Đây là nhà máy đầu tiên trong chuỗi 100 nhà máy xử lý nước thải mà đại gia Huỳnh Uy Dũng tuyên bố bỏ ra 10 ngàn tỷ đồng để đầu tư tại các khu công nghiệp phía Nam!
Đại gia Huỳnh Uy Dũng quyết tâm xử lý nước thải cho khu công nghiệp |
Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (Dũng "Lò Vôi") được biết đến không chỉ nhờ khối tài sản khổng lồ, mà còn nhờ nhiều lời đồi thổi mang tính huyền thoại bủa vây xung quanh ông. Trong sự phát triển kinh tế suốt 3 thập niên vừa qua, dấu ấn của đại gia Huỳnh Uy Dũng ảnh hưởng không chỉ ở miền Đông Nam bộ. Chính ông Huỳnh Uy Dũng (khi ấy lấy tên Huỳnh Phi Dũng) là người thiết kế những khu công nghiệp đầu tiên tại tỉnh Bình Dương, và bây giờ ông lại là người bỏ tiền để xử lý nước thải nhằm duy trì sự phát triển bền vững cho các khu công nghiệp ấy.
Công ty mà ông Huỳnh Uy Dũng lập ra để xử lý nước thải có tên là Hằng Hữu Huỳnh, với tuyên bố “30% lợi nhuận để làm công tác từ thiện và 10% lợi nhuận phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học môi trường (về nước thải, rác thải và khí thải).
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có 615 cụm công nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung, có gần 300 khu công nghiệp với lưu lượng xả thải trên 2 triệu m3/ngày, nhưng chỉ trên 60% lượng nước thải được xử lý qua các nhà máy xử lý nước thải tập trung, có tới 70% lượng nước thải chưa được xử lý triệt để. Nước thải sau đó được đổ thẳng ra ao, hồ và các con sông. Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 người tử vong và trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Trước thực trạng đó, đại gia Huỳnh Uy Dũng cho biết ông rất day dứt và trăn trở, giữa công và tội, giữa hai từ danh nhân và tội nhân, đôi khi chỉ cách nhau một sợi chỉ. Với tính cách dám nghĩ dám làm, ông lập tức bắt tay vào suy nghĩ, nghiên cứu ngày đêm tìm giải pháp để giải quyết vấn nạn trên. Sau thời gian nghiên cứu miệt mài, không kể ngày đêm, ông đã nghiên cứu thành công quy trình xử lý nước thải thành nước sinh hoạt phục vụ sản xuất bằng phương pháp vi sinh, do chính người Việt Nam phát hiện và lai tạo.
Đại gia Huỳnh Uy Dũng chia sẻ: Hiện nay ông sắp bước qua tuổi 60, lẽ ra phải nghỉ ngơi, nhưng dường như có điều gì đó thôi thúc ông phải làm. Ông tự nhận, trước kia mình là người xây dựng khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, trải qua mấy chục năm, khu công nghiệp đã giúp kinh tế đất nước phát triển. Song, cùng với sự phát triển đó, môi trường cũng bị ô nhiễm từ chất thải của khu công nghiệp. Vì vậy, ông nhận thấy bản thân phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả này. Ông quả quyết, từ bây giờ sẽ đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải tại các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước, nếu có nhu cầu của các địa phương, nhất là các khu công nghiệp, tất cả vì mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên nước và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nhà máy xử lý nước thải đầu tiên vừa khánh thành tại Dĩ An - Bình Dương có thể xử lý với công suất tối thiểu khoảng 10.000 m3 và tối đa có thể lên tới 18.000 m3 mỗi ngày. Mỗi khu công nghiệp phải có một nhà máy và không nhất thiết phải có các nhà máy con. Đây là nhà máy kiểu mẫu, đầu tiên của Việt Nam xử lý nước công nghiệp thành nước phục vụ sản xuất. Kết quả thử nghiệm hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và tiêu chuẩn của Bộ Y tế là nước sinh hoạt phục vụ sản xuất. Trong giai đoạn 2018-2021, Công ty Hằng Hữu Huỳnh sẽ đầu tư ước tính ban đầu khoảng 10.000 tỷ đồng để xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, ưu tiên đặc biệt các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên cả nước (dự kiến 100 nhà máy).
Nhà máy xử lý nước thải đầu tiên tại Dĩ An - Bình Dương |
Nói về công nghệ, đại gia Huỳnh Uy Dũng tỏ ra niềm tự hào về thành quả nghiên cứu của người Việt Nam: “Từ ngày hôm nay trở đi, khi phát triển các khu công nghiệp, chúng ta không phải lo lắng về vấn đề xử lý nước thải, lưu lượng xả thải, nồng độ ô nhiễm xả thải và đất nước ta không bị lệ thuộc vào công nghệ và nguồn vốn của nước ngoài cho việc xử lý nước thải công nghiệp. Bởi lẽ, với các nhà máy xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn của công ty Hằng Hữu Huỳnh thì quy trình xử lý đạt các mục tiêu: Thứ nhất, không có nước thải xả ra môi trường. Thứ hai, nước được xử lý để tái phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Thứ ba, không hạn chế mức độ ô nhiễm và lưu lượng xả thải từ nhà máy để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất. Thứ tư, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp không cần xây dựng các nhà máy xử lý nước thải cục bộ”.
Đại gia Huỳnh Uy Dũng vốn không phải người thích đùa và cũng không quen nói chơi. Để mở công ty Hằng Hữu Huỳnh, ông Huỳnh Uy Dũng cũng đã kiếm được một cái bằng… tiến sĩ oách như ai! Sự có mặt của những nhà máy xử lý nước do ông bỏ vốn đầu tư, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thay đổi tích cực về môi trường.