| Hotline: 0983.970.780

Những tình huống dở khóc dở cười khi phụ nữ đi làm nghề GrabBike

Thứ Sáu 22/12/2017 , 14:30 (GMT+7)

Ở ngoài “thế giới thực”, số lượng phụ nữ khoác những chiếc áo xanh Grab chở khách, chạy trên đường phố Hà Nội cũng ngày một nhiều hơn. Tại những nơi công cộng như cổng trường học, cổng bệnh viện, cổng khách sạn… những nhóm nữ GrabBike đã đứng với nhau...

Chỉ sau khoảng 5 năm, thời điểm Grab đổ bộ vào Việt Nam, số lượng tài xế xe ôm công nghệ tăng chóng mặt. Từ những người thất nghiệp, người chạy xe ôm, dân lao động lao vào GrabBike, bây giờ đến cả những nhân viên văn phòng, công chức nhà nước rồi cả rất nhiều phụ nữ lao vào cái nghề vốn tưởng chỉ dành cho cánh đàn ông.

01-25-50_gr2
Ngày càng có nhiều phụ nữ làm nghề chạy GrabBike

Lướt một vòng trên mạng xã hội Facebook, gõ phần tìm kiếm cụm từ “nữ GrabBike” có thể ra rất nhiều kết quả các nhóm, hội phụ nữ làm nghề chạy xe ôm công nghệ. Từ nhóm sinh viên, nhóm dân lao động, nhóm đồng hương các tỉnh cho đến cả những nhóm dân văn phòng, nhóm công chức chạy GrabBike… Có cảm giác rằng, đây là thời buổi mà dường như bất cứ lúc nào các chị, các mẹ, các cô cũng có thể trở thành nữ tài xế GrabBike vậy.
 

Khi phụ nữ đi làm xe ôm

Lớn nhất, quy mô nhất, nhiều hoạt động nhất là Hội phụ nữ GrabBike Hà Nội. Theo thống kê hiển thị, hiện “nhóm kín” này đang có khoảng gần 200 thành viên chính thức. Nhưng thực tế, những thành viên diễn đàn tính toán, những buổi offline, những hoạt động của họ có số lượng “liễu yếu đào tơ” làm tài xế xe ôm công nghệ ở Thủ đô tham gia ít nhất cũng xấp xỉ 1.000 người.

Họ - những thành viên của hội xuất thân từ đủ thành phần. Có người là xe ôm chuyên nghiệp, có người là dân lao động làm thêm, có người là công nhân, sinh viên, lại có cả dân văn phòng, công chức nhà nước đăng ký trở thành “bác tài” để tranh thủ lúc hết giờ nơi công sở… Chính vì vậy, gọi là Hội phụ nữ Grabbike Hà Nội, nhưng đa số họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau, chủ yếu là dân tỉnh lẻ, đã kinh qua đủ thứ nghề trước khi chọn màu áo xanh của Grab để mưu sinh.

“Thủ tục đơn giản, công việc đều đặn mà thu nhập được quảng cáo khá so với mặt bằng chung”, đó là cách lý giải của nhiều người trước hiện tượng ngày càng nhiều “bóng hồng” trở thành tài xế GrabBike.

Dân trong nghề chia sẻ, để trở thành đối tác của “công ty nước ngoài, được đi đây đi đó” như cách nói hài hước đang thịnh hành, chỉ cần một xe máy, một chiếc điện thoại thông minh và ở độ tuổi quy định. Tất nhiên cũng phải trải qua một lớp đào tạo của công ty, nhưng việc “sát hạch” thường rất qua loa. Phía Grab không ràng buộc đối tác bằng hợp đồng lao động, ngược lại, công ty cũng không cung cấp những quyền lợi mà người lao động được hưởng như bảo hiểm lao động, bảo hiểm thất nghiệp…

Ở ngoài “thế giới thực”, số lượng phụ nữ khoác những chiếc áo xanh Grab chở khách, chạy trên đường phố Hà Nội cũng ngày một nhiều hơn. Tại những nơi công cộng như cổng trường học, cổng bệnh viện, cổng khách sạn… những nhóm nữ GrabBike đã đứng với nhau thay vì đơn lẻ như những ngày đầu.

Nhưng đằng sau sự đơn giản, đằng sau mức thu nhập được quảng cáo là hấp dẫn là những nhọc nhằn, những góc khuất mà chỉ người trong nghề mới thấm.

01-25-50_gr3
Ngày càng có nhiều phụ nữ làm nghề chạy GrabBike

Để hiểu rõ hơn về công việc của những người phụ nữ làm nghề chạy Grabbike, tôi cầm điện thoại đặt xe và không khó khi có thể chọn những chuyến xe mà “bác tài” là nữ vì toàn bộ thông tin về độ tuổi, giới tính đều hiện rõ trên điện thoại.

Phạm Hồng Ngọc (23 tuổi, quê ở Hà Nam) sinh viên trường Đại học Nội vụ bây giờ đã là tài xế GrabBike có thâm niên ở khu vực chợ Nhà Xanh, ngày ngày đón trả khách đến nỗi mọi ngóc ngách Hà Nội gần như thuộc làu. Ngọc kể rằng, số lượng phụ nữ làm nghề chạy xe ôm GrabBike ở Hà Nội ngày một đông lên.

“Hai ba năm trước, khi bọn em mới đi làm thì còn ít, chỉ dăm bảy chục người. Một năm trở lại nay, những buổi offline, những buổi họp của công ty, số phụ nữ tăng lên nhiều lắm. Đặc biệt là sinh viên, đang học, ra trường chưa xin được việc làm đều rủ nhau chạy GrabBike. Rồi cả các cô, các chị dân lao động, thậm chí nhiều chị làm văn phòng hẳn hỏi vẫn đăng ký làm kiếm thêm thu nhập. Em có bà chị cùng quê, làm ở văn phòng của một công ty bảo hiểm. Ngày nào đi làm cũng bỏ bộ quần áo trong cốp xe, cứ hết giờ hành chính lại khoác áo xanh Grab vào đi chở khách, “ăn” bằng được dăm ba cuốc xong mới chịu về nhà”.

Ngọc cũng kể rằng, cánh đàn bà con gái chạy GrabBike có đủ thành phần nhưng chủ yếu tập trung vào 3 nhóm. Nhóm phụ nữ làm những công việc lao động chân tay chuyển sang chạy xe ôm chuyên nghiệp, nhóm người có công việc tương đối ổn định làm thêm để tăng thu nhập và nhóm sinh viên.

Bình quân mỗi ngày cô gái này chạy khoảng 30 cuốc. Cuốc dài bù cuốc ngắn, thu nhập tầm 300 - 400 nghìn đồng.

“Nói chung là tính tổng thu nhập cũng ổn, nhưng chi phí xăng xe cũng tốn nhiều. Đàn ông còn vất vả huống chi là mình. Trước mắt chưa tìm được công việc thì cứ làm để đỡ đần giúp bố mẹ ở quê anh ạ. Hồi mới đi làm, khách hàng nào cũng ngạc nhiên mỗi khi em nhận cuốc hết. Nhiều khách thấy mình nhỏ con, lại là phụ nữ nên họ bảo em ngồi dịch ra sau rồi cầm lái luôn. Cả chuyện đi làm nghề này, bố mẹ, bạn bè đều ngăn cản. Thiếu gì việc nhẹ nhàng không làm lại chọn nghề xe ôm cho khó nhọc, sáng tối phơi mặt ngoài đường. Nhưng dần dần cũng quen. Bạn bè em là con gái chạy GrabBike giờ cũng đông lắm. Tất nhiên là tạm thời vì chưa tìm được công việc phù hợp thôi anh ạ”.

Đang chuyện thì Ngọc có khách. Cuốc xe này, ngồi phía sau cô gái là một người đàn ông tầm trung tuổi có thân hình to cao gần gấp đôi tài xế. “Chạy GrabBike một thời gian, chân yếu tay mềm cũng thành “quái xế” cả anh ơi. Có những cô 50 - 60 tuổi vẫn lao ầm ầm không thua gì thanh niên cả”, cô sinh viên quê Hà Nam nói giọng cười cười.
 

Những tình huống dở khóc dở cười

Sau khi tạo thành cơn sốt thu hút số người tham gia cực lớn, thế giới GrabBike ngày càng bộc lộ thêm những vấn đề phức tạp, như cướp bóc, nghiện hút… Và với thế giới của GrabBike nữ lại càng nhiều chuyện bi hài.

Trên chuyến xe của “bác tài” Nguyễn Thị Hòa, 26 tuổi, quê ở Cẩm Khê (Phú Thọ) chạy từ hồ Hoàn Kiếm về khu Văn Quán (Hà Đông), Hòa kể, cả 2 vợ chồng đều ở nông thôn lên và đều là dân lao động, làm đủ thứ nghề nhưng vẫn trầy trật nên chuyển sang chạy xe ôm GrabBike từ hơn một năm nay.

01-25-50_gg1
Nữ GrabBike Nguyễn Thị Hòa

Một ngày làm việc của Hòa bắt đầu từ khá sớm bằng việc mở ứng dụng Grab Driver để nhận khách và những cuốc xe có thể kéo dài đến khuya nếu còn sức lực để chạy. Cơ cực đã đành, nhưng Hòa bảo, phụ nữ chạy GrabBike sợ nhất là những tình huống “ngoài chuyên môn”.

Mệt nhất là gặp mấy ông khách say với mấy ông người nước ngoài. Chở những người say đảm bảo an toàn đã khó, đôi khi họ lại có những hành động này nọ, phức tạp lắm. Còn với những người khách nước ngoài, đa phần nữ GrabBike là lao động nông thôn, không có điều kiện học ngoại ngữ nên khi gặp khách nước ngoài… không đỡ nổi.

Hòa kể: Có hôm em chở một ông khách Tây, chắc cũng xêm xêm tuổi em thôi. Dọc đường đi “nó” cứ “phát ngôn” tiếng Tây còn em “phát ngôn” tiếng Việt, chả hiểu cái chết tiệt gì. Cũng say chuyện lắm nhưng mỗi người nói một kiểu, thỉnh thoảng còn phải dừng xe ra hiệu.

Buồn cười nhất là lúc kết thúc chuyến đi. Cuốc xe có giá 15 nghìn đồng, anh ta đưa tờ 20 nghìn rồi cứ nhìn em chằm chằm mà bảo “phờ ri”. Em cũng hiểu là ý anh ta cho em 5 nghìn đồng, nhưng lúc cảm ơn xong đang định quay xe đi thì anh ta cứ “ê ê” rồi nói “ai lớp diu”. Câu này em cũng hiểu, nhưng thấy anh ta có vẻ cũng say say nên em “mắng” cho một trận: Ông bị thần kinh à. Yêu đương cái gì, đi lên nhà đi. Chắc anh ta không hiểu gì vì vẫn cứ thấy đứng nhìn em cười. Chỉ tổ xấu hổ với mấy ông bảo bảo vệ chung cư. Họ trêu em: Người ta nói yêu kìa. Đáp lại đi chứ.

Lại còn cả mấy ông khách Việt, say đã đành, đến nhiều ông tỉnh cũng gây phiền phức. Hôm nọ đây, có ông khách đặt xe từ Ngã Tư Sở lên Giảng Võ. Ông ta cũng cứng tuổi rồi. Dọc đường chú cháu chuyện trò say sưa, hỏi han hoàn cảnh, công việc này nọ. Gần đến nơi ông ta ông ta đặt vấn đề: Hay là hôm nay em nghỉ làm đi, vào đây với anh, hôm nay anh trả tiền công cho em gấp ba. Em sợ quá, thả khách xong phóng chạy quên cả lấy tiền cuốc xe.

"Để đón được khách, số điện thoại và một số thông tin cơ bản của lái xe phải hiện trên ứng dụng đặt xe của hãng. Nhiều ông khách đi xe ôm xong, có số điện thoại, thỉnh thoảng lại nhắn tin gạ gẫm luôn tài xế’’, Hòa vừa nói vừa cười.

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Lễ hội quế lớn nhất nước giới thiệu hơn 50 sản phẩm từ quế

Yên Bái Ngày 5/1, huyện Văn Yên tổ chức Lễ hội quế lần thứ 5 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm quảng bá, giới thiệu vùng quế lớn nhất cả nước.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%, vé phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.