| Hotline: 0983.970.780

Những thông tin cần biết về khung chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn

Thứ Hai 12/12/2022 , 13:50 (GMT+7)

Hiện nay, các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau...

Phát triển kinh tế với việc khai thác tài nguyên theo mô hình truyền thống đã tạo ra một lượng chất thải lớn vào môi trường gây ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Do vậy, phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên. Kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất.

Luật Trồng trọt năm 2018

Sản xuất trồng trọt cũng gây phát sinh lớn phụ phẩm, khi quản lý không phù hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ. Ngày 19/10/2018, tại Kỳ họp Thứ 6, Quốc hội Khoá XIV đã thông qua Luật Trồng trọt (số 31/2018/QH14) và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020.

Mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) đã được áp dụng phổ biến ở Việt Nam từ những năm 1980 và được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất.

Mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) đã được áp dụng phổ biến ở Việt Nam từ những năm 1980 và được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất.

Thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng đã được quy định chi tiết tại Điều 76, trong đó chỉ rõ việc khuyến khích sử dụng phụ phẩm cây trồng làm nguyên liệu để sản xuất sản phẩm hàng hoá.

Đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương thực hiện việc thu gom, xử lý phụ phẩm cây trồng thành phân bón hữu cơ để tái sử dụng bón cho cây trồng; tận dụng rơm rạ để trồng nấm rơm....

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thông qua tại Kỳ họp Thứ 10, Quốc hội Khóa XIV (Luật số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020) đã có những quy định cụ thể liên quan đến kinh tế tuần hoàn, cụ thể:

- Tại Khoản 4, Điều 61 quy định phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định.

- Khoản 6, Điều 61 cũng quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích đổi mới mô hình, phương pháp sản xuất nông nghiêp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sản phẩm xử lý môi trường trong nông nghiệp; phát triển mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường.

Nhà nước có chính sách khuyến khích các mô hình tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt để phát triển nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ NN-PTNT, các địa phương triển khai các hoạt động về quản lý phụ phẩm trồng trọt theo quy định của pháp luật.

Các cơ chế, chính sách cho nông nghiệp tuần hoàn đã có khá đầy đủ.

Các cơ chế, chính sách cho nông nghiệp tuần hoàn đã có khá đầy đủ.

- Tại Khoản 1, Điều 142 nêu rõ: (1) Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; (2) Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải.

- Tại Điều 138 quy định chung về kinh tế tuần hoàn, trong đó nêu rõ tiêu chí chung về kinh tế tuần hoàn:

a) Giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng;

b) Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện;

c) Hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: Giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh căn cứ các tiêu chí chung quy định tại khoản 1 Điều này xây dựng hệ thống các chỉ tiêu cụ thể để đánh giá kết quả thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với ngành, lĩnh vực, sản phẩm và địa bàn được giao quản lý.

- Điều 139 về lộ trình, trách nhiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn:

+ Ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn trước ngày 31 tháng 12 năm 2023;

+ Ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn;

Hiện nay, mô hình thu gom, xử lý phụ phẩm, rác thải hữu cơ đã và đang lan tỏa ở nhiều địa phương.

Hiện nay, mô hình thu gom, xử lý phụ phẩm, rác thải hữu cơ đã và đang lan tỏa ở nhiều địa phương.

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, có trách nhiệm:

Xây dựng, phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn của ngành, lĩnh vực, sản phẩm phù hợp với kế hoạch hành động quốc gia quy định tại khoản 5 Điều này;

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục, đào tạo về nội dung kinh tế tuần hoàn;

Lồng ghép các tiêu chí cụ thể thực hiện kinh tế tuần hoàn ngay trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải;

Tổ chức áp dụng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải theo kế hoạch hành động quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.

- Điều 140 về cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn nêu: Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn đối với các hoạt động sau:

a) Nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn;

b) Cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn: Tổ chức, cá nhân có hoạt động, dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thuộc đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường…

Nhà nước khuyến khích các hoạt động phát triển kinh tế tuần hoàn sau:

+ Nghiên cứu, phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật;

+ Phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên minh tái chế, các mô hình liên kết vùng, liên kết đô thị với nông thôn và các mô hình khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn;

Tận dụng nguồn phân bón hữu cơ là một trong những khâu quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Tận dụng nguồn phân bón hữu cơ là một trong những khâu quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Nghị quyết

- Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức đặt ra nhiệm vụ về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; đề ra các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo, trong đó khẳng định: “Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn”.

- Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.

Các Chỉ thị, Thông tư

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tăng cường áp dụng, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc xử lý, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc xử lý, tái chế rơm, rạ sau thu hoạch.

Đối với cấp ngành, Bộ NN-PTNT đã ban hành:

- Thông tư số 19/2019/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2019.

Tại Điều 5, Thông tư 19/2019/TT-BNNPTNT quy định: (i) Phụ phẩm cây trồng được xử lý gồm cày vùi hoặc phay, ép xanh theo rãnh hoặc phủ luống, vùi trong hố đa năng hoặc che tủ gốc cây trồng, che phủ đất, ủ làm phân bón hữu cơ truyền thống, phơi khô và các giải pháp, biện pháp xử lý khác;

(ii) Khuyến khích việc sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình xử lý phụ phẩm cây trồng và (iii) việc xử lý phụ phẩm cây trồng bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, lan truyền sinh vật gây hại.

Điều 6 Thông tư 19/2019/TT-BNNPTNT còn nêu rõ: (i) Khuyến khích sử dụng phụ phẩm cây trồng làm nguyên liệu để sản xuất nấm; sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón hoặc làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác; (ii) Phụ phẩm cây trồng được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất nấm; sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón, sản xuất sản phẩm, hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất và quy định của pháp luật có liên quan.

Tại các tỉnh ĐBSCL, rơm rạ đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị.

Tại các tỉnh ĐBSCL, rơm rạ đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị.

- Thông tư số 12/2021/TT-BNNPTNT ngày 26/10/2021 hướng dẫn thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác.

Tại Điều 5 Thông tư số 12/2021/TT-BNNPTNT quy định về xử lý chất thải chăn nuôi:

+ Xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ: (i) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi nông hộ được xử lý bằng một hoặc một nhóm các biện pháp sau: ủ compost, công nghệ khí sinh học (biogas), chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học hoặc các giải pháp khác để sử dụng cho cây trồng; (ii) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi trang trại đã qua xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản.

Trong thời gian chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành;

+ Xử lý nước thải chăn nuôi: (i) Nước thải chăn nuôi trong chăn nuôi nông hộ được xử lý bằng một hoặc một nhóm các biện pháp sau: công nghệ khí sinh học, ao sinh học, chế phẩm sinh học hoặc các biện pháp khác được sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo hạn chế phát sinh mùi hôi, thối và không để chảy tràn ra môi trường xung quanh;

(ii) Nước thải chăn nuôi trong chăn nuôi trang trại đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng, được sử dụng tưới cho cây trồng hoặc mục đích khác trong khuôn viên trang trại. Việc sử dụng nước thải chăn nuôi phải đảm bảo hạn chế phát sinh mùi hôi, thối và không để chảy tràn ra môi trường xung quanh.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT còn ban hành các quyết định, đề án như: Quyết định 819/QĐ-BNN-KHCN ngày 26/3/2016 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành NN-PTNT giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến 2050; Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có giải pháp quan trọng là tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp để chế biến thức ăn chăn nuôi...

Công trình khí sinh học là một trong những ứng dụng phổ biến về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Công trình khí sinh học là một trong những ứng dụng phổ biến về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Có thể thấy rằng, hệ thống chính sách và pháp luật về kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu; thiếu hướng dẫn và chưa có tiêu chuẩn hóa về kinh tế tuần hoàn, chưa đưa ra được các quy định, các tiêu chí để nhận diện, đánh giá, cũng như chưa có cơ quan đầu mối về vấn đề này, trong khi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp liên quan đến nhiều lĩnh vực nên khó thực hiện trong thực tế.

Hiện nay, các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau, một số vấn đề về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan đến thu gom, vận chuyển và tái sử dụng, điều kiện cấp vốn còn bỏ ngỏ nên rất khó khăn trong triển khai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế tuần hoàn trong nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng.

Song hành với các quy định, Chính phủ và các bộ, ngành cần có các cơ chế linh hoạt, phù hợp để hỗ trợ các địa phương triển khai chính sách, pháp luật về kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Các địa phương cần có những nỗ lực, sáng kiến để đưa pháp luật, chính sách gần hơn với nông dân để ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.