| Hotline: 0983.970.780

Niềm hạnh phúc của người dân tộc thiểu số miền rẻo cao Bình Liêu

Chủ Nhật 13/11/2022 , 19:22 (GMT+7)

QUẢNG NINH Bình Liêu là huyện có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng, mang bản sắc riêng mà ít nơi có được.

Những khúc ca giữa núi rừng

Bản Cao Sơn, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu nằm ở độ cao khoảng vài trăm mét so với mực nước biển, nơi có công viên hoa giữa thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, điểm xuyết bởi ruộng bậc thang xanh mướt. Trong bức tranh thiên nhiên đầy thi vị ấy còn có sắc đỏ sặc sỡ từ trang phục đặc trưng của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. 

Dừng chân ở bản Cao Sơn, tôi hít một hơi thật sâu để tận hưởng không khí trong lành nơi đây. Anh Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc HTX Hoa Bình Liêu, hồ hởi ra chào đón. Anh nói: “Tối nay chú ở đây, anh cho chú thưởng thức một nét văn hóa dân dã nhưng không kém phần thi vị”. Câu nói của anh khiến tôi vừa tò mò xen lẫn hào hứng.

Khách du lịch được thưởng thức làn điệu Pả Dung bên bếp lửa. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Khách du lịch được thưởng thức làn điệu Pả Dung bên bếp lửa. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Lúc này, trời đã xẩm tối, không khí xung quanh trở nên yên ắng, tĩnh mịch. Anh Hải khệ nệ mang từng thanh củi lớn ra nhóm lửa, tôi vội vàng chạy tới giúp.

Khi củi cũng hòm hòm đủ dùng, anh em tôi ngồi xuống phiến đá nghỉ ngơi. Anh Hải nói: “Lát có bà con người Dao qua chơi, có mang theo rượu thịt, chú chuẩn bị tinh thần không say không về nhé”. Tôi liền đáp: “Tối anh cho em ngủ lại là được, chứ ở nơi đẹp như thế này, em không muốn về đâu”. Anh Hải cười khà khà, ra vẻ khoái chí lắm.

Anh Hải là người Hạ Long, lên đây thành lập HTX và làm nghề trồng hoa cũng là vì niềm đam mê với nông nghiệp. Anh chia sẻ rằng, để tìm một địa điểm ưng ý, anh đã đi hầu hết các huyện, xã ở Quảng Ninh, nhưng khi đặt chân đến bản Cao Sơn, anh bị mê đắm bởi vẻ đẹp nơi đây. “Không khí trong lành, mát mẻ không kém gì ở Đà Lạt nhưng lại có sự hùng vĩ của núi non, sông nước đã thuyết phục anh lập nghiệp ở đây”, anh Hải bộc bạch.

Nhâm nhi chén trà, tôi liền hỏi: “Sau mấy năm xa nhà, anh cảm thấy như nào khi sinh sống ở vùng đất sơn thủy hữu tình này?”. Anh Hải không mảy may suy nghĩ mà trả lời rằng, vất vả nhưng cũng vui. Mà vui là thấy hạnh phúc. Đặc biệt, khi được tiếp xúc với những con người đang làm việc cùng mình, cảm nhận được sự hạnh phúc của người dân bản địa, của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã lan tỏa, “đồng hóa” anh luôn rồi.

“Có thể nói, người dân nơi đây không có nhu cầu nhiều. Nôm na là nhu cầu của họ tối giản, không tham sân si, không bon chen, vồn vã. Họ hài lòng với những gì đang có. Ở đây, dân có rừng quế, rừng hồi, rồi trồng lúa, nuôi gà. Thu nhập ổn định nên ngoài những lúc lao động vất vả, họ cũng biết cách tận hưởng cuộc sống”.

Anh Hải vừa nói dứt câu, từ đằng xa đã vang tiếng bà con đang tay xách nách mang rượu thịt đến với chúng tôi. Hôm nay, trời khá quang mây, ánh trăng vằng vặc như soi rõ từng ngọn cỏ, cành hoa, len lỏi trong những tán rừng xanh thăm thẳm.

Bên bếp lửa bập bùng, chúng tôi cùng nhau nâng chén rượu được chính bà con tự nấu từ những hạt gạo trồng được. Chén rượu nồng chất chứa sự tinh túy của đất trời và cả những giọt mồ hôi của bà con dân tộc nơi đây.

Giữa đất trời mênh mông rộng lớn, giữa núi rừng bạt ngàn của miền sơn cước, chúng tôi ngồi hát cho nhau nghe những làn điệu rất đỗi thân thuộc. Điệu hát Pả Dung là món ăn tinh thần của cộng đồng người Dao ở Bình Liêu. Làn điệu Pả Dung mang màu sắc trữ tình nhẹ nhàng, duyên dáng, có sức lôi cuốn mãnh liệt, gây xúc động lòng người.

Người dân tộc thiểu số ở Bình Liêu luôn thân thiện, mến khách. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân tộc thiểu số ở Bình Liêu luôn thân thiện, mến khách. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chủ đề trong khúc hát Pả Dung phong phú về nội dung như ca ngợi về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, truyền thống đạo đức, đồng thời cũng phê phán những thói hư, tật xấu, các tệ nạn xã hội trái với thuần phong mỹ tục.

Thông qua làn điệu dân tộc ấy, các thế hệ đồng bào người Dao vừa truyền tải được nội dung cần thiết tới người nghe, vừa phát huy được vốn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tôi như cuốn theo giọng hát mộc mạc, chân chất ấy, tay chân tôi dần mất kiểm soát mà đung đưa theo từng nhịp ca, từng giai điệu, đôi mắt nhắm nghiền để cảm nhận, thứ âm thanh trong trẻo đó.

Trong ánh lửa hồng, những gương mặt chai sạn, đen rạm đi vì nắng mưa, như đang rạng rỡ hơn. Tiếng hát ngân nga giữa thiên nhiên, núi rừng miền rẻo cao, mang đến sự thư thái, nhẹ nhàng cho tâm hồn mỗi con người.

Sau mỗi buổi tối thảnh thơi bên bếp lửa hồng, ngày hôm sau, bà con lại bắt tay vào làm việc. Trong công việc đồng áng hay những lần thu hoạch hoa hồi, hoa sở, họ giúp nhau làm mọi việc mà không mảy may suy tính điều gì, không quá quan trọng vật chất, tiền bạc. Thay vào đó, họ mời nhau ăn uống, mời nhau chén rượu ấm nồng, đượm mùi lúa thơm.

Họ cười nói, chia sẻ với nhau về cuộc sống, để gần gũi và hiểu nhau hơn. Mặc dù là khách từ nơi xa đến đây, nhưng tôi thấy giữa con người với con người, dường như không còn khoảng cách, không còn sự xa lạ.

Trái bóng tròn hạnh phúc

Trước đây, tôi cứ nghĩ người phụ nữ dân tộc thiểu số chỉ có làm đồng xong rồi về nội trợ, cơm nước hoặc may vá thêu thùa. Nhưng khi đến với Bình Liêu, tôi được chứng kiến phụ nữ dân tộc Sán Chỉ ra sân đá bóng. Điều mà tôi cứ ngỡ chỉ thấy qua màn ảnh nhỏ, trong các trận cầu của đội tuyển nữ quốc gia.

Sau mỗi buổi làm đồng vất vả, chị Mảy Thị Kim (xã Húc Động, Bình Liêu) lại mau chóng trở về ngôi nhà thân thuộc. Cất nông cụ gọn gàng vào một góc, việc làm đầu tiên của chị là xách đôi giầy đã sờn vải ra lau chùi tỉ mẩn. Tiếp đó, chị lại kiểm tra quả bóng da cũ nằm ngay ngắn trên giá, xem đã căng hay còn non hơi để chuẩn bị cho buổi tập bóng chiều nay.

Khi những giọt mồ hôi lao động vẫn còn lăn trên vầng trán, thấm ướt chiếc khăn vấn đầu, người phụ nữ dân tộc Sán Chỉ vẫn nở nụ cười tươi tắn. Có lẽ vì chị đã yêu môn thể thao này từ lúc nào không hay.

Trước khi ra sân, chị không quên dặn chồng đợi chị đi tập về rồi nấu cơm. Đứng dưới hiên bếp đã nhuốm màu thời gian, người chồng vẫy tay chào vợ, không quên dặn chị yên tâm tập luyện, việc nấu ăn cứ để anh lo.

Các trận bóng đá nữ của phụ nữ dân tộc Sán Chỉ ở Bình Liêu luôn đông đảo khán giả cổ vũ. Ảnh: Nguyễn Thành.  

Các trận bóng đá nữ của phụ nữ dân tộc Sán Chỉ ở Bình Liêu luôn đông đảo khán giả cổ vũ. Ảnh: Nguyễn Thành.  

Khi được tôi hỏi về việc chị đi đá bóng thế này thì chồng có phàn nàn gì không? Chị đáp lời, chồng chị cũng là người đam mê đá bóng như chị, nên khi biết vợ có chung sở thích thì anh vui lắm, đồng ý cả hai tay. Vừa nói, chị vừa nở nụ cười tươi rói.

Theo chân chị ra sân vận động của xã Húc Động để tập luyện, hiện hữu trước mắt tôi là những bộ trang phục truyền thống của người Sán Chỉ với áo xanh, váy đen và khăn vấn. Ai cũng hồ hởi, vừa khởi động vừa trò chuyện với nhau. Tiếng cười nói vui vẻ, rộn ràng cả sân bóng vùng rẻo cao.

Xã Húc Động hiện có tới 6 đội bóng đá nữ. Những đội bóng này có đủ các lứa tuổi, thành phần, từ các bạn thiếu niên tới các chị phụ nữ đã ngoài 30, một nách hai con cũng nhiệt tình tham gia.

Thế nên, tôi không khó để bắt gặp trong trận bóng, hình ảnh các anh chồng bế con đứng ngoài đường pitch để xem vợ đá bóng, chốc chốc lại vỗ tay, hò reo cổ vũ cho các nữ cầu thủ trên sân. Nụ cười, đôi mắt mỗi người dân nơi đây đều ánh lên niềm vui, như xua tan đi mệt mỏi sau những giờ làm việc vất vả.

Mặc dù xuất phát là một phong trào thể thao địa phương, có chuyên môn chưa cao  nhưng đổi lại, sự máu lửa trong từng pha bóng lại có thừa.

Thật vậy, có chị đá bóng rơi cả vấn tóc, tuột cả giày vẫn hì hục chạy phăm phăm theo trái bóng tròn khiến ai cũng cười như nắc nẻ, những cũng không quên dành tặng những tràng pháo tay động viên giòn giã. Kết thúc mỗi trận đấu, dù thắng hay thua, những cái bắt tay, những chiếc ôm thân thiện luôn hiện hữu.  

Anh Trần A Tám, huấn luyện viên trưởng của đội bóng đá nữ xã Húc Động chia sẻ, có những hôm trời mưa cũng không ngăn được trận đấu diễn ra, không khí trên sân, tiếng hò reo lúc nào cũng tuyệt vời, không kém gì “nhà hát của những giấc mơ”.

Kết thúc trận bóng, chị Kim lại tức tốc trở về với gia đình. Nơi chồng con đang chờ chị bên mâm cơm nóng hổi. Chị mời tôi cùng dùng bữa với gia đình. Bữa ăn đơn giản, không cầu kỳ nhưng thể hiện sự hiếu khách của người dân tộc miền rẻo cao Bình Liêu.

Trong căn nhà nhỏ nhưng tôi thấy đầy đủ tiện nghi với tivi, tủ lạnh, máy giặt phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Chị Kim vui vẻ nói, trước đây, cứ sau bữa cơm tối là nhiều nhà tắt đèn đi ngủ sớm, nhưng hiện tại đời sống đã được nâng nên, người dân có thêm các nhu cầu giải trí và cũng để mở mang thêm kiến thức, nâng cao hiểu biết về cuộc sống xung quanh nhiều hơn.

Với mục tiêu từng bước đưa hoạt động du lịch vào chiều sâu, có chất lượng, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn riêng có, Bình Liêu đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch phục hồi, kích cầu du lịch triển khai trong năm 2022.

Theo đó, huyện tiếp tục tổ chức các hoạt động kích cầu gắn với các lễ hội, ngày hội trong năm như lễ hội đình Lục Nà (ngày 16, 17 tháng Giêng), hội Soóng Cọ (ngày 16/3 âm lịch), hội Kiêng gió (ngày 4/4 âm lịch), hoạt động Tuần Văn hoá - Du lịch năm 2022 (hội Mùa vàng, hội Hoa sở...) nhằm khai thác và phát huy tối đa thế mạnh du lịch vào mùa thu đông.

Xem thêm
Trung ương thống nhất cao phương án kiện toàn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.