| Hotline: 0983.970.780

Nỗi buồn cây phượng

Chủ Nhật 07/06/2020 , 08:12 (GMT+7)

Vụ việc cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) bị bật gốc gây thương vong cho nhiều học sinh của trường khiến ai cũng bàng hoàng, đau xót…

Phượng vĩ vốn là loại cây 'kinh điển' trong thơ ca nhạc họa, là biểu tượng một thời của tuổi học trò. Ảnh: Anh Vũ.

Phượng vĩ vốn là loại cây “kinh điển” trong thơ ca nhạc họa, là biểu tượng một thời của tuổi học trò. Ảnh: Anh Vũ.

Chết lặng với "hung tin" cây đổ

Trong con hẻm nhỏ nằm trên đường Trần Quang Diệu (Q.3, TP.HCM) những ngày qua bao trùm không khí tang thương, những tiếng nức nở xót xa dành cho em N.T.K (12 tuổi) - nam sinh lớp 6 bị cây đổ đè tử vong ở sân trường THCS Bạch Đằng. 

Gia đình cùng thầy cô, bạn bè trong trường lớp đã quặn lòng tiễn đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng. Cũng trong đám tang, có không ít lãnh đạo TP.HCM, người thân và cả người xa lạ đến viếng, tiễn biệt vì thương xót trước sự ra đi quá đột ngột, đau lòng của nam sinh ngoan hiền xấu số.

Điều đáng nói khi TP.HCM cũng như nhiều nơi trong cả nước vừa bước qua cơn đại dịch Covid-19, học sinh buộc phải nghỉ học dài ngày. Ấy vậy mà, khi niềm vui vừa trở lại với không khí trường lớp thì cũng là nỗi buồn lo mất an toàn ập đến sau một mùa giãn cách xã hội.

Những cơn mưa đầu mùa như trút nước về chiều và đêm, sáng ra, mọi con đường có cây xanh vẫn bình yên.

Thế nhưng, nửa buổi sáng tưởng yên bình ấy, bỗng cả thành phố lại bàng hoàng, tức tưởi khi nghe “hung tin” cây phượng đổ đè chết học sinh.

Với bất cứ ai trong buổi sáng chứng kiến sự cố đó cũng không giấu nổi đau xót đến bật khóc vì thương cậu học trò ngoan hiền bé nhỏ mới chỉ kịp ăn lót dạ đến trường thì tất cả sự háo hức của ngày mới bỗng đổ ập.

Các thầy cô giáo, học sinh trường Bạch Đằng từ đây chắc hẳn sẽ mang theo một ký ức buồn nơi góc sân trường cây phượng đổ gây ra cảnh tang thương đau đớn.

Trường THCS Bạch Đằng nơi xảy ra sự cố cây đổ dè chết học sinh. Ảnh: Minh Vương.

Trường THCS Bạch Đằng nơi xảy ra sự cố cây đổ dè chết học sinh. Ảnh: Minh Vương.

Nhiều bậc cha mẹ cũng không tránh khỏi nỗi lo sợ, hoang mang bỗng đâu một ngày nào đó lại có cây bàng, cây phượng nơi sân trường có thể rớt xuống nơi con mình đang đứng. Bởi sự bất trắc, tai ương bất ngờ ập xuống và tất cả vẫn còn ẩn khuất một hiểm họa không ai lường trước được.

Khi báo chí đưa tin về vụ việc cây phượng vĩ trong sân trường bật gốc, đè lên người khiến một học sinh bị tử vong, nhiều phụ huynh có con đang đi học ở các trường đã lập tức chia sẻ thông tin cho nhau biết.

Họ cùng góp ý thẳng thắn với nhà trường, nếu cần Hội phụ huynh sẵn sàng huy động đóng góp kinh phí để tiến hành rào chống cây gãy đổ, bảo đảm an toàn khi con em họ đến trường.

Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn cho rằng, trong khuôn viên các trường học vẫn có thể xảy ra nhiều tai nạn khác, không ai đoán trước được.

Cùng với đó, liên tiếp những ngày mưa vừa qua lại có thêm nhiều cây phượng, cây xanh cổ thụ khác bật gốc, gãy đổ càng khiến các bậc phụ huynh phát “sốt”. Tất cả đều đồng lòng kiến nghị nhà trường cần phải triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn chứ không thể chờ sự cố xảy ra mới bắt đầu…giải cứu!

Cần trang bị kỹ năng cho học sinh

Ngay sau vụ cây phượng bật gốc khiến học sinh tử vong, nhiều phụ huynh đã bày tỏ tâm trạng băn khoăn với KTGĐ khi bắt đầu vào mùa mưa. Không chỉ lo cây xanh trong trường mà còn nhiều nguy hiểm khác trên đường nếu đưa rước con em mình đúng ngay thời điểm mưa to, gió lớn.

Trong mùa mưa, nhiều tình huống tai nạn bất chợt có thể xảy ra với học sinh như sự cố cây đổ gây hậu quả nghiêm trong tại Trưởng THCS Bạch Đằng vừa qua. Ảnh: Minh Vương. 

Trong mùa mưa, nhiều tình huống tai nạn bất chợt có thể xảy ra với học sinh như sự cố cây đổ gây hậu quả nghiêm trong tại Trưởng THCS Bạch Đằng vừa qua. Ảnh: Minh Vương

Chị Bùi Thị Hoa, phụ huynh có con học ở một trường THCS ngoại thành TP.HCM tâm sự: “Mùa mưa đến rồi, tôi lo nhất là khi trời mưa lớn cháu lại cứ cố chạy xe về nhà rất nguy hiểm.

Tôi mong nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh cẩn thận khi đi đường, phải tránh xa miệng cống thoát nước khi mùa mưa đến”.

Nhất là trong mùa mưa, nhiều tình huống tai nạn bất chợt có thể xảy ra với học sinh. Chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng có thể bị đánh đổi bằng cả mạng sống.

Thực tế đã có nhiều trường hợp những học sinh bị thiệt mạng khi trên đường đến trường do bị rơi xuống hố ga hay thụt ống cống vì mưa ngập nước…Nếu không được căn dặn kỹ càng, các em khó có thể lường được nguy hiểm vào mùa mưa.

Vì vậy, ngoài việc giáo dục ý thức cho học sinh về an toàn giao thông, nhà trường và các bậc phụ huynh cần trang bị thêm kỹ năng sống cho các em.

Đặc biệt phải lường trước những tình huống tai nạn có thể xảy ra trong mùa mưa để giúp các em phòng tránh.

Phượng vĩ vốn là loại cây “kinh điển” trong thơ ca nhạc họa, là biểu tượng một thời của tuổi học trò. Tuy nhiên, sau sự cố vừa qua nhiều trường đã nhanh chóng đốn bỏ cây lớn, nhất là phượng vĩ khiến trong sân trường bỗng trở nên ngột ngạt vì thiếu bóng cây.

Nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc, tại sao phải chặt? Cây xanh không có tội, không nên nhìn nhận vấn đề một cách thiếu bao dung và sâu sắc. Đốn bỏ cây chỉ mất 1 tiếng đồng hồ, nhưng để trồng một cây lớn lên chừng đó phải mất cả đời người.

Các nhà khoa học cần phải vào cuộc để đưa ra những giải pháp lâu dài về việc trồng và phát triển cây xanh phù hợp với mỹ quan đô thị.Ảnh: Minh Vương

Các nhà khoa học cần phải vào cuộc để đưa ra những giải pháp lâu dài về việc trồng và phát triển cây xanh phù hợp với mỹ quan đô thị.Ảnh: Minh Vương

Trao đổi với PV KTGĐ, Ths.Nguyễn Trọng Ninh, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực cây xanh đô thị tại TP.HCM nhận định: “Điều đáng nói là khi cây đổ dẫn đến thương vong, đa số mọi người chỉ quan tâm đến việc tìm thủ phạm gây ra, rồi liên tưởng đến những điều tương tự, xong tìm cách tiêu diệt nó nhanh chóng.

Tuy nhiên, ít ai quan tâm tới cơ sở khoa học về sự sinh trưởng của cây cũng như cách thức chăm sóc và quản lý nó như thế nào?”.

Theo Ths.Ninh, đây là cơ sở để các nhà khoa học phải vào cuộc đưa ra những giải pháp lâu dài về việc trồng và phát triển cây xanh phù hợp với mỹ quan đô thị, chứ không chỉ chọn biện pháp trước mắt cứ đốn hạ cây mà không cần biết những loại cây đó đang ở tình trạng như thế nào.

“Vụ việc thương tâm vừa xảy ra khiến tâm trạng của bất cứ bậc phụ huynh nào cũng đều lo lắng và phải tự “điều tra” về độ an toàn ở nơi con cái mình học. Qua sự cố tai nạn rất đáng tiếc này cũng là hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn cho học sinh khi đang bắt đầu vào mùa mưa”, Ths.Nguyễn Trọng Ninh nói.

Từ Thủ đô Vienna, Áo, anh Lê Dũng đã cho biết:

Qua báo đài, nghe thông tin về sự cố tai nạn đổ cây gây hậu quả nghiêm trọng, tôi rất lấy làm tiếc. Để đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa bão, các nhà trường cần phải liên hệ với đơn vị chuyên môn về quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn để tiến hành kiểm tra tình trạng của cây thường xuyên hơn và kịp thời xử lý những cây có nguy cơ gãy đổ nhằm tránh sự cố tai nạn có thể xảy ra.

Tôi thấy, sự chăm sóc và quản lý cây xanh của Thủ đô Vienna (Áo), thành phố đáng sống nhất thế giới này, có hơn 2/3 diện tích cây xanh bao phủ quanh thành phố rất khoa học và chuyên sâu.

(Kiến thức gia đình số 23)

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.