| Hotline: 0983.970.780

Những tín hiệu vui xuất khẩu nông sản ở Gia Lai

Thứ Ba 01/03/2022 , 08:45 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nông sản của tỉnh Gia Lai có nhiều tín hiệu lạc quan.

Những con số ấn tượng

Thời gian qua, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hưng Sơn (TP Pleiku, Gia Lai), đơn vị chuyên trồng và xuất khẩu chuối Nam Mỹ đã được những con số ấn tượng về xuất khẩu. Ông Nguyễn Quang Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Từ cuối năm 2020 đến nay, Công ty đã xuất khẩu được hơn 3.000 tấn chuối sang thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 50 tỷ đồng.

Đóng gói sản phẩm tại nhà máy chế biến rau củ quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm.

Đóng gói sản phẩm tại nhà máy chế biến rau củ quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm.

“Gia Lai có khí hậu ôn hòa, rất phù hợp để trồng chuối, theo đó chất lượng chuối rất ngon, được thị trường nhiều nước ưa chuộng. Công ty sẽ tiếp tục hợp tác với người dân để tạo vùng nguyên liệu có chất lượng phục vụ xuất khẩu”, ông Quang Anh cho biết.

Gia Lai có hai doanh nghiệp được Bộ NN-PTNT chọn xuất khẩu những lô hàng đầu tiên của Việt Nam sang EU ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Công ty Vĩnh Hiệp), chỉ mới hơn một tháng đầu năm 2022, đã xuất khẩu khoảng 13 tấn cà phê rang xay organic sang thị trường Trung Quốc, 6 tấn cà phê hòa tan sang Tây Ban Nha và 13 tấn cà phê organic hòa tan sang Hàn Quốc.

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp cho biết: “Cà phê Gia Lai ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm và đang chiếm nhiều cảm tình của các nước. Năm 2022, dự báo tình hình xuất khẩu nông sản nói chung, cà phê nói riêng sẽ khả quan hơn so với mọi năm, Chúng tôi phấn đấu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ đạt 250 triệu USD, tăng 40% so với năm 2021”.

Nhóm các sản phẩm rau quả của Gia Lai tiếp tục ghi nhận những tín hiệu xuất khẩu tích cực trong những tháng đầu năm 2022. Ảnh: NNVN.

Nhóm các sản phẩm rau quả của Gia Lai tiếp tục ghi nhận những tín hiệu xuất khẩu tích cực trong những tháng đầu năm 2022. Ảnh: NNVN.

Còn với Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai, ngoài việc xuất khẩu các sản phẩm như dứa, xoài, chuối, thanh long NFC sang thị trường các nước, DOVECO Gia Lai cũng là doanh nghiệp được Bộ NN-PTNT chọn xuất khẩu những lô chanh dây đầu tiên của Việt Nam sang thị trường EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực với tổng sản lượng đạt gần 32.800 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 70 triệu USD.

Ông Đinh Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Công ty cho biết, thị trường xuất khẩu chủ yếu của doanh nghiệp là EU, Trung Quốc, Bắc Mỹ, trong đó thị trường EU chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai: Mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2022 của Gia Lai là 660 triệu USD, tăng 8,2% so với năm 2021. Một số doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh như Công ty Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty Cổ phần Chè Biển Hồ... đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, dưới sự tác động của Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT trong việc tạo điều kiện khai thác tối đa những ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do, tình hình xuất khẩu nông sản của Gia Lai năm 2022 chắc chắn sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra”.

Tận dụng tối đã lợi thế

Năm 2021, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tận dụng rất tốt các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) để đưa sản phẩm vào thị trường EU. Nhờ tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan quy định tại hiệp định nên kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đã đạt trên 172 triệu USD, tăng hơn 40% so với năm 2020, trong đó thị trường EU chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu.

Gia Lai đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản có lợi thế. Ảnh: NNVN.

Gia Lai đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản có lợi thế. Ảnh: NNVN.

Cùng với việc tận dụng tốt một số hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)..., nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nhiều nước trên thế giới. Hiện toàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tại thị trường của gần 40 quốc gia, trong đó, các quốc gia thuộc Châu Âu chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Mới đây, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 10 mã số vùng trồng chuối tại các huyện Chư Prông, Đak Đoa, Mang Yang và 13 cơ sở đóng gói các loại hoa quả tươi của Gia Lai được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Việc cấp mã số vùng trồng nhằm mục đích truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, tạo ra đúng yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng của nhà phân phối. Việc Trung Quốc phê duyệt các mã số vùng trồng được xem là sự công nhận về chất lượng đối với các sản phẩm hoa, quả tươi của Gia Lai. 

Gia Lai là tỉnh có tiềm năng rất lớn trong xuất khẩu nông sản với hơn 97.000 ha cà phê, sản lượng hơn 250.000 tấn/năm; 13.000 ha hồ tiêu, sản lượng hơn 47.000 tấn/năm; gần 80.000 ha cao su với sản lượng mủ khô hơn 117.000 tấn/năm; 78.000 ha sắn, sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn/năm và khoảng 18.000 ha trái cây các loại...

Gia Lai đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Ảnh: Đăng Lâm.

Gia Lai đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Ảnh: Đăng Lâm.

Một số loại cây như cà phê, điều, cao su, sắn, chè... đã hình thành liên kết sản xuất, có tỷ lệ chế biến cao, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm qua chế biến, phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.

Một trong những yếu tố giúp xuất khẩu nông sản của Gia Lai khởi sắc trong thời gian qua, đó là các doanh nghiệp đang dần đẩy mạnh tiếp cận các sàn thương mại điện tử quốc tế để tìm kiếm khách hàng. Ông Phạm Trung Thành, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai cho biết, Công ty chuyên xuất khẩu cà phê, hạt điều, hạt tiêu. Thời gian qua, Công ty đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử quốc tế Alibaba.

“Các nước đều muốn tất cả sản phẩm vào thị trường họ phải đúng nghĩa “xanh”, tức là sản phẩm được kiểm soát tốt dư lượng chất cấm, có truy xuất nguồn gốc, quan tâm tới vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu cũng như tuyệt đối không sử dụng lao động trẻ em... Hiện Công ty Vĩnh Hiệp đang đẩy mạnh xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo “xanh”. Công ty liên kết với 28 hợp tác xã trên địa bàn 4 tỉnh Tây Nguyên để xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường xuất khẩu, trong đó riêng diện tích liên kết tại Gia Lai là 25.000 ha", ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp thông tin.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất