Một nghiên cứu năm 2012 do tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Mỹ đăng tải chỉ ra rằng bất chấp những nguồn lực còn hạn chế, Cuba đã tạo ra một hệ thống y tế khiến nhiều quốc gia khác, kể cả các nước phát triển, không khỏi ghen tỵ.
Người dân Cuba có thể tiếp cận dễ dàng với các bác sĩ. Gần như 99% dân số được bác sĩ thăm khám mỗi năm một lần (Ảnh minh họa: Granma) |
“Rất ít nước có thể bắt kịp Cuba trong các thành tích như 98% trẻ em đến 2 tuổi đều được tiêm chủng đầy đủ và tiêm chủng chống lại 13 bệnh, chăm sóc tiền sản cho 95% phụ nữ mang thai ở 3 tháng đầu tiên với tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong dưới 5 trên 1.000 ca và tiến hành kiểm soát chủ động các căn bệnh mãn tính, bao gồm kiểm tra huyết áp ít nhất mỗi năm một lần cho gần như toàn bộ dân số”, ABC News dẫn lời các tác giả của nghiên cứu nhận xét.
Quốc gia đầu tiên loại bỏ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận Cuba là nước đầu tiên loại bỏ được việc lây truyền virus HIV từ mẹ sang con.
“Loại bỏ tình trạng lây truyền virus có thể được xem là một trong những thành tựu vĩ đại nhất đối với y tế cộng đồng”, bác sĩ Margaret Chan, tổng giám đốc WHO, lúc bấy giờ đánh giá. “Đây là chiến thắng lớn của chúng ta trên hành trình lâu dài chống lại HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đồng thời là bước quan trọng hướng tới mục tiêu tạo ra một thế hệ mới không có AIDS”.
WHO và Tổ chức Y tế Liên Mỹ đã làm việc với Cuba từ năm 2010 để gia tăng “khả năng tiếp cận của người dân nước này với dịch vụ chăm sóc tiền sản, xét nghiệm giang mai và HIV cho cả phụ nữ mang thai lẫn đối tác, điều trị cho phụ nữ có kết quả dương tính với HIV cùng con của họ, bên cạnh hỗ trợ sinh mổ và cải tiến các phương pháp thay thể nuôi con bằng sữa mẹ”.
Bác sĩ William Keck, người dẫn đầu nhóm tác giả cho ra đời nghiên cứu năm 2012 của tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Mỹ, nhấn mạnh dù chính phủ có nguồn lực hạn chế, việc tập trung không ngừng vào chăm sóc phòng ngừa đã giúp không ít người dân Cuba cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe.
“Không tính những trường hợp ngoại lệ, khoảng hơn 99% người dân Cuba được bác sĩ thăm khám ít nhất một lần và có thể lên tới hai lần một năm”, ông Keck cho hay.
Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp
Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở Cuba đã giảm đáng kể xuống mức chỉ còn 5 trên 1.000 ca, theo nghiên cứu năm 2012 của tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Mỹ. Con số trên còn thấp hơn mức 5,82 trên 1.000 ca ở Mỹ năm 2014, theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ.
Ông Keck nhận định kết quả đáng khích lệ này một phần có được là nhờ vào việc Cuba kể từ giữa những năm 1980 không ngừng tập trung vào công tác chăm sóc phòng ngừa nhằm đảm bảo người dân luôn khỏe mạnh, đồng thời bắt đầu một chương trình với mục tiêu giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ chăm sóc y tế.
“Họ đã có thể áp dụng một hệ thống chăm sóc sức khỏe từ sớm theo định hướng phòng ngừa mà gần như mọi người dân đều được hưởng”, ông Keck giải thích. “Mọi người dân Cuba đều có khả năng tiếp cận dễ dàng với các bác sĩ và đội ngũ y tá”.
Keck cho hay bác sĩ và y tá Cuba thường xuyên tới thăm bệnh nhân tại nhà và chịu trách nhiệm theo dõi cả cộng đồng cư dân để nắm rõ hơn những vấn đề sức khỏe cũng như các rủi ro mà bệnh nhân đối mặt.
Phát triển vacxin chống ung thư phổi
“Cuba đã đầu tư đáng kể vào công nghệ vi sinh và nay họ có tới 24 viện nghiên cứu cùng 58 cơ sở sản xuất”, bác sĩ Keck thống kê.
Một quan chức Cuba giới thiệu vacxin CimaVax EG hồi năm 2008 (Ảnh: AP) |
Trung tâm Miễn dịch học Phân tử của Cuba đã phát triển một loại vacxin mang tên “Cimavax” được cho là có tác dụng trong điều trị ung thư phổi. Trong một thử nghiệm đối với 405 bệnh nhân ung thư phổi ở Cuba, những người được cho dùng thuốc Cimavax có thể sống lâu hơn ba tháng so với người không sử dụng.
Mỹ hồi năm 2015 làm việc với các đối tác Cuba để đưa loại vacxin nói trên về nghiên cứu. Nó đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp thuận cho thử nghiệm giai đoạn một về độ an toàn và tính hiệu quả.