| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo thực phẩm bẩn

Thứ Hai 13/01/2014 , 11:41 (GMT+7)

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, thời gian qua số bệnh nhân phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng...

Thị trường thực phẩm trong thời gian giáp Tết Nguyên đán 2014 đang rất sôi động khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Đây cũng là lúc những mặt hàng kém chất lượng được tuồn về ồ ạt với số lượng lớn, kéo theo nguy cơ tiềm ẩn mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Được biết, tại Nghệ An, có đến 70% số thịt gia súc giết mổ tại nhà riêng và các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ không được kiểm dịch theo đúng quy định. Theo ông Lê Đăng Trí (Trạm thú y TP Vinh), để người dân an tâm sử dụng thực phẩm sạch, nhất thiết phải bố trí thêm kiểm dịch viên thường xuyên giám sát các lò mổ tập trung cũng như các chợ lớn nhỏ đóng trên địa bàn thành phố.

Thịt bò khô giá rẻ ngỡ ngàng

Trong vòng 10 ngày qua, cơ quan chức năng Nghệ An liên tục phát hiện các vụ vận chuyển thịt bẩn, nội tạng động vật không đảm bảo. Gần đây nhất, lực lượng cảnh sát giao thông Nghệ An trong quá trình tuần tra làm nhiệm vụ đã tiến hành lập biên bản, xử phạt chủ xe khách mang BKS 93N-0035 vì hành vi vận chuyển 700 kg thịt bò không rõ nguồn gốc.

Số lượng lớn thịt bò nói trên đã qua sơ chế, được đựng trong 11 thùng xốp, tất cả đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Trước đó, đội Quản lý thị trường số 7 (Chi cục QLTT Nghệ An) cũng đã thu giữ 100 kg nội tạng bò không đảm bảo vệ sinh đang được vận chuyển bằng xe khách từ TP Vinh lên huyện Con Cuông để bán lẻ cho các cửa hàng ăn uống…

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đức Thắng, Phó trưởng khoa Hóa học, trường ĐH Vinh khẳng định: Cách thức chế biến thịt bẩn thành thịt sạch của các cơ sở hoạt động “chui” ngày càng tinh vi, biến hóa khó lường. Đơn cử như trường hợp thịt bò đã quá hạn sử dụng thì vẫn có thể “hô biến” bằng cách ngâm, tẩm hóa chất, bổ sung màu, mùi phù hợp. Rất khó để phân biệt nếu chỉ nhìn bằng mắt thường.


Thịt bò khô "ba không" được bán với giá siêu rẻ

Dạo quanh một vòng khu vực bán đồ thực phẩm ở chợ Vinh, dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về giá cả, như thịt bò khô được chia làm 2 loại, loại rẻ có giá từ 200.000 - 250.000 đ/kg, trong khi loại ngon gấp 3 đến 4 lần. Làm một phép tính đơn giản sẽ giúp người tiêu dùng nhận ra vấn đề: Để chế biến ra 1 kg bò khô cần tối thiểu 3 kg bò tươi, mà giá mỗi kg bò tươi hiện nay là 250.000 đồng. Do đó, để mua được 1 kg thịt bò khô loại “xịn” phải bỏ ra 750.000 - 800.000 đồng.

Lí giải điều này, PGS.TS Trần Đức Thắng khẳng định, thịt bò khô giá rẻ trên thị trường hiện nay thực chất được chế biến từ các loại thực phẩm bẩn có sử dụng hóa chất, thậm chí hóa chất bị cấm. Nguyên liệu không đảm bảo có chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh, từ đó sinh ra độc tố, người tiêu dùng ăn vào sẽ bị ngộ độc, lâu dài sẽ dẫn đến ung thư.

Rùng mình đồ nướng vỉa hè

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, những quán đồ nướng trên địa bàn TP Vinh mọc lên như nấm. Dọc tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, chúng tôi đếm sơ sơ cũng ngót ngét trên dưới 20 địa điểm kinh doanh mặt hàng tương đối mới mẻ này. Mặc dù quán xá được dựng lên khá tạm bợ, thực phẩm được chế biến ngay trên vỉa hè đầy bụi bặm, cũng không có hình thức bảo quản hợp vệ sinh nhưng thực khách dường như chẳng màng đến điều đó, họ vẫn vô tư thưởng thức, không cần biết là có thể rước họa vào thân.

Với tiêu chí ngon, rẻ, hợp khẩu vị, đồ nướng đã chiếm được tình cảm của các “thượng đế” dù nguy cơ tiềm ẩn VSATTP sờ sờ trước mắt. Thực đơn ở các quán hàng rất phong phú, giá khá mềm, mỗi đĩa thịt ba chỉ, thịt bò, nầm bò, nầm dê… dao động từ 60.000 - 70.000 đồng.

Dưới bàn tay “tài hoa” của các nhân viên phục vụ, chỉ sau 5 phút tẩm ướp gia vị là bạn sẽ có ngay một đĩa thịt khá bắt mắt. Khi tôi tò mò muốn biết phương thức chế biến ra sao thì nhân viên cửa hàng một mực nhất quyết từ chối, lí do đưa ra rất đơn giản: Bí quyết làm ăn không được phép tiết lộ. Thấy ngờ ngợ, anh bạn đi cùng lật đi lật lại miếng thịt, dùng chiếc đèn pin nhỏ soi kĩ dưới lớp màu vừa “gia cố” thì phát hiện ra nhiều chấm đỏ như những nốt xuất huyết…

Theo lời của một chủ quán nướng trên đường Nguyễn Văn Cừ, mỗi ngày quán của anh ta tiêu thụ trên dưới chục tạ thực phẩm mới đáp ứng đủ nhu cầu của thực khách. Nếu quả thực số thịt và nội tạng dồi dào nói trên có vấn đề, sức khỏe của người tiêu dùng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Quang, Đội phó Đội QLTT số 3, Chi cục QLTT Nghệ An cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi bắt được khá nhiều vụ vận chuyển thực phẩm lậu số lượng lớn với đầy đủ chủng loại như thịt bò, chân trâu, chân gà, chim cút, nội tạng động vật. Gần đây nhất là trường hợp vận chuyển lô hàng nầm dê không rõ nguồn gốc được chủ hàng bọc kín trong thùng xốp. Chúng được ngâm trong nước sánh đỏ, chỉ cần rửa qua là nướng lên ăn giòn tan. Tuy nhiên, nếu chạm tay trực tiếp vào thứ nước này thì có rửa bằng xà bông cả tháng cũng khó mà hết mùi”.

Nhận thấy mối lo về VSATTP trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT đã tích cực phối hợp với Công an TP Vinh và nhiều đơn vị liên quan, thường xuyên kiểm tra và có biện pháp xử lý với những cửa hàng vi phạm. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh đã khôn khéo dựa vào "kẽ hở” của Bộ Y tế (các quán hoạt động nhỏ lẻ không cần giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm), điều đó vô tình gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ.

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, thời gian qua số bệnh nhân phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên bắt nguồn từ chính sở thích dùng đồ nướng tưởng như vô hại.

Thực phẩm khi nướng trên than (bất kể than đá hay than hoa) sẽ tạo ra khí CO, kết hợp với chất Hemoglobin tạo thành hợp chất MED-hemoglobin, dẫn đến chứng tê liệt do thiếu oxy. Dùng than hoa còn sản sinh ra bột nướng, cháy ở nhiệt độ cao tạo thành hydrat cacbon, sau đó chuyển sang acrylamide, đây được xem là chất gây ung thư.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm