Khổ đau dồn dập
Ở thôn Thụ Ích, xã Liên Châu (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), ai cũng bảo vợ chồng anh Lỗ Văn Châu và chị Nguyễn Thị Miền (cùng sinh năm 1979) là cặp vợ chồng khổ nhất thế gian, sinh ra để nếm trải những tột cùng đau đớn.
Anh Lỗ Văn Châu bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam từ khi còn nhỏ. |
Anh Châu vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông. Ngay từ khi còn nhỏ, những di chứng của chất độc màu da cam khiến người đàn ông này không được bình thường. Anh vẫn có thể làm việc chỉ có điều không được khỏe mạnh, nhanh nhẹn như bao người khác. Người thường làm được 10 thì anh chỉ làm được 6.
Năm 23 tuổi, nhờ họ hàng mai mối, anh Châu đã nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Miền (ở xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc). “Hồi đó thật sự tôi cũng không có tình cảm với anh Châu, nhưng vì thấy anh chăm chỉ, tính lại thật thà nên tôi quyết định lấy”, chị Miền chia sẻ.
Cảm mến tấm chân tình cùng sự thật thà của anh Châu, chị Miền đón nhận tình cảm của người đàn ông mà nhiều người vẫn cho là “không bình thường”. Cuối năm 2002, một đám cưới nhỏ được tổ chức với sự chung vui của hai bên gia đình, hàng xóm. Cũng như bao cặp vợ chồng khác, sau một thời gian về chung sống, chị Miền mang thai. Nhưng vì cuộc sống nghèo khó, suốt thời gian mang thai, chị vẫn phải cáng đáng, phụ giúp chồng công việc đồng áng.
Mang thai đến tháng thứ 8, chị Miền bất ngờ xuất hiện nhiều cơn đau dữ dội. Người thân đưa chị đến bệnh viện để làm thủ tục đẻ mổ. Cháu bé chưa kịp chào đời thì bác sĩ kết luận đã tử vong trong bụng mẹ.
Vài năm sau, chị lần lượt mang bầu rồi hạ sinh được 2 người con (1 trai, 1 gái) là cháu Lỗ Thị Q. (12 tuổi) và cháu Lỗ Quang V. (9 tuổi). Hạnh phúc những tưởng đã đến với đôi vợ chồng nghèo khi cháu Q. và cháu V. sinh ra đều khoẻ mạnh, thông minh và rất ngoan ngoãn.
Thế nhưng một lần nữa trò đùa oan nghiệt của số phận đã không buông tha cho cặp vợ chồng nghèo khó này. Tháng 6/2016, ông trời đã cùng một lúc lấy đi tính mạng 2 người con của anh chị.
“Hôm đó, vợ chồng tôi đi làm, 2 chị em cháu ở nhà chơi với nhau ở gần khu vực bờ ao, 2 cháu đã không may rơi xuống ao tử vong”, chị Miền nhớ lại.
Ngày mất con, chị Miền đau buồn khóc hết nước mắt trong khi đó anh Châu ngồi thẫn thờ một góc không thể tin được việc 2 con đã cùng lúc bỏ vợ chồng anh ra đi.
Những tiếng kèn, trống hoà cùng với tiếng khóc thương ai oán cho số phận 2 đứa trẻ não nề vang lên nơi căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Châu. Không có ảnh chụp riêng, anh chị phải nhờ người tách bức ảnh chụp chung và phục dựng lại thành 2 bức di ảnh của con.
Đám tang 2 đứa trẻ diễn ra nhanh chóng. Nhìn bức hình 2 đứa bé bụ bẫm, đáng yêu dựng trên bàn thờ nghi ngút hương khói, không một ai là không rơi nước mắt. Sau đám tang, cứ mỗi lần nhìn lên bàn thờ với 2 bức di ảnh của con, chị Miền lại oà khóc. Người thân đành phải đưa bức ảnh xuống, gói giấy bóng nhiều lớp và cất vào tận sâu bên trong hộc tủ tránh những đau thương trong căn nhà nhỏ.
Một thời gian sau, chị Miền tiếp tục mang thai và hạ sinh một bé gái. Lần này cháu bé chỉ kịp sống 11 ngày rồi cũng bỏ bố mẹ ra đi mãi mãi vì căn bệnh tim bẩm sinh.
Đặt trọn hy vọng vào người con thứ 5
Thời gian đã dần bào mòn những ký ức đau thương nhưng thỉnh thoảng, nếu có người hỏi thăm, người dân vẫn kể rành mạch câu chuyện về 4 lần nuốt nước mắt làm lễ mai táng cho những người con xấu số của đôi vợ chồng nghèo khó.
Năm 2018, lúc này anh Châu, chị Miền đã bước sang tuổi 40, sức khỏe đã giảm sút, nhiều người khuyên anh chị không nên sinh nở nữa. “Họ sợ rằng 4 đứa con đã mất của vợ chồng tôi sẽ vận vào đứa trẻ nếu vợ chồng tôi có con. Nhiều người còn khuyên vợ chồng tôi nên đi xin con nuôi thay vì tiếp tục sinh nở”, chị Miền tâm sự.
Tuy nhiên khát khao được làm cha, làm mẹ một lần trọn vẹn trong đời khiến anh chị quyết tâm sinh con thêm một lần nữa. Gần 9 tháng mang bầu, cũng là chừng đó thời gian vợ chồng chị Miền sống trong lo âu, thấp thỏm.
Ngày đứa bé chào đời, cả gia đình đều rất lo lắng bởi sức khỏe cháu rất yếu. “Do sinh thiếu tháng, điều kiện ăn uống không đầy đủ nên cháu còi hơn những đứa trẻ khác. Cháu được nuôi dưỡng trong lồng kính hơn 2 tuần sau sinh. Gia đình tôi rất lo lắng khi cháu được xác định bị mắc bệnh về hô hấp”, chị Miền chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Miền bên người con trai vừa chào đời. |
Điều kiện gia đình anh chị vốn đã khó khăn, từ khi sinh con lại càng trở nên khó khăn hơn. Cứ vài ngày chị Miền lại ôm con đến viện một lần, kinh phí để chữa bệnh cho con đều nhờ cậy vào họ hàng, làng xóm. Hiểu hoàn cảnh gia đình nên nhiều người cũng giúp đỡ rất nhiệt tình. Ngồi ở góc nhà, bà Lê Thị Khế (67 tuổi, mẹ anh Châu) nghẹn ngào nói: “Vợ chồng nó sinh được 5 người con thì chết 4, đứa còn lại kể từ khi chào đời cho đến nay thời gian sống ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà”. |
Không đi học, không biết chữ, cũng chẳng biết tính toán, vợ chồng anh Châu, chị Miền hàng ngày vẫn chỉ quanh quẩn bên mấy sào ruộng.
Những lúc nông nhàn vợ chồng lại đi làm thuê, cuốc mướn, phụ hồ quanh quẩn trong xóm kiếm đồng ra đồng vào. Với anh chị, đứa con là món quà và là động lực giúp anh chị quên đi những mất mát, tiếp tục sống.
Bây giờ gia đình chỉ hy vọng cháu bé lớn lên được khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác.
Trao đổi với PV, ông Vũ Xuân Chiếm, Chủ tịch UBND xã Liên Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cho biết, hoàn cảnh gia đình anh Châu, chị Miền thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn xã. Anh Châu bị ảnh hưởng chất độc màu da cam nên thần kinh không được bình thường, sức khỏe yếu.
Còn vợ anh Châu cũng không được nhanh nhẹn như người khác. Còn mẹ anh Châu (bà Khế) tuổi đã cao không làm được gì.
Ở địa phương hai vợ chồng anh Châu, chị Miền không có nghề nghiệp ổn định. Hàng ngày anh Châu đi làm phụ hồ, còn chị Miền quanh năm chỉ làm công việc đồng áng.
"Chính quyền địa phương rất quan tâm tới gia đình này, hàng tháng đều thực hiện các chương trình trợ cấp cho người khuyết tật và gia đình hộ nghèo. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ cũng có hạn nên cuộc sống của gia đình anh Châu thật sự rất đáng thương”, vị lãnh đạo xã cho biết.