| Hotline: 0983.970.780

Níu kéo & hành chính trong nghiên cứu khoa học - ai cần thay đổi?

Thứ Năm 15/07/2021 , 10:00 (GMT+7)

Những cản trở, níu kéo, bẫy hành chính đó đến từ đâu? Theo tôi đến từ một số quy định hiện hành và đến từ cả chính những nhà khoa học...

Ao lưu giữ cá giống, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1. Ảnh: Tùng Đinh.

Ao lưu giữ cá giống, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong thư ngỏ Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi các nhà khoa học đang công tác trong các cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên ngành thuộc Bộ NN-PTNT nhận xét còn những điều nặng lòng, những cái bẫy hành chính níu kéo khả năng của mỗi con người trong nghiên cứu khoa học công nghệ. 

Những cản trở, níu kéo, bẫy hành chính đó đến từ đâu? Theo tôi đến từ một số quy định hiện hành về quản lý nghiên cứu khoa học công nghệ và đến từ cả chính những nhà khoa học và những người liên quan đến nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Níu kéo, hành chính từ quy định quản lý

Nghiên cứu khoa học công nghệ sử dụng vốn ngân sách đang được hình thành, thực hiện, quản lý theo đề tài, dự án. Mỗi đề tài thường thực hiện trong thời gian từ 2 đến 5 năm (phổ biến là 3 năm), với các mục tiêu, nội dung, phương pháp nghiên cứu, sản phẩm và kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các nhà khoa học có trách nhiệm thực hiện nghiên cứu theo thuyết minh, hợp đồng đã được phê duyệt, khi có nhu cầu thay đổi về nội dung, phương pháp, thậm chí địa điểm triển khai nghiên cứu, điều chỉnh kinh phí phải được cấp có thẩm quyền đồng ý.

Trong nghiên cứu khoa học nhiều khi một số kết quả nghiên cứu của chính đề tài và cập nhật thông tin mới liên quan từ các công bố mới trong và ngoài nước, từ trao đổi thông tin với đồng nghiệp, doanh nghiệp… mang đến cho các chủ nhiệm đề tài hiểu biết mới, do vậy việc điều chỉnh phương pháp, cách tiếp cận, nội dung nghiên cứu khi đó là cần thiết để nghiên cứu của đề tài mang lại kết quả, hiệu quả hơn. Thủ tục hành chính liên quan đến phê duyệt điều chỉnh đề tài đang làm nản lòng các nhà khoa học muốn đề tài được điều chỉnh, thay đổi. Thời gian chờ đợi được phê duyệt điều chỉnh đôi khi ảnh hưởng đến tiến độ đề tài, nhất là các nội dung nghiên cứu có tính mùa vụ. Thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi được phê duyệt thay đổi, điều chỉnh có lẽ đã góp phần có thêm những nhà nghiên cứu ngại đề xuất điều chỉnh thay đổi, có thêm những nhà khoa học chỉ thực hiện nghiên cứu theo phương pháp, nội dung đã xây dựng trong đề cương đã duyệt từ khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, ít sáng tạo.

Kiểm tra cá giống ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1. Ảnh: Tùng Đinh.

Kiểm tra cá giống ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1. Ảnh: Tùng Đinh.

Cần thay đổi cơ chế để các nhà khoa học được chủ động hơn khi cần thiết điều chỉnh phương pháp, nội dung và kinh phí trong khuôn khổ đề tài đã được phê duyệt để bớt mất thời gian vì các thủ tục hành chính, tập trung cho hoạt động nghiên cứu như các nhà khoa học nước ngoài, được nhiều chủ động trong điều chỉnh nghiên cứu và sử dụng kinh phí đề tài.

Ở nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế, kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học thường được quản theo tổng kinh phí phê duyệt cho những mục chi chính, gồm: tiền lương, nguyên vật liệu, đi lại và quản lý phí. Các nhà khoa học được chủ động chi tiêu, điều chỉnh chi cụ thể trong những khoản mục chính, chỉ khi nhu cầu chi vượt quá 15% kinh phí của mục chi chính được phê duyệt mới cần xin phê duyệt điều chỉnh.

(TS Phạm Anh Tuấn)

Thời gian thực hiện đề tài thường 3 năm, sau khi kết thúc phải được nghiệm thu, đánh giá mới tính đến đề xuất, xây dựng nhiệm vụ/đề tài nghiên cứu tiếp tục. Cách quản lý này phù hợp với nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp, nhất là các nghiên cứu chọn tạo giống mới cần thời gian khá dài mới có sản phẩm cho sản xuất.

Các nghiên cứu chọn tạo giống mới cần thời gian khá dài. Ảnh: Tùng Đinh.

Các nghiên cứu chọn tạo giống mới cần thời gian khá dài. Ảnh: Tùng Đinh.

Thời gian thực hiện đề tài ngắn, lại thường có 1-2 năm chờ đợi tiếp nối nghiên cứu. Cách quản lý này đưa lại những bất cập, khó khăn cho các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu về tài chính trong việc duy trì các vật liệu, sản phẩm nghiên cứu đã có, thậm chí có cả những xáo trộn thay đổi cán bộ do những lý do khách quan, lý do cá nhân khác nhau trong thời gian chờ đợi ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực nghiên cứu khi đề tài được tiếp tục. Với những đề tài nghiên cứu dạng này rất cần được thiết kế thực hiện với thời gian đủ dài, với các mục tiêu, sản phẩm theo từng giai đoạn 2-3 năm và giao/đặt hàng cho các nhà khoa học, các tổ chức có năng lực, tâm huyết. 

Điều chỉnh các quy định quản lý còn níu kéo, cản trở hoạt động nghiên cứu khoa học như nói ở trên chắc không hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Bộ NN-PTNT, nhất là vấn đề điều chỉnh kinh phí. Những quy định liên quan đến điều chỉnh nội dung, phương pháp nghiên cứu, thời gian thực hiện ở các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ nên được Bộ NN-PTNT thôn cân nhắc điều chỉnh, sửa đổi.

Xác định nhu cầu và tổ chức nghiên cứu

Các cá nhân, tổ chức có thể đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đăng ký thực hiện, các cơ quan quản lý ngành có thể đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu… Các bước, trình tự xác định đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đang được áp dụng là tiếp cận vừa khoa học vừa thực tiễn. Nhưng sao vẫn có những nghiên cứu chưa gắn với nhu cầu thực tế sản xuất, chưa nhiều các tổ chức không phải là các viện trường tham gia nghiên cứu khoa học? Lý giải cho những hạn chế này, có thể là: sự hạn chế về thông tin cập nhật, thiếu thực tế phát triển sản xuất là nguyên nhân chính một số nhà khoa học khi đề xuất nhiệm vụ và thực hiện nghiên cứu khoa học chưa gắn với sản xuất, hạn chế hiệu quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. 

Hiện nay, phần lớn các đề xuất nghiên cứu khoa học từ các nhà khoa học, các viện, trường, rất ít đề xuất nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ phát triển ngành từ các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này phản ánh sự chưa quan tâm đúng mức với công tác nghiên cứu khoa học và ở một số cơ quan quản lý có thể còn hạn chế về khả năng xác định vấn đề cần được nghiên cứu khoa học để hỗ trợ, phục vụ phát triển lĩnh vực. Các cơ quan quản lý từng lĩnh vực của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn nếu quan tâm hơn, chủ động đề xuất được các vấn đề cần nghiên cứu khoa học chắc chắn sẽ góp phần đưa nghiên cứu khoa học công nghệ đến gần với nhu cầu thực tiễn.

Các đề xuất, lựa chọn tham gia nghiên cứu khoa học của các doanh nghiệp thường xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của chính doanh nghiệp, của ngành hàng. Gần đây sự tham gia của các doanh nghiệp vào nghiên cứu khoa học công nghệ có nhiều hơn, nhưng số lượng cũng còn ít.

Nghiên cứu chạch chấu. Ảnh: Tùng Đinh.

Nghiên cứu chạch chấu. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài hạn chế của các doanh nghiệp về nguồn nhân lực và trang thiết bị nghiên cứu, các thủ tục hành chính trong quản lý khoa học cũng là một trong những nguyên nhân làm nản lòng các doanh nghiệp khi tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ.

Rất cần sự hợp tác xây dựng nhóm nghiên cứu thực sự giữa các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, các trường đại học với các doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học. Hợp tác từ xác định nhu cầu/đề tài, hợp tác xây dựng đề cương thuyết minh và cùng nhau triển khai nghiên cứu ở nơi thích hợp nhất.

Hợp tác như vậy giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp chắc chắn tiềm năng nghiên cứu khoa học được phát huy, nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu sản xuất, kết quả nghiên cứu trực tiếp phục vụ sản xuất, hiệu quả nghiên cứu khoa học sẽ rất cao.

Đã có một số đề tài khoa học công nghệ được tổ chức thực hiện với sự hợp tác như vậy, rất nên khuyến khích, áp dụng nhiều hơn trong nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Phấn đấu đạt tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng trên 70%

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Từ 25/11, các địa phương trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giám sát dịch bệnh thông qua việc lấy mẫu để kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đợt 2/2024.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.