| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai tận dụng tối đa EVFTA

Thứ Ba 17/08/2021 , 12:48 (GMT+7)

Nếu 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản ở Gia Lai tăng trưởng cao, vượt xa con số cùng kỳ năm trước thì những tháng cuối năm phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Nâng hàng lên container tại Cty TNHH Vĩnh Hiệp, chuẩn bị đưa về cảng. Ảnh: Đăng Lâm. 

Nâng hàng lên container tại Cty TNHH Vĩnh Hiệp, chuẩn bị đưa về cảng. Ảnh: Đăng Lâm. 

Ấn tượng 6 tháng đầu năm

Gia Lai có hai doanh nghiệp được phép xuất khẩu hàng nông sản sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu- Việt Nam (EVFTA), đó là Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp.

Đây là hai doanh nghiệp thực hiện trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến nông sản theo tất cả những tiêu chuẩn khắt khe nhất mà thị trường châu Âu đưa ra. Theo đó, sản phẩm của hai doanh nghiệp này đã được thị trường EU nồng nhiệt tiếp nhận. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, cả hai doanh nghiệp này đều vượt trên 100% chỉ tiêu xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.

Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai, ông Đinh Gia Nghĩa, cho biết: Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, lượng hàng Công ty xuất khẩu bằng 125% so với cùng kỳ của năm 2020. Đạt được con số ấn tượng trên là nhờ vào sản phẩm của Công ty đảm bảo các yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu, theo đó gặp nhiều thuận lợi trong việc ký kết các hợp đồng với đối tác. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã chủ động tháo gỡ những khó khăn về tàu vận chuyển, về container…

Tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, đơn vị được phép xuất khẩu mặt hàng nông sản khô (cà phê và hồ tiêu) sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA, con số xuất khẩu 6 tháng đầu năm cũng hết sức ấn tượng. Giám đốc Công ty, ông Thái Như Hiệp cho biết: 6 tháng đầu năm 2021, Công ty xuất khẩu được 80.000 tấn cà phê, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2020.

Ruộng dứa của Doveco- Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm. 

Ruộng dứa của Doveco- Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm. 

Đánh giá về hoạt động xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, Đoàn Ngọc Có cho biết: “Xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh rất tốt. Cụ thể thời điểm trên, dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, theo đó việc tổ chức thu hoạch, thu mua và chế biến hết sức thuận lợi."

Với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu nông sản Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai đang có vùng nguyên liệu chanh leo khoảng 6.500ha. Những tháng đầu năm, đơn vị đã tổ chức tốt việc thu mua sản phẩm chanh leo cho bà con nông dân. Việc tổ chức chế biến tại nhà máy cũng gặp thuận lợi do khi đó dịch chưa bùng phát mạnh  nên lực lượng công nhân lao động tại nhà máy luôn đảm bảo.

Vấn đề xuất khẩu cũng gặp thuận lợi bởi đơn vị này xuất hàng qua 2 cảng là Quy Nhơn và Đà Nẵng- cả hai địa phương đều đang khống chế tốt dịch Covid-19.

Cuối năm đối mặt khó khăn

Hoạt động xuất khẩu hàng nông sản của Gia Lai gặp khó ngay từ đầu tháng 7, khi mà dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại. Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cho biết: Ngay từ đầu tháng 7, khi mà dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của đơn vị.

“Lượng hàng xuất khẩu của đơn vị chủ yếu thông qua các cảng lớn ở phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, trong khi dịch xảy ra đã làm cho các hãng tàu và Container- vốn đã khó gặp nhau, giờ càng khó hơn. Bên cạnh đó, nhân viên đi giao nhận, làm chứng từ và đội ngũ lái xe cũng gặp khó khi đi từ vùng dịch về, buộc phải cách ly theo Chỉ thị 16 của Chính phủ”, ông Hiệp chia sẻ.

Cũng theo ông Hiệp thì, hiện Công ty đang tồn khoảng 20.000 tấn sản phẩm gồm cà phê và hồ tiêu chưa xuất khẩu được, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các nước phải thực hiện các biện pháp chống dịch. Ngoài ra còn do thiếu tàu, thiếu container, thiếu xe vận chuyển, thiếu nhân công…

“Hiện các khu công nghiệp lớn có Chi nhánh của Công ty như Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh gần như bị tê liệt do dịch bệnh. Do vậy, việc xuất khẩu hàng của Công ty đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Theo đó, chi phí đầu vào tăng cao do hàng tồn kho không xuất được, phải thuê kho bãi để chứa hàng, rồi chi phí nhân công…”, ông Hiệp nói.

Giống chanh leo đầu dòng DG1 của Doveco- Gia Lai tạo nên những vườn cây trĩu quả. Ảnh: Tuấn Anh. 

Giống chanh leo đầu dòng DG1 của Doveco- Gia Lai tạo nên những vườn cây trĩu quả. Ảnh: Tuấn Anh. 

Còn ở Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai, nếu 6 tháng đầu năm gặp nhiều thuận lợi, lượng hàng xuất khẩu tăng mạnh thì thời điểm này, đơn vị đang phải đối mặt  với muôn vàn khó khăn. Giám đốc Công ty- ông Đinh Gia Nghĩa, cho biết: “Hiện tại, nguồn nguyên liệu của Công ty dồi dào, nhưng  công nhân thì lại thiếu. Bình thường cần đến khoảng sáu trăm công nhân làm việc tại nhà máy mới hoạt động hết công suất. Còn hiện tại, chỉ còn khoảng ba trăm công nhân đang làm việc tại nhà máy, do phải thực hiện nghiêm lệnh giãn cách”.

Tháo gỡ những khó khăn trên, ông Nghĩa cho biết: Chỉ còn cách thực hiện nghiêm khẩu hiệu “5K” và Chỉ thị 16 của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, đơn vị cũng đã chủ động xây dựng kịch bản, cụ thể phải đảm bảo an toàn cho người lao động bằng cách thực hiện giãn cách, chia ca để công nhân làm việc an toàn, đồng thời có biện pháp hỗ trợ cho người lao động trong khi dịch đang diễn biến phức tạp.

Ở Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, ông Thái Như Hiệp cho biết: Trước tiên phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ. Tại các nhà máy và khu chế biến, phải chủ động chia ca để thực hiện giãn cách. “Mục tiêu là phải duy trì sản xuất, nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Hơn lúc nào hết, lúc này doanh nghiệp và người lao động phải gắn bó với nhau hơn, cùng nhau chia sẻ khó khăn vượt qua cơn đại dịch”- ông Hiệp chia sẻ.

Về phía địa phương, tỉnh cũng đã kịp thời nắm bắt và chỉ đạo các sở ngành, các địa phương chủ động đưa ra phương án thích hợp, nhằm giúp doanh nghiệp, giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn, đảm bảo tốt hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Bằng mọi giá, phải tìm ra biện pháp hiệu quả nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp, cũng là tạo điều kiện cho bà con nông dân trong việc thu hoạch và tiêu thụ nông sản, tránh tổn thất lớn cho người dân.

“Hiện tại, hệ thống kho bãi của các đơn vị đang đảm bảo để dự trữ hàng tồn. Tuy nhiên, hệ thống chế biến trên địa bàn tỉnh phải khắc phục khó khăn, tăng cường hoạt động một cách an toàn để đảm bảo thu mua và chế biến hết nông sản cho nông dân”, ông Đoàn Ngọc Có nhấn mạnh.  

Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm ở Gia Lai diễn ra hết sức ấn tượng. Riêng về xuất khẩu, kim ngạch 6 tháng đầu năm ước đạt 315 triệu USD (đạt 51,64% kế hoạch, tăng 25,84% so với cùng kỳ năm 2020). Kim ngạch xuất khẩu tăng do giá nông sản xuất khẩu và khối lượng mặt hàng xuất khẩu tăng, chủ yếu là các sản phẩm tiêu, cao su, cà phê và trái cây. Ngoài ra, còn do nguồn cung tại một số quốc gia tương đồng về sản phẩm với Việt Nam bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong khi thời điểm này, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, theo đó sản xuất và hoạt động xuất khẩu không bị đình trệ. Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp định EVFTA tạo điều kiện duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu tương đối thuận lợi.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.