Chỉ sau làng nghề Non Nước (Đà Nẵng), xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) là “lò” SX ra hàng ngàn cặp sư tử đá ngoại lai từ trên dưới chục năm nay. Toàn xã Ninh Vân có 1.600 hộ tham gia nghề chế tác đá, trong đó có 60 DN, 450 tổ hợp SX.
Vật vạ, phủ bụi
Đặt chân vào bất cứ làng nào của Ninh Vân cũng dễ dàng bắt gặp rất nhiều sư tử được chế tác từ các loại đá trắng, vàng, xanh. Sư tử lớn nhỏ nhe nanh, giơ vuốt xen lẫn với những đồ thờ, lăng mộ, bình phong... suốt dọc hai bên đường làng ngập tràn bụi đá.
Nhiều con sư tử bị bỏ vạ vật, phủ bụi nằm dài. Hàng chục cặp sư tử đã thành hình tuy được bày, nhưng cũng chẳng ai đoái hoài. Còn những con sư tử đang được tạc dở, mới thành khối cũng bị dừng lại.
Một số chủ SX các cơ sở chế tác đá ở Ninh Vân cho biết, đó là những con sư tử được làm từ lâu rồi, vì “ế”, không có người mua nên vẫn được để ngoài đó làm hàng quảng cáo.
Những tưởng việc ngừng SX sư tử đá “ngoại lai” vốn là một trong những mặt hàng bán chạy ở Ninh Vân sẽ khiến các cơ sở mỹ nghệ khốn đốn, nhưng đến giờ làm việc, những người thợ vẫn cặm cụi bên những khối đá, cưa xẻ, đẽo gọt để cho ra những sản phẩm đá mỹ nghệ khác đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ở Ninh Vân người ta không gọi là sư tử mà gọi con nghê (?!). Họ phân biệt bằng khái niệm nghê Tàu - nghê Việt. Khác với hình dung trước khi đến làng nghề chạm đá Ninh Vân, các chủ SX, DN kinh doanh sản phẩm chế tác từ đá ở đây rất mở lòng khi chúng tôi bắt đầu câu chuyện về những cặp sư tử đá ngoại lai đang được bày ngập hai bên đường làng.
Câu chuyện chọn mẫu linh vật thuần Việt được chúng tôi đặt ra đối với các nghệ nhân chế tác cũng như chủ DN ở Ninh Vân. Ông Nguyễn Quang Diệu phân trần: “Thực ra từ trước tới giờ chúng tôi vẫn chế tác linh vật nội, nhiều thợ tay nghề cao làm được cả rồng thời Lý, Trần và nhiều linh vật Việt cổ. Chúng tôi muốn các cơ quan chức năng có chiến dịch tuyên truyền để người dân hiểu và yêu linh vật Việt hơn. Chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu của khách hàng về cung cấp các linh vật nội”. |
Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, cho biết, từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ gia đình ở Ninh Vân đổi đời từ đá.
Trước đây, thế mạnh của làng là các sản phẩm đồ thờ, rồng, phượng, lăng mộ, bình phong...
Từ khoảng năm 2005, khi có “mốt” bày sư tử, hàng ngàn thợ từ lành nghề đến bán chuyên, từ dân làng đến dân ngụ cư tứ xứ đều đổ về đây, đồng loạt SX mặt hàng này.
Nhiều nhà giàu lên trông thấy. Năm 2013, tổng doanh thu từ sản phẩm chế tạo đá của toàn xã Ninh Vân chừng 180 tỉ đồng. Nhưng từ khi Bộ VH-TT&DL ra văn bản 2662 khuyến khích người dân sử dụng linh vật thuần Việt thì hàng trăm đôi sư tử ngoại lai đã trót ra đời đành bỏ đi.
"Những con đã SX rồi, không bán được thì để đó cho có hàng. Mỗi nhà cũng mất vài chục đến một vài trăm triệu đồng.
Nhưng so với tổng cơ cấu các mặt hàng của làng thì sản phẩm linh vật ngoại lai chỉ chiếm khoảng 10%. Thiệt hại kinh tế nếu so với làng nghề đá Non Nước ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng thì chả thấm vào đâu”, ông Diệu khẳng định.
Khách không đến lấy hàng
Để tận mắt chứng kiến những thay đổi, chúng tôi đã tìm đến cơ sở chế tác của anh Lương Văn Bảy, một trong những cơ sở chế tác lớn tại Ninh Vân với 12 thợ làm việc thường xuyên, tổng doanh thu luôn đạt hơn 4 tỉ đồng/năm.
Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân
Ông Huỳnh Chín, Trưởng BQL làng đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho biết công văn khuyến cáo của Bộ đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, công ăn việc làm ở làng đá mỹ nghệ Non Nước, bởi mặt hàng sư tử đá, kỳ lân, tỳ hưu đá chiếm đến 70% giá trị SX của bà con làng nghề. |
Theo anh Bảy, cơ sở của anh chế tác tổng hợp nhiều mặt hàng, linh vật ngoại lai chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu. “Khách hàng đặt đến đâu thì mình làm đến đó, thi thoảng cũng bán được vài ba đôi sư tử Trung Quốc, dịp cuối năm thì mẫu này nhiều đơn hàng hơn một chút nhưng cũng không đáng kể so với tổng số đơn hàng nên nếu có dừng thì cũng không ảnh hưởng nhiều lắm”.
Người chịu nhiều thiệt hại có lẽ là ông Trương Công Định, chủ cơ sở SX đá mỹ nghệ Định Hương có 15 năm làm nghề chế tác đá, trong đó có đến 10 năm chuyên làm sư tử đá. Ông tiếc nuối nhìn những khối đá lớn đang dần thành hình một đôi sư tử có giá ước đoán từ 45-50 triệu đồng nằm chỏng chơ.
Công việc chế tác linh vật ngoại lai của cơ sở Định Hương chiếm khoảng 70% đơn hàng. Từ khi văn bản 2662 ra đời, ông Định không nhận được một đơn đặt hàng nào về những mẫu này, thậm chí có những sản phẩm đã hoàn thiện, đến hẹn cũng không có người đến lấy.
“Ai chẳng xót của khi nhìn vào hàng trăm đôi sư tử xếp hàng từ đầu đến cuối làng, của một đống tiền như thế. Nhưng không thể nào khác được. Trước đây chúng tôi thiếu nhận thức, và cũng bị lợi nhuận kinh doanh cuốn hút. Giờ có lẽ là thời điểm thuận lợi nhất để các hộ làm nghề ở Ninh Vân chuyển hướng SX sang các mẫu linh vật Việt", ông Định chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy xã Ninh Vân Võ Mậu Lương cũng thừa nhận, nhìn thấy rõ một sự lãng phí tiền của, công sức nhưng Ninh Vân bây giờ không có lựa chọn khác ngoài việc tìm hướng đi mới.
“Chính quyền địa phương chưa có đủ thời gian để tính toán và định hướng phù hợp cho các hộ SX, kinh doanh chế tác đá. Từ khi có văn bản của Bộ VHTTDL, chúng tôi mới làm được một việc là vận động, tuyên truyền và giải thích cho các hộ kinh doanh, DN SX trong làng thôi. Nhìn chung là không quá khó khăn, dân Ninh Vân đều đồng thuận và sẵn sàng chuyển từ việc SX các mẫu tỳ hưu, sư tử ngoại lai sang các mặt hàng thuần Việt", ông Lương nói.