Gốc của những câu chuyện đó là văn hóa ứng xử lệch lạc.
Lời lẽ văn bản trong quyết định xử phạt của Cục Hàng không Việt Nam ghi: “Vietjet đã tổ chức sự kiện chúc mừng đội bóng và không xin phép Cục Hàng không Việt Nam. Việc tổ chức sự kiện trên chuyến bay VJ7269 của Vietjet mặc dù không làm mất an toàn chuyến bay nhưng có thể gây uy hiếp an toàn”.
Sự kiện xảy ra gây chướng tai, gai mắt trong việc tiếp đón đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam |
Văn bản ghi thế, nhưng thực chất của vấn đề là ở việc lãnh đạo hãng hàng không Vietjet đã tổ chức một toán gồm những người mẫu ăn mặc hở hang đi lại trên máy bay, rồi chụp ảnh chung và có những cử chỉ không phù hợp với các cầu thủ, thành viên đội tuyển, gây phản cảm. Thực tế, đó là văn hóa “thu lợi” khi lợi dụng hình ảnh đội tuyển bằng thứ văn hóa suồng sã.
Cũng trong buổi đón đội tuyển U23 Việt Nam, có một thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã đứng ở vị trí không hợp lý trên tầng 2 của xe bus chở đội tuyển, khi đây là điểm nhìn để hàng chục vạn người dân tung hô chào đón đội tuyển.
Và việc giáo viên tiếng Anh Daniel Hauer đã có một trạng thái trên mạng xã hội facebook và bình luận mang tính xúc phạm khi bình luận khiếm nhã, “đụng chạm” trực tiếp đến những nhân vật được coi là biểu tượng của Việt Nam như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trong chủ đề bàn luận liên quan đến sự kiện chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam, đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Đó đều là những chuyện không vui, sinh ra từ văn hóa ứng xử.
Văn hóa ứng xử không phải thuần là học thức, mà lớn hơn, nó là ở sự nhận thức, ở động cơ, mục đích trong sáng, không vụ lợi.
Ở vụ giáo viên tiếng Anh Daniel Hauer, có thể là sự khác biệt văn hóa. Daniel đã sống ở Việt Nam, làm việc với người Việt chừng 5 năm, đã lấy vợ người Việt Nam và sinh con ở Việt Nam, nhưng vẫn vướng vào cái nhiều người cho là “sốc” văn hóa. Nhưng nếu nhìn nhận rộng hơn, thì đây là hành vi vi phạm luật pháp Việt Nam theo Nghị định 174 của Chính phủ quy định tại điểm C, khoản 5, Điều 65, đối với hành vi xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc. Anh sống trên đất Việt Nam mà không tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, thì là sai rõ rồi.
Trong câu chuyện đón tiếp đội tuyển U23, thì lại từ khía cạnh khác. Nó là việc lễ nghĩa “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Theo lẽ thường, khi chúng ta nhìn vào một sự kiện,thì những nhân vật tạo ra sự kiện đó phải là những nhân vật trung tâm, nổi bật nhất. Nay, không phải là đón tiếp khách bên ngoài, đối tượng để vinh danh thì là đội tuyển U23 Việt Nam, vậy thì các thành viên đội tuyển cần được đứng ở vị trí trung tâm, phải đứng trước, chứ?
Chuyện các “bậc trên” không “dính” trực tiếp vào sự kiện, cố loi choi lên đứng trước, là những hình ảnh không đẹp. Nó thể hiện thứ văn hóa xấu xí.