| Hotline: 0983.970.780

Thị trường là kim chỉ nam tái cơ cấu chăn nuôi

Thứ Sáu 26/05/2017 , 13:15 (GMT+7)

Thị trường là trung tâm, kim chỉ nam xuyên suốt quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi, mọi chính sách, giải pháp kỹ thuật, quy hoạch trong thời gian tới tập trung xoay quanh khâu thị trường, đó là quan điểm được Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương chia sẻ với NNVN.

17-30-50_20170525_115927
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương


Hướng đến xuất khẩu

Thưa ông, nhân câu chuyện khủng hoảng giá lợn hiện nay cũng như ngành chăn nuôi đang gấp rút tiến hành tái cơ cấu giai đoạn hai, vậy quan điểm của chúng ta chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa hay cả hướng đến xuất khẩu?

Trước tiên, ngành chăn nuôi xác định phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và nhất định phải xuất khẩu được các sản phẩm chăn nuôi đi các nước. Câu chuyện xuất khẩu ở đây không chỉ là ngoại tệ về cho đất nước mà quan trọng hơn là việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động nông thôn. Nói gì thì nói, hiện chúng ta có tới 3 triệu hộ chăn nuôi lợn, gần 7 triệu hộ chăn nuôi gia cầm không thể một sớm một chiều chuyển đổi họ sang làm các công việc khác được.

Nhưng trước khi nói đến chuyện xuất khẩu, các sản phẩm chăn nuôi của chúng ta phải đảm bảo thật tốt về chất lượng, an toàn thực phẩm, trong đó đặc biệt là vấn đề kiểm soát chất cấm, lạm dụng hóa chất và kháng sinh trong chăn nuôi. Thứ nữa là tập trung các biện pháp đưa giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam xuống thấp, ít nhất phải là thấp nhất trong khu vực. Lấy ví dụ chăn nuôi lợn, phải tiến tới hạ giá thành để làm sao người chăn nuôi bán với giá 35.000 - 38.000 đồng/kg hơi vẫn có lãi.

Vậy, ông có thể cho biết đâu là những thị trường được ngành chăn nuôi đặt mục tiêu định hướng sẽ xuất khẩu trong tương lai?

Thị trường đầu tiên chúng ta hướng tới là các nước xung quanh Việt Nam. Đó là Trung Quốc, ASEAN, các nước Đông Bắc Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc rồi tiếp đến là EU, Đông Âu và Trung Đông. Thực tế, hiện nay chúng ta đã xuất khẩu được một số sản phẩm như lợn sữa, lợn choai, trứng vịt muối, trứng chim cút sang các thị trường như: Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản và mật ong sang Mỹ, EU…

Trong tháng 6 tới đây có thể sẽ xuất khẩu được lô thịt gà và trứng gà đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Riêng thị trường Trung Quốc chúng ta đang gấp rút đàm phán để được mở chính ngạch đối với mặt hàng thịt lợn, về mặt chủ trương phía bạn cũng đã rất cởi mở, nhất trí cao về vấn đề này.
 

Phải hạ giá thành chăn nuôi

Nhưng thưa ông, có một thực tế phải thừa nhận là ngành chăn nuôi của chúng ta còn cách một quãng khá xa so với tốp trung bình của thế giới, vậy chúng ta có những giải pháp đồng bộ nào để trong tương lai sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đủ tiêu chuẩn cạnh tranh với các nước khác trên trường quốc tế?

Tôi khẳng định là giá thành các sản chăn nuôi của chúng ta đang còn có khoảng cánh khá xa với tốp nước chăn nuôi tiên tiến chứ không phải tốp trung bình. Để đạt được mục tiêu đề ra, trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo, ngành chăn nuôi cần tập trung một số vấn đề chính như sau:

Đầu tiên, cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch ngành chăn nuôi cả ở trung ương và địa phương qua việc tổng kết đánh giá điều chỉnh quy hoạch ngành theo Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16 tháng 1 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020. Trong đó, thay đổi lại cách tiếp cận phải gắn được các lợi thế về tiềm năng phát triển chăn nuôi trong nước với yếu tố thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu.

Tiếp theo là xây dựng các chính sách tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, phát huy tối đa vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp, hiệp hội và HTX. Đây chính là vấn đề mấu chốt để kiểm soát được chất lượng, ATTP, chia sẻ lợi nhuận và cân đối cung cầu các sản phẩm chăn nuôi.

17-30-50_che-bien-thit-lon
Thị trường là định hướng trọng tâm xuyên suốt quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi thời gian tới

Để làm được vấn đề này, nhà nước phải tăng cường quản lý công tác giết mổ, hạn chế thấp nhất tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, tạo động lực thúc đẩy hoạt động giết mổ tập trung, công nghiệp, không nên hỗ trợ trực tiếp người chăn nuôi mà nên hỗ trợ thông qua các doanh nghiệp, hiệp hội và HTX.

Nhà nước cũng cần tăng cường hơn chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực chăn nuôi, những gì doanh nghiệp, người dân làm được nhà nước không nên làm để thiết lập được các ngành hàng và môi trường cạnh tranh phát triển.

Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi theo hướng quy định sản xuất chăn nuôi trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Qua đó, với các dự án đầu tư lớn vào chăn nuôi, khi thẩm định phê duyệt đầu tư, ngoài yêu cầu đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường còn phải chứng minh được tính khả thi về thị trường.

Một vấn đề rất quan trọng nữa, đó là giải pháp công nghệ. Phải ứng dụng nhiều hơn nữa công nghệ cao, công nghệ thông tin vào chăn nuôi để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị để từng bước nâng cao chất lượng, hạ giá thành. Do đó, việc đào tạo bài bản kỹ năng quản trị trang trại, quản trị doanh nghiệp chăn nuôi sắp tới là nhiệm vụ rất cần được chú ý để làm sao người chăn nuôi phải thực sự là những công nhân kỹ thuật, chứ không phải là nông dân chăn nuôi…

Thưa ông, vậy có thể hình dung được rằng, việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi trong thời gian tới khâu thị trường đóng vai trò vô cùng quan trọng?

Chính xác là như vậy! Theo tôi, khâu thị trường chúng ta phải đi trước vài ba năm. Trước khi xác định xuất khẩu sang nước nào chúng ta phải tìm hiểu trước thói quen, tập quán tiêu dùng, hàng rào kỹ thuật và cả các đối thủ cạnh tranh với mình để từ đó có định hướng chính xác nhất cho việc chăn nuôi trong nước.

Đúng là thực tế cuộc khủng hoảng giá lợn vừa qua cho thấy việc phối hợp giữa ngành nông nghiệp, công thương, ngoại giao trong việc đẩy mạnh xúc tiến tìm thị trường chưa được tốt. Theo tôi, là một nước xuất khẩu nông sản thì chúng ta cần có bộ phận chuyên đi tìm hiểu, kết nối, mở cửa thị trường cho nông sản, thực phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tại một số thị trường lớn, tiềm năng, nên có các tham tán nông nghiệp để cùng phối hợp với các tham tán thương mại giống như nhiều nước đang áp dụng.

Trong quá trình công tác tôi nhận thấy các nước phát triển, nhất là Mỹ họ có đội ngũ tham tán nông nghiệp và thương mại rất sát sao. Khi Cục Chăn nuôi chỉ xây dựng một văn bản cấp thông tư thôi họ cũng cử người làm việc để nắm chi tiết xem thông tư đó có gây bất lợi gì cho hàng hóa của họ hay không, rồi tại sao lại đưa ra quy định này quy định kia… và tôi cho rằng, chúng ta cũng nên phát triển thị trường thông qua hệ thống tham tán chuyên nghiệp cho từng lĩnh vực như vậy.

Xin cảm ơn ông!

Đi kèm với các chính sách phát triển chăn nuôi, phải rất chú ý đến công tác thú y, nhất là vấn đề xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở an toàn dịch bệnh, phải tự túc được phần lớn các loại vacxin trong nước và khuyến khích mạnh các doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để vừa đa dạng hóa sản phẩm, vừa thuận tiện trong khâu bảo quản, tiêu thụ sản phẩm trong nước, nhất là cho nhu cầu xuất khẩu. Không nước nào họ muốn đồng ý cho mình bán vào nước họ cả con lợn sống cả.

(Ông Nguyễn Xuân Dương)

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.