Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Ninh Bình năm 2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình năm 2024, ngày 28/3, đại diện Sở NN-PTNT Ninh Bình cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố hướng dẫn những chủ thể tham gia và tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo quy định. Trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa, sản phẩm làng nghề...
Kết quả, năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức đánh giá phân hạng cho 83 sản phẩm, trong đó đánh giá mới 80 sản phẩm và đánh giá lại 3 sản phẩm. Lũy kế đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 181 sản phẩm được công nhận (111 sản phẩm 3 sao, 70 sản phẩm 4 sao).
Trên cơ sở đó, trong năm 2024, cơ quan chuyên môn sẽ tăng cường hỗ trợ, tư vấn cho các chủ thể có sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP về xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói, tem nhãn; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo nhóm sản phẩm; xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống quản lý, áp dụng chuyển đổi số trong đánh giá, phân hạng và quản lý, giám sát sản phẩm OCOP đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, hướng dẫn các chủ thể tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử...
Toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Bên cạnh đó, phấn đấu có ít nhất 1 làng nghề có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Phát triển từ 1-3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển làng nghề, dịch vụ, du lịch.