| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận xây dựng kịch bản ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

Thứ Tư 19/07/2023 , 14:03 (GMT+7)

Ninh Thuận là vùng đất khô nóng, thời điểm này dù lượng nước khá dồi dào, nhưng do El Nino đã xuất hiện nên ngành chức năng đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó.

Xây dựng kịch bản hạn hán, xâm nhập mặn

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, tính đến giữa tháng 7/2023, tổng dung tích trữ của 22 hồ chứa nước trên địa bàn Ninh Thuận hiện còn hơn 290/414 triệu m3. Trong đó, lượng nước chứa tại hồ thủy điện Đơn Dương (Lâm Đồng) phát điện qua Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và cung cấp nước tưới cho tỉnh Ninh Thuận đạt 82/165 triệu m3.

Mặc dù nguồn nước khá dồi dào ở các hồ thủy lợi lớn nhưng tỉnh Ninh Thuận không chủ quan mà đã xây dựng kịch bản ứng phó với khô hạn thời gian tới. Ảnh: M.P.

Mặc dù nguồn nước khá dồi dào ở các hồ thủy lợi lớn nhưng tỉnh Ninh Thuận không chủ quan mà đã xây dựng kịch bản ứng phó với khô hạn thời gian tới. Ảnh: M.P.

Hiện một số hồ chứa nước nhỏ trên địa bàn Ninh Thuận có nguy cơ cạn kiệt như hồ Tà Ranh, Bầu Zôn, CK7, Suối Lớn, Bầu Ngứ, Ông Kinh… Dòng chảy một số sông suối nhỏ xa đầu nguồn có hiện tượng giảm lưu lượng, có nguy cơ thiếu nước trong thời gian tới, ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của cây trồng trên địa bàn.

Trước tình hình hạn hán có khả năng xảy ra và được dự báo sẽ kéo dài, nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Ninh Thuận có nguy cơ phải dừng sản xuất.

Ông Đặng Kim Cương cũng cho biết, trong tháng 8 và tháng 9, nếu không có mưa thì sẽ có khoảng 2.100 hộ dân với gần 8.500 nhân khẩu ở các khu vực huyện Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Sơn có khả năng thiếu nước sinh hoạt.

Các địa phương ở Ninh Thuận chịu tác động trực tiếp bởi hạn hán là các xã Phước Hữu, Phước Thái, Phước Vinh, Phước Hải và An Hải (huyện Ninh Phước); các xã Thanh Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải, Tri Hải thuộc khu vực ảnh hưởng vùng Cây Ké, Bà Hãn ( huyện Ninh Hải); các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn, Nhơn Sơn, Lâm Sơn, Mỹ Sơn và Ma Nới (huyện Ninh Sơn); các xã Phước Kháng, Phước Chiến và Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc). Riêng huyện Bác Ái và huyện Thuận Nam bị ảnh hưởng toàn địa bàn.

Đến giữa tháng 7/2023, hồ Tân Mỹ còn 166/219 triệu m3 nước, thời gian qua công trình này đã phát huy hiệu quả cung cấp nước cho sản xuất ở nhiều địa phương. Ảnh: M.P.

Đến giữa tháng 7/2023, hồ Tân Mỹ còn 166/219 triệu m3 nước, thời gian qua công trình này đã phát huy hiệu quả cung cấp nước cho sản xuất ở nhiều địa phương. Ảnh: M.P.

“Các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm sẽ có nhiều khu vực bị xâm nhập mặn. Lượng nước trong các hồ chứa hao hụt nhanh, dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới trong thời gian tới là rất lớn. Nguồn nước cho sản xuất vụ hè thu 2023 chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước hồ Đơn Dương xả qua Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và các hồ chứa nước trên địa bàn.

Ngoài sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, tình hình hạn hán kéo dài sẽ gây thiếu điện, thiếu nước ngọt phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ khác như du lịch, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho hay.

Nhiều giải pháp chống hạn

Ứng phó với hạn hán trong năm 2023, Ninh Thuận quyết tâm không để xảy ra nạn thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; tập trung chuyển đổi cây trồng nhằm tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc.

Theo ông Đặng Kim Cương, tỉnh ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước phục vụ cho chăn nuôi, nước tưới cho các cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao. Khuyến cáo người dân không sản xuất lúa ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước. Sử dụng kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn hán phải đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình, quy định.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác trong quý III/2023.

Thời gian qua, ngoài chuyển đổi mạnh cây trồng thì tỉnh Ninh Thuận đã ứng dụng tưới tiết kiệm để sử dụng hiệu quả nguồn nước. Ảnh: M.H.

Thời gian qua, ngoài chuyển đổi mạnh cây trồng thì tỉnh Ninh Thuận đã ứng dụng tưới tiết kiệm để sử dụng hiệu quả nguồn nước. Ảnh: M.H.

Tăng cường quản lý, tổ chức vận hành có hiệu quả các hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và các công trình cấp nước khác do Trung tâm quản lý. Thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước, đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn theo quy định để cung cấp cho nhân dân sinh hoạt.

Thường xuyên kiểm tra các hạng mục công trình và trang thiết bị, máy móc của các hệ thống cấp nước; khi phát hiện có sự cố, hư hỏng, phải kịp thời khắc phục, sửa chữa ngay, không để tình trạng thất thoát, lãng phí nước. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh phải chủ động bơm nước để cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Trong trường hợp hạn hán kéo dài, Ninh Thuận sẽ chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống các loại bệnh thường xảy ra trên người, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt trong nhân dân trước, trong và sau hạn hán.

Xem thêm
Ngày 17/1 trở thành Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.