| Hotline: 0983.970.780

Nơi khai sinh nhiều giống hoa, cây cảnh chất lượng cao

Thứ Ba 16/03/2021 , 13:56 (GMT+7)

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả) đã góp phần làm thay đổi diện mạo và phương thức sản xuất hoa, cây cảnh ở Việt Nam.

Nhằm tạo ra một đơn vị tự chủ nghiên cứu chuyên sâu đầu ngành về lĩnh vực hoa, cây cảnh, ngày 18/3/2011 Bộ NN-PTNT đã quyết định nâng cấp Bộ môn Hoa, cây cảnh (thành lập năm 1994) của Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện KHNN Việt Nam) thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (Trung tâm).

Kết quả sau 10 năm đi vào hoạ động, các thế hệ cán bộ nghiên cứu của Trung tâm đã không ngừng vượt khó vươn lên, chọn tạo thành công hơn 40 giống hoa, cây cảnh năng suất, chất lượng cao, đáp ứng được sự tin tưởng và kỳ vọng của lãnh đạo ngành và của những người yêu hoa trong cả nước.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Rau, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh giới thiệu một số giống hoa lan hồ điệp. Ảnh: Lê Bền

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Rau, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh giới thiệu một số giống hoa lan hồ điệp. Ảnh: Lê Bền

Các giống hoa mới lai tạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bao gồm: Lay ơn ĐL1, ĐL2, GL2-20, GL2-21, GL2-22; lan hồ điệp Ban mai hồng, HĐ03-4-1, HĐT1, HĐT2, HĐ1, HĐ2, M8; hoa lily VN 01, VN 02; lan Đai châu GL2-4, GL2-5; hoa hồng VR2, VR4; hoa đào GL2-1, GL2-2, GL2-3 cùng hàng chục giống hoa cúc, hoa hồng, đồng tiền, hồng môn, mai vàng, loa kèn tứ quý…

Các giống hoa này đều được Hội đồng Khoa học Bộ NN-PTNT đánh giá, thích hợp với điều kiện sinh thái Việt Nam, sinh trưởng phát triển khỏe, màu sắc đẹp, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất thu hoạch cao, hiệu quả sản xuất gấp 2-4 lần so với các giống hoa trồng phổ biến tại các địa phương trong nước.

Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng được nhiều quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc và điều khiển nở hoa theo ý muốn trên các cây, hoa hồng, hoa cúc, đồng tiền, loa kèn, lily, đào, mai và hoa lan hồ điệp... giúp tăng năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với quy trình canh tác truyền thống.  

Trung tâm cũng đã xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật thâm canh các giống hoa nói trên cho 46 tỉnh, thành trên phạm vi toàn quốc như Gia Lai, Phú Yên, Cần Thơ, Đồng Tháp, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh… diện tích đạt gần 1.000 ha mỗi loại.

Trong đó có 40 ha hoa trồng trong nhà lưới cho thu nhập 550-800 triệu đồng/ha/năm, 500 ha hoa trồng ngoài tự nhiên cho thu nhập 250-350 triệu đồng/ha/năm, mỗi loại hình sản xuất cho lãi thuần từ 30-40% trở lên.

Hệ thống phòng thí nghiệm, nhân nuôi cấy mô kỹ thuật cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh. Ảnh: Lê Bền

Hệ thống phòng thí nghiệm, nhân nuôi cấy mô kỹ thuật cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh. Ảnh: Lê Bền

Bên cạnh sản xuất thực nghiệm và nghiên cứu cơ bản, Trung tâm còn xúc tiến điều tra, đánh giá, lưu giữ được hơn 200 mẫu giống hoa qúy, phục vụ cho công tác lai tạo giống, trong đó có 85 mẫu giống hoa lan, 25 mẫu giống hoa đào, 31 mẫu hoa lily, 15 mẫu hoa đồng tiền và 35 mẫu giống hoa cúc...  

Đi thăm khắp cơ sở nghiên cứu của Trung tâm, chúng tôi đã thực sự bất ngờ trước mức độ tinh vi, hiện đại của hệ thống phòng thí nghiệm, nhà nuôi cấy mô, lưu giữ nguồn gen và nuôi trồng nhân giống hoa, cây cảnh các loại. 

Có thể nói sau 10 năm thành lập, Trung Tâm đã góp phần làm thay đổi diện mạo và phương thức sản xuất hoa, cây cảnh ở Việt Nam. Từ chỗ các tỉnh miền Bắc không trồng được hoa ôn đới như lily, tulip, hoa chậu. Đến nay đã tự sản xuất các loại hoa nói trên, chất lượng không thua kém hàng nhập ngoại.

Trước đây, nước ta phải nhập khẩu hàng chục vạn cây lan hồ điệp thì nay, chẳng những đã lai tạo được các giống hoa này, mà còn nuôi cấy được hơn 2,5 triệu cây giống mỗi năm, chất lượng tương đương hàng nước ngoài, nhưng độ bền sử dụng hoa cao hơn, giá thành cũng thấp hơn đáng kể.

Các giống sen mới được Trung tâm và Viện Nghiên cứu Rau quả chuyển giao ra sản xuất, vừa mang giá trị kinh tế cao, phục vụ phát triển các mô hình du lịch sinh thái. Ảnh: Lê Bền

Các giống sen mới được Trung tâm và Viện Nghiên cứu Rau quả chuyển giao ra sản xuất, vừa mang giá trị kinh tế cao, phục vụ phát triển các mô hình du lịch sinh thái. Ảnh: Lê Bền

"Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục lai tạo ra nhiều giống hoa, cây cảnh mới, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, phù hợp sinh thái Việt Nam.

Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện quy trình nhân nhanh giống hoa, cây cảnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu cây giống cho sản xuất hoa thương phẩm trong nước.

Đặc biệt đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học, internet vạn vật (IoT) vào gieo trồng, thu hái, bảo quản và vận chuyển, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất hoa, cây cảnh.

Song song đó, nghiên cứu chọn giống hoa, cây cảnh theo hướng đa dụng, vừa mang giá trị trang trí, làm thực phẩm, dược liệu, mỹ phẩm, vừa gắn với phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường.

Trung tâm cũng sẽ tập trung xây dựng mô hình trình diễn giống mới, kỹ thuật sản xuất hoa, cây cảnh cho các địa phương, tổ chức, cá nhân trong cả nước. Tiếp tục tiến hành thu thập mẫu giống, xây dựng ngân hàng gen hoa, cây cảnh quý hiếm và thông dụng..."

(TS Nguyễn Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh)

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.