| Hotline: 0983.970.780

Nơi sữa bò ngon bậc nhất

Thứ Năm 31/10/2019 , 08:56 (GMT+7)

Thời gian dài qua, nông dân ở các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm (Lâm Đồng) phấn khởi bởi sữa bò được các doanh nghiệp thu mua đều và giá cao.

16-02-12_nh_1_bo_su
Hiện nay, Lâm Đồng có tổng đàn bò sữa trên 20 nghìn con với sản lượng sữa khoảng 76 nghìn tấn/năm. Ảnh: MH.


Nghề giàu có

Cứ khoảng 4-6h chiều mỗi ngày, các điểm thu mua sữa của Vinamilk ở những huyện này lại đông nghịt người dân đưa sữa đến bán. Ở các điểm thu mua, sau khi kiểm tra hệ số chất béo, chất khô, tế bào sô ma, sữa sẽ được phân loại và doanh nghiệp sẽ căn cứ vào đó để áp dụng các khung giá cụ thể. Hiện nay, sữa bò đang được doanh nghiệp mua với giá từ 13.000-14.000 đồng/lít, đây là mức giá cao và người chăn nuôi có lợi nhuận lớn.

Tại huyện Đơn Dương, nghề chăn nuôi bò sữa có truyền thống hàng chục năm và cũng là mô hình làm giàu. Ở địa phương này, xen với những nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao là đồng cỏ xanh ngát để chăn nuôi bò. Một người dân chia sẻ, về phát triển kinh tế, những hộ chăn nuôi bò sữa đều có thu nhập rất ổn định. Nhiều gia đình chỉ trong 3-4 năm đã trở nên giàu có, có tiền xây dựng nhà cửa khang trang hoặc mua ô tô để phục vụ đời sống.

16-02-12_nh_2_bo_su
Khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai phù hợp phát triển đồng cỏ nên Lâm Đồng có lợi thế chăn nuôi bò sữa. Ảnh: MH.

Một trong những hộ dân có sự đổi đời nhờ bò sữa là gia đình ông Trần Quang Hưng (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương). Hiện tại, gia đình ông Hưng đang chăn nuôi đàn bò sữa 30 con. Trong số này, trên 10 con đã cho sữa với sản lượng 20 lít/con/ngày.

Bà Nguyễn Thị Là (vợ ông Hưng) cho biết, khoảng 10 năm trước, vợ chồng bà sống vất vả do nghề nghiệp không ổn định. Nhận thấy nghề chăn nuôi bò sữa có nhiều triển vọng, vợ chồng vay mượn tiền mua bò sữa giống về chăm sóc. Sau ít năm, những con bò giống ngày nào đã trưởng thành và cho sữa. "Bò mẹ đẻ bò con cứ thế nhân lên. Giờ trong trại đã trên 30 con và tiếp tục tăng trong năm tới", bà Là cho hay.    

Nói về thu nhập từ nghề, bà Là hồ hởi: "Nghề đã cho gia đình cơ hội để thoát nghèo. Từ hai bàn tay trắng, giờ vợ chồng đã mua được đất và cất được căn nhà 2 tầng khang trang. Phải nói là cuộc sống quá ổn định".

Gia đình ông Nguyễn Hữu Tuấn (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) là hộ dân có trang trại chăn nuôi bò sữa lớn nhất huyện với tổng đàn trên 300 con. Trang trại của ông được xây dựng ở một vùng đất rộng lớn cạnh đồi thông, quanh năm có khí hậu mát mẻ. Quanh chuồng trại, ông mua thêm đất để trồng cỏ và ngô làm thức ăn cho đàn gia súc.

16-02-12_nh_3_bo_su
Ông Nguyễn Hữu Tuấn (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) là hộ chăn nuôi quy mô lớn với tổng đàn trên 300 con. Ảnh: MH.
16-02-12_nh_4_bo_su
Ông Nguyễn Hữu Tuấn đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt hệ thống vắt sữa. Ảnh: MH.

Theo ông Tuấn, khoảng 6 năm trước, khi một công ty sữa có chương trình phổ biến đàn bò, ông đã mạnh dạn đầu tư, mua 75 con giống để chăm sóc. Đến nay, đàn bò phát triển thành 300 con, cho thu nhập lớn nên ông mở rộng trang trại, xây dựng hệ thống máy vắt sữa tự động và dàn lạnh để bảo quản sữa.

"Mỗi ngày tôi bán cho Vinamilk từ 2-2,5 tấn sữa với giá 13.000-14.000 đồng/lít. Đều đặn như thế nên ngày nào cũng có tiền", ông Tuấn vui cười, thổ lộ. 
 

Nâng cao chất lượng

Lâm Đồng được đánh giá là địa phương hội đủ điều kiện về đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò sữa và sữa bò nơi đây được đánh giá thơm ngon bậc nhất. Theo đó, 3 doanh nghiệp lớn là Công ty Vinamilk, Công ty Friesland Campina (cô gái Hà Lan) và Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk) đang đẩy mạnh việc liên kết với người dân trong việc thu mua và chế biến sữa tươi. 

Các công ty thu mua, chế biến sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đặt quy định chỉ ký hợp đồng tiêu thụ sữa đối với những hộ chăn nuôi có quy mô đàn tối thiểu 10-12 con. Do vậy, công tác ký hợp đồng của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với doanh nghiệp gặp nhiều áp lực. Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, những hộ dân mới đầu tư, vốn ít, thiếu kinh nghiệm sẽ là những trường hợp gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển chăn nuôi bò sữa thời gian tới.

Bà Lê Thị Bé, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết, hầu hết người chăn nuôi đều đạt được các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp chế biến trong việc tiêu thụ sữa.

Do vậy, chính quyền huyện và người dân đang hướng đến thực hiện các biện pháp về tăng số lượng đàn bò trong những hộ chăn nuôi từ nhỏ lẻ lên ít nhất 10 con để chuỗi liên kết được tốt hơn.

Ngoài ra, huyện cũng khuyến cáo người dân phát triển chăn nuôi theo hướng đầu tư phát triển đàn bò chất lượng để cho ra sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn của doanh nghiệp.

Theo bà Bé, Đơn Dương có khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng phù hợp phát triển đồng cỏ, bắp ngô phục vụ chăn nuôi bò sữa.

"Huyện xác định bò sữa, rau và hoa là sản phẩm thế mạnh của địa phương. Bò sữa trở thành vật nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong việc xây dựng mục tiêu quốc gia về nông thôn mới", bà Bé cho biết.  

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, tỉnh đang thực hiện phát triển đàn bò sữa theo hướng chọn lọc nâng cao chất lượng giống, hỗ trợ người chăn nuôi trong việc lai tạo, phát triển giống thuần Holstein Friesian (HF).

Ngành nông nghiệp tỉnh hướng đến nâng tỷ lệ giống thuần trên 95% tổng đàn để tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa.

Đồng thời, đầu tư các trang thiết bị, máy móc để hỗ trợ người dân kiểm nghiệm sữa tươi, xác định nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng sữa để có biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng sữa.

16-02-12_nh_6_bo_su
Nông dân xay nhỏ cỏ, cây bắp để ủ men, làm thức ăn cho bò sữa. Ảnh: MH.

Một cán bộ Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho hay, để nâng cao chất lượng trong chăn nuôi bò sữa, ngành nông nghiệp sẽ áp dụng công nghệ thông tin vào xây dựng khẩu phần dinh dưỡng cho bò. Trong năm 2019, phần mềm tính toán, phân tích khẩu phần ăn cho bò sữa sẽ được ứng dụng đối với các mô hình trình diễn sau đó sẽ áp dụng rộng rãi cho các hộ, trang trại bò sữa trên toàn tỉnh. 

Sở NN-PTNT Lâm Đồng phối hợp cùng trung tâm nông nghiệp các huyện, thành phố và Trung tâm nghiên cứu - Phát triển chăn nuôi gia súc lớn (Phân viện Chăn nuôi Nam bộ) tổ chức tập huấn cho 36 tiểu giáo viên về quy trình quản lý giống, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Tổ chức 13 lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho nông dân các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Đơn Dương, TP Bảo Lộc. Hiện, kỹ thuật viên lai tạo giống bò đã được nâng cao tay nghề, đảm nhiệm tốt công tác. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý trang trại bò sữa cho các huyện, thành phố của tỉnh.

Lâm Đồng hội đủ điều kiện trở thành Trung tâm bò sữa chất lượng cao

Lâm Đồng đang có tổng đàn bò sữa khoảng trên 20 nghìn con với sản lượng sữa trên 76 nghìn tấn/năm.

Dự kiến, đến hết năm 2019, đàn bò sữa của tỉnh sẽ là 21.400 con với sản lượng sữa ước khoảng 80,7 nghìn tấn.

Trong đó, huyện Đơn Dương phát triển khoảng 13 nghìn con, Đức Trọng là 4,5 nghìn con và các huyện, thành phố như Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Dinh, Bảo Lộc, Đà Lạt sẽ phát triển đàn trên dưới 1.000 con.

Hầu hết, bò sữa được bấm thẻ tai, lập hồ sơ, lý lịch cá thể để phục vụ công tác quản lý, tác động kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng sữa.

Sở hữu đàn bò sữa chất lượng, đồng cỏ rộng và khí hậu mát mẻ quanh năm, Lâm Đồng hội tủ điều kiện để trở thành trung tâm bò sữa chất lượng cao của cả nước, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đặc biệt là tới đây xuất khẩu sữa chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

LK

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất