh nguy hiểm Covid-19 lây lan với tốc độ kinh khủng và gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao lan rộng cùng với gián đoạn hoạt động kinh tế toàn cầu, đến nay vẫn chưa thể thống kê hết thiệt hại.

Một đứa trẻ nhiễm Covid-19 nhập viện được gặp bạn thân thông qua một lớp bảo vệ bằng ni lông ở bệnh viện San Raffaele, Rome, Italy ngay trước lễ Giáng sinh hôm 22/12/2020. Ảnh: NYP

Một đứa trẻ nhiễm Covid-19 nhập viện được gặp bạn thân thông qua một lớp bảo vệ bằng ni lông ở bệnh viện San Raffaele, Rome, Italy ngay trước lễ Giáng sinh hôm 22/12/2020. Ảnh: NYP

Dịch bệnh tai quái bùng phát đầu tiên được xác định vào tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) không ai nhận ra sự tác động đến kinh tế và toàn cầu khủng khiếp mà Covid-19 sẽ gây ra. Vào ngày 11/1, Trung Quốc ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì Covid-19 và đến ngày 11/3, WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch. Tính đến ngày 2/4, số ca nhiễm toàn cầu đã vượt 1 triệu.

Ngày nay, hầu hết các quốc gia vẫn đang thận trọng nới dần phong tỏa và cố gắng tiếp tục cuộc sống Tuy nhiên, sau 5 tháng của năm 2020 vẫn chưa có vacxin hay thuốc điều trị cho Covid-19.

Tính đến ngày 21/3, hơn 276.000 trường hợp nhiễm Covid-19 đã được báo cáo. tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đến hơn 11.400 người chết và 90.000 người được phục hồi. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 là khoảng 2% nhưng nguy hiểm là cơ chế lây lan dễ dàng và bất kể người nào cũng có nguy cơ bị tấn công. Nổi bật là các nhà lãnh đạo thế giới bị nhiễm coronavirus, bắt buộc phải cách ly điều trị như Thủ tướng Anh Boris Johnson và các Tổng thống Mỹ Donald Trump và Brazil Jair Bolsonaro...

Châu chấu sa mạc bùng phát

Bắt đầu ở bảy quốc gia Đông Phi, hàng trăm tỷ con châu chấu ví như những đám mây khổng lồ di chuyển xuyên lục địa tới một số quốc gia Nam Á và tàn phá mùa màng nghiêm trọng.

FAO cho biết dịch châu chấu sa mạc có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực của 25 triệu người. Ảnh: Boston Globe

FAO cho biết dịch châu chấu sa mạc có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực của 25 triệu người. Ảnh: Boston Globe

Tại Ấn Độ, giặc châu chấu đã tấn công 5 bang gồm Rajasthan, Gujarat, Punjab, Haryana, Uttar Pradesh và Madhya Pradesh đã được người dân và giới chức bảo vệ thực vật ghi lại qua những video-clip rợn người khi chúng tàn phá hoa màu và gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh lương thực.

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đánh giá, dịch châu chấu sa mạc năm 2020 là tồi tệ nhất trong nhiều chục năm qua. Nếu chưa được xem những hình ảnh về châu chấu sa mạc thì bạn có thể hình dung một bầy đàn kích cỡ khoảng 2,5km2, tương đương 150 triệu con trong một ngày chúng có thể ngốn một lượng thức ăn bằng với khẩu phần của 35.000 người. Loài côn trùng này không chỉ sinh sản nhanh chóng mà chúng có thể ăn bất cứ loại thực vật nào từ hoa màu, đồng cỏ và phá hủy mùa màng chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Sự gia tăng đột ngột của nạn châu chấu sa mạc được cho là do biến đổi khí hậu khi nền nhiệt độ tăng lên khiến châu chấu có nhiều môi trường sống hơn. Những trận mưa bất thường và nhiệt độ tăng từ năm 2019 có thể là nguyên nhân chính của đợt dịch hại châu chấu năm 2020.

Nổ kho chứa phân bón ở Lebanon

Một vụ nổ lớn ở cảng Beirut, nơi chứa 2.750 tấn amoni nitrat đã phá hủy thủ đô Beirut của Lebanon vào ngày 4/8/2020 khiến ít nhất 190 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương và hàng trăm nghìn người phải di dời.

Một người đàn ông Lebanon may mắn thoát chết sau vụ nổ kinh hoàng vào đầu tháng 8/2020. Ảnh: AFP/Getty Images.

Một người đàn ông Lebanon may mắn thoát chết sau vụ nổ kinh hoàng vào đầu tháng 8/2020. Ảnh: AFP/Getty Images.

Sức công phá của vụ nổ kho chứa hóa chất phân bón này được các chuyên gia ước tính ngang bằng 1/10 so với quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima (Nhật Bản) hồi Thế chiến II và được xếp vào vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất nhân loại.

Đáng buồn là vụ nổ xảy ra trong bối cảnh đất nước Lebanon đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài lại tiếp tục bị thiệt hại thêm trên 5 tỷ USD nữa đã khơi dậy các cuộc biểu tình chống chính phủ, dẫn đến việc chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab phải từ chức ngay sau đó.

Thế giới rúng động sau cái chết George Floyd

Bất ổn xã hội bùng nổ ở Mỹ vốn đã phân cực, sau khi một cảnh sát da trắng ghì cổ chết một người đàn ông Mỹ gốc Phi George Floyd (46 tuổi) vào ngày 25/5/2020 ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota với nghi ngờ người này dùng tờ 20 USD giả.

Cái chết của George Floyd tạo ra cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc lan rộng khắp thế giới. Ảnh: AFP.

Cái chết của George Floyd tạo ra cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc lan rộng khắp thế giới. Ảnh: AFP.

Ngay sau đó, vụ việc đã thổi bùng cơn giận giữ trong cộng đồng và gây ra làn sóng biểu tình lan rộng trên toàn cầu với khẩu hiệu Black Lives Matter (có nghĩa là Mạng sống của người da đen cũng đáng giá) nhằm chống lại nạn bạo lực và phân biệt chủng tộc. Ở một số nơi đã xảy ra ​​các cuộc đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình khiến nước Mỹ bị phân cực chính trị nghiêm trọng ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11.

NYP, TH

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.