Trước đây, việc học thêm qua internet là một điều xa xỉ đối với Xin Yu, một học sinh cấp hai ở huyện Qimen, tỉnh An Huy (Trung Quốc) bởi với mức thu nhập trung bình của gia đình là 2.000 nhân dân tệ (288 USD) mỗi tháng là điều không thể.
“Nhưng giờ đây, một lớp học chỉ phải trả 100 nhân dân tệ cho mỗi giờ là trong khả năng của gia đình", mẹ của Xin, một người trông coi siêu thị cho hay.
Và điều bất ngờ là sự bùng phát coronavirus đã tạo ra một cuộc cách mạng trong giáo dục, giúp cho bé Xin có thêm một “cửa sổ” để mở mang kiến thức khi có tới hơn 80 công ty kinh doanh giáo dục mời chào cung cấp các lớp học trực tuyến miễn phí.
Chỉ trong một thời gian ngắn, phương pháp dạy học trực tuyến đã nhanh chóng thâm nhập và đánh chiếm hầu như mọi ngõ ngách ở Trung Quốc. Đặc biệt là nó thu hút nhiều người có thu nhập trung bình ở các đô thị tham gia và thay đổi hoàn toàn thói quen học hành truyền thống của họ lâu nay.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, một loạt các ứng dụng giáo dục online như Xueersi và Yuanfudao đã mời chao và tiếp cận học sinh và các phụ huynh ở vùng nông thôn.
Em Xin đã thử đăng nhập một lớp học môn toán trên nền tảng Zuoyebang bởi đây làm môn học yếu nhất của mình. Ngoài ra, em còn tham gia một khóa học tiếng Anh trực tuyến trên trang VIPKid bởi em chưa bao giờ được học với các giáo viên nước ngoài.
"Đối với chúng tôi, mọi thứ thật siêu thực nhưng rất tuyệt vời. Lúc đầu, tôi đã lo lắng con sẽ không theo nổi vì các lớp học nâng cao này dành cho các học sinh viên khá giỏi nhưng thực tế là cháu có thể bắt kịp khá tốt", mẹ của Xin nói.
Gia đình cho biết hiện đang phải dè sẻn gói cước internet sử dụng điện thoại thông minh để dành dung lượng cho bé truy cập các lớp học trực tuyến.
Zhang Lijun, một cựu giáo chức và là đối tác của công ty Sinovation Ventures, doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm do nhà đầu tư nổi tiếng Kai-Fu Lee sáng lập nói: "Về lâu dài, việc nở rộ hình thức giáo dục trực tuyến là tất yếu so với lối giáo dục ngoại tuyến truyền thống và nó sẽ tiếp cận được nhiều học sinh hơn trên khắp lãnh thổ".
Các dữ liệu gần đây cho thấy, có khoảng 180 triệu học sinh tiểu học và trung học ở Trung Quốc nhưng có tới trên 73% đang sinh sống ở các đô thị từ cấp thứ ba đến cấp sáu và khu vực nông thôn. Hiện nhiều người trong số họ vẫn chưa thể truy cập vào các nền tảng tài nguyên giáo dục chất lượng cao.
“Nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng, tại nhiều khu vực thì môi trường học tập vẫn khá cứng nhắc nên kiểu những khóa học phù hợp với học sinh ở thành phố lớn có thể không phù hợp với những học sinh ở các đô thị nhỏ hơn. Do vậy chúng tôi đã nỗ lực hết sức để phát triển một hệ thống giảng dạy toàn diện sao cho học sinh cả nước đều có thể theo kịp các bài học trực tuyến", Zhang Mingzhe, giáo viên toán cấp hai trên nền tảng Zuoyebang nói.
Số liệu mới nhất của trang Zuoyebang cho thấy, kể từ năm 2014 ứng dụng này đã tích lũy được 800 triệu người dùng trên toàn quốc, với số người dùng hoạt động hàng tháng đang ở mức 170 triệu.