| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận cải tạo đàn giống và phát triển chuỗi liên kết

Thứ Sáu 11/09/2020 , 07:20 (GMT+7)

Cải tạo đàn giống năng suất, chất lượng cao, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi đang được ngành nông nghiệp Ninh Thuận triển khai nhằm tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Cừu là sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận, hiện chiếm 98% đàn cừu cả nước. Ảnh: Minh Hậu.

Cừu là sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận, hiện chiếm 98% đàn cừu cả nước. Ảnh: Minh Hậu.

Cải tạo đàn giống có năng suất, chất lượng cao

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, ngành chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Hiện nay tổng đàn gia súc của tỉnh ước đạt 480 ngàn con, đàn gia cầm 1.789.000 con.

Đặc biệt tỉnh Ninh Thuận có đàn dê, cừu lớn nhất nước, tổng đàn dê là 130.000 con, đứng thứ 7 cả nước, cừu có 138.000 con, chiếm trên 98% đàn cừu cả nước. Dê, cừu là 2 trong 12 sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận, đã được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Cừu Ninh Thuận” và nhãn hiệu “Dê Ninh Thuận”.

Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi Ninh Thuận cho biết, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững tỉnh đang rà soát, xây dựng vùng cấm chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh, trong đó tập trung vào các đối tượng nuôi chính là bò, dê, cừu và heo.

Theo ông Trí, do đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp để lấy đất phục vụ các dự án kinh tế khác, do đó việc chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh nông hộ sang chăn nuôi tập trung, từ quy mô hộ sang quy mô trang trại sẽ phù hợp với điều hiện nay của tỉnh.

Đồng thời tăng cường kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hoang mạc hóa do chăn nuôi và cải tạo đàn hướng thịt là những vấn đề ngành chăn nuôi của Ninh Thuận đang triển khai.

Việc cải tạo giống theo hướng tăng tỷ lệ giống tiến bộ, có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị trường thời gian qua được tỉnh Ninh Thuận triển khai đạt nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay Ninh Thuận đã tập trung cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, sử dụng tinh bò đực giống Brahman, Sind. Đến năm 2019 đã đạt 43% tổng đàn, phấn đấu năm 2020 đạt 50%.

Nhờ vậy, chất lượng bò lai có tầm vóc lớn, bê lai sơ sinh trung bình đạt 22,5kg/con và tốc độ phát triển cao hơn bò địa phương, giá bán một con bò lai cao hơn 1,5 lần so với bò địa phương cùng tuổi, góp phần quan trọng vào việc tăng sản lượng, sản phẩm ngành chăn nuôi.

Đặc biệt, việc cải tạo đàn dê, cừu là hết sức cấp thiết bởi tình trạng đồng huyết đã xảy ra trong một thời gian dài. Do vậy, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã tiến hành hoán đổi dê, cừu đực giống giữa các hộ chăn nuôi, giữa các địa phương với nhau nhằm tránh nguy cơ đồng huyết.

Đồng thời lai tạo giống dê, cừu địa phương với giống dê, cừu ngoại như cừu Dorper, cừu White Suffolk, dê Boer, dê Alpine nhằm đa dạng hóa nguồn gien, góp phần nâng cao chất lượng đàn dê, cừu địa phương.

Đến hết năm 2020, dự kiến có 90% đàn cừu của tỉnh Ninh Thuận được lai tạo giống. Ảnh: Minh Hậu.

Đến hết năm 2020, dự kiến có 90% đàn cừu của tỉnh Ninh Thuận được lai tạo giống. Ảnh: Minh Hậu.

“Tỷ lệ lai tạo giống đã đạt 85% trong năm 2019 và dự kiến đạt 90% trong năm nay so với tổng đàn dê, cừu. Do đồng cỏ bị thu hẹp nên mô hình chăn nuôi phổ biến tại Ninh Thuận là bán chăn thả, hạn chế phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên, đồng thời giảm dần về quy mô đàn, nhưng dần nâng cao chất lượng sản phẩm dê, cừu”, ông Trương Khắc Trí cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Trí, quy mô chăn nuôi heo trang trại đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ đã chuyển dần ra ngoài khu dân cư, chuyển sang chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, loại hình kinh tế trang trại.

Đến nay, trên 70% đàn heo của Ninh Thuận được nuôi tại các trang trại. Giống heo cũng được nâng cao nhờ sử dụng tinh các giống heo ngoại siêu nạc như Yorkshire, Duroc, Landrace, Pietrain  bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đã tạo ra heo thịt 3 máu có trọng lượng lớn, tỷ lệ nạc cao, đến nay đạt trên 90% tổng đàn, rút ngắn thời gian chăn nuôi xuống còn 3- 5 tháng/lứa nuôi.

Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

Ông Đặng Kim Cương cho biết: Để nâng cao giá trị ngành chăn nuôi, thời gian qua ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, đặc biệt tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp cùng tham gia gắn với thương hiệu sản phẩm.

Với thế mạnh là dê, cừu, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung xây dựng chuỗi giá trị dê, cừu thịt. Theo ông Cương, việc xây dựng chuỗi giá trị rất phù hợp với tập quán canh tác chăn nuôi của bà con nông dân và mang lại hiệu quả cao.

Trong chuỗi giá trị này, thương lái, chủ cơ sở giết mổ sẽ cung cấp dê giống ban đầu cho mỗi hộ từ 15-25 con dê, cừu với trọng lượng 10-15 kg/con theo giá thị trường và sẽ tính lãi 1-2%/tháng.

Sau thời gian nuôi, thương lái, chủ cơ sở giết mổ sẽ thu mua lại dê cừu của người chăn nuôi khi xuất bán theo giá thị trường và thanh toán tiền sau khi trừ cả vốn lẫn lãi.

Theo hình thức này, người chăn nuôi chỉ phải đầu tư chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y, sau thời gian nuôi 4 -5 tháng, trọng lượng bình quân 35 kg/con, người nuôi sẽ lãi 0,6-1,2 triệu đồng/con. So với cách làm truyền thống, cách làm này hiệu quả hơn, dễ quản lý, thời gian nuôi rút ngắn, dê tăng trọng nhanh, ít dịch bệnh, tận dụng nguồn phân để bón cỏ, cây trồng và bán đi gia tăng thêm thu nhập.

Ninh Thuận đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết nhằm nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi. Ảnh: Minh Hậu.

Ninh Thuận đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết nhằm nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi. Ảnh: Minh Hậu.

“Chuỗi liên kết dê, cừu tại Ninh Thuận hiện đã có 3 cơ sở giết mổ và thương lái dê, cừu tham gia đầu tư kết nối với các hộ chăn nuôi. Hiện Sở NN-PTNT Ninh Thuận đang triển khai cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm dê, cừu cho cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín và cấp 10.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm dê cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để triển khai sử dụng thí điểm trên địa bàn tỉnh”, ông Đặng Kim Cương cho biết.

Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi heo thịt, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 39 trang trại chăn nuôi heo thịt gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP, Công ty CJ Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận (liên kết với Công ty CP), với số lượng khoảng 37.830 con, tỷ lệ lai heo ngoại đạt trên 90%.

Tham gia vào chuỗi này người dân chỉ phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như chuồng trại, điện, nước, công lao động... Công ty CP sẽ đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật cho trang trại chăn nuôi heo. Đến giai đoạn heo xuất chuồng, Công ty CP sẽ bao tiêu sản phẩm cho người nuôi. Người nuôi chỉ hưởng công chăm sóc, do vậy khả năng thua lỗ thấp.

Tỉnh Ninh Thuận cũng có 03 trại chăn nuôi heo nái sinh sản gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP, Công ty CJ áp dụng công nghệ trại lạnh, với quy mô 7.800 con nái, cơ bản đáp ứng được nguồn giống phục vụ chăn nuôi trong tỉnh.

Ngoài ra, Ninh Thuận đã xây dựng được 2 chuỗi giá trị bò, đây là chuỗi giá trị thế mạnh phù hợp với tập quán canh tác chăn nuôi của bà con, hiệu quả bền vững.

Tham gia chuỗi này có hộ kinh doanh Lê Thành Tâm đã nâng cấp, mở rộng khu giết mổ và hợp tác phát triển chuỗi giá trị. Ngoài ra, Công ty TNHH Dịch vụ- Thương mại Hồng Loan hợp tác phát triển chuỗi giá trị trâu, bò với số lượng hàng chục ngàn con mỗi năm.

Đối với gia cầm, Ninh Thuận đã xây dựng được hàng chục chuỗi giá trị, giúp nâng cao thu nhập và đảm bảo đầu ra cho người dân.

Kết quả triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Ninh Thuận giai đoạn 2017 – 2020 đã giúp quy mô đàn gia súc, gia cầm tăng ổn định 6,1%/năm, tổng đàn gia súc ước đạt 480 ngàn con, vượt 0,15% kế hoạch.

Chất lượng đàn ngày càng được cải thiện thông qua công tác lai tạo giống mới; sản lượng thịt hơi các loại giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6,4%. Công tác chuyển giao kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh đạt hiệu quả cao; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi giai đoạn này đạt 2,2%.

Từ những kết quả trong lĩnh vực chăn đạt được thời gian qua, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã định hướng phát triển đến năm 2025. Theo đó, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi bò, dê, cừu; ổn định đàn heo và gia cầm, theo hướng dần nâng cao chất lượng, sử dụng giống mới năng suất cao, tỷ lệ Sind hóa đàn bò đạt 50%; đàn dê, cừu lai giống mới đạt 90%, tỷ lệ nạc hóa đàn heo 90%.

Từng bước chuyển từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi tập trung, gắn với thu hút đầu tư của doanh nghiệp và chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng cạn, cỏ chăn nuôi chất lượng cao, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, chuyên canh, an toàn dịch bệnh, tổ chức chăn nuôi khép kín các khâu trong chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.