Kể từ khi “con ma” coronavirus xuất hiện lập tức đã khiến các nền kinh tế và thị trường chứng khoán chao đảo. Nguyên nhân là do tác động tiêu cực của nó đến niềm tin cộng đồng có thể sẽ còn tạo ra một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu.
“Các khoản nợ lớn trên quy mô toàn cầu của doanh nghiệp, hộ gia đình và chính phủ đang tăng nhanh một cách đáng ngại. Cho dù điều này phần lớn đều không được công bố”, chuyên gia Anthony Rowley nói với SCMP.
Sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 vừa qua tại Riyadh (Saudi Arab), Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, mức độ nợ công cao ở nhiều quốc gia và doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng từ những rủi ro bất ngờ hoặc sự thắt chặt các điều kiện tài chính.
Ông Rowley cho rằng, dù lời lẽ của người đứng đầu IMF mang đầy tính ngoại giao nhưng hàm ý về một cảnh báo rủi ro nợ nần là có thật. Và điều đó chẳng hề là một lời đe dọa suông bởi Học viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã đưa ra con số hơn 19 nghìn tỷ USD các khoản cho vay và trái phiếu hợp vốn sẽ đến hạn trong năm nay tại Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản (kể cả Mỹ).
“Nhịp độ các hoạt động kinh tế bị chựng lại đã buộc các nhà hoạch định chính sách tại châu Á phải đưa ra một giải pháp tình thế nhằm hạn chế những tác động bất lợi của coronavirus. Và điều này sẽ làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của các chủ thể và doanh nghiệp nhà nước trong khu vực”, một chuyên gia kinh tế cấp cao nói với The Post.
Theo IIF, các dữ liệu nợ chi tiết cho thấy nợ toàn cầu đã tăng 9 nghìn tỷ USD trong ba quý đầu năm 2019 và thậm chí nó dường như sẽ còn tăng nhanh hơn trong năm 2020 và đẩy mức nợ toàn cầu có thể đạt mức 257 nghìn tỷ USD ngay trong tháng 3 này.
Điều đáng lo ngại hơn là dòng nợ vẫn đang gia tăng ngay cả khi tăng trưởng kinh tế có tốc độ chậm nhất kể từ năm 2008-2009, càng khiến cho việc vay nợ dường như chỉ là để duy trì hoạt động hiện tại hơn là việc hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.
Nhu cầu vay nợ cao nhất là ở nhóm doanh nghiệp Hồng Kông, nơi có tỷ lệ tổng nợ của khối công ty trên GDP là 227%, mặc dù phần lớn những cái tên trong bảng danh sách này dường như đều đứng tên thay cho Trung Quốc đại lục. Hiện Trung Quốc là nước có tỷ lệ nợ công trên GDP rất cao: 157% và kế đến là Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực đồng euro. Với mức 74%, khu vực doanh nghiệp Mỹ ít dính nợ hơn nhưng điều đó cũng phản ánh một phần GDP khổng lồ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Về cấp độ nợ hộ gia đình ở châu Á, hiện Hàn Quốc đang ở mức cao nhất với các khoản vay tương đương 95% GDP và đang tiếp tục tăng, trong khi Hồng Kông xếp thứ hai với tỷ lệ 77% và Malaysia thứ ba với 68%.
Xét theo quy mô nợ chính phủ, hiện Nhật Bản đang dẫn đầu với tỷ lệ nợ công trên GDP là 226%, tiếp theo là Singapore (115%), thứ ba là Ấn Độ (68%) và Hồng Kông là 63%, trong khi Anh là 110% và Mỹ (102%).
“Một khi các chủ nợ nước ngoài hoặc trong nước bắt đầu “gọi tên” hoặc cắt giảm cho vay thời hậu coronavirus vốn đã bị suy giảm tăng trưởng và bết bát thì nhiều khả năng các thị trường mới nổi ở châu Á còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữa”, một tổ chức phân tích từ chối nêu tên cho biết.
Theo nhận định của IIF: Hiện tượng Trung Quốc đang là mối quan tâm đặc biệt, ít nhất là xét trên phương diện các con số khi tổng nợ cả ba khu vực chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình đang tiệm cận mức 310% GDP, trong khi năm ngoái các khoản vay chính phủ ở nước này cũng đã đạt tốc độ nhanh nhất trong vòng 10 năm.