| Hotline: 0983.970.780

Nối tiếp nhau giữ rừng gỗ quý

Thứ Hai 26/08/2019 , 13:10 (GMT+7)

Thôn Bằng Anh, xã Tân Dân (Hoành Bồ, Quảng Ninh) có khoảng 30ha rừng lim, đinh, dổi, sến, táu… có gốc lim bằng hai vòng ôm của người trưởng thành.

Mong ước tái sinh cánh rừng nguyên sinh

Khu rừng nói trên, thuộc diện tích khoanh nuôi của hộ gia đình anh Triệu Tiến Lộc. Anh là con út được cha mình là ông Triệu Tài Cao giao lại. Cha anh từng rất nổi tiếng vì là người Dao sở hữu cánh rừng lim có giá bạc tỷ. Nhưng lạ ở chỗ, gia đình anh vẫn sinh hoạt trong căn nhà nhỏ từ thời ông Cao còn trẻ xây dựng.

imgl5879134829777
Cha con anh Lộc bên rừng lim.

Theo anh Lộc, trong nhà không có bất cứ đồ vật gì giá trị, ngoài 1 tập giấy khen, bằng khen của ông Triệu Tài Cao được xếp ngăn nắp, đặt cạnh bàn thờ. Đối với anh Lộc, đây là niềm tự hào, còn đối với ông Cao thì những tấm bằng khen này còn hơn cả giá trị vật chất.

Khi anh Lộc chỉ là một cậu bé, vùng Tân Dân có nhiều tay buôn gỗ, chẳng mấy chốc những cây gỗ quý trong bản mất dần. Bà con ai nấy thi nhau lên rừng đốn cây đem bán, đến mức không còn cây để trẻ con làm cù (trò chơi dân gian), lãi lời chẳng được là bao thì thiên tai ập đến cuốn trôi tất cả mọi thứ.

Lúc bấy giờ, ông Triệu Tài Cao là người duy nhất trong bản mò mẫm tìm cách tái sinh rừng, hàng loạt mầm non được ông ươm lại với mong ước tái sinh. Người chặt cứ chặt, cả làng đang tìm cây để đốn, còn ông lầm lũi làm chuyện khác người. Chẳng trách, bà con đồn ông Cao là người có đầu óc không bình thường.

Dẹp bỏ mọi dèm pha, mọi sự bàn tán của bà con, họ hàng. Ông Cao và các con vẫn ngày đêm thức đợi hạt lim rơi, sau đó ươm thành cây nhỏ. Thời gian đầu, cây cứ lên được hơn 10cm là chết, ông ươm được bao nhiêu thì cây chết bấy nhiêu.

Đến khi tìm được "bí quyết" trồng lim, chứng kiến cây lim phát triển từng ngày, ông Cao nhận ra lim là cây mọc tự nhiên, phát triển từ rừng nguyên sinh, rất khó để nhân giống, khó trồng, chậm lớn, trồng phải cách xa nhau. Thật khó có thể tin, một người dân tộc thiểu số không qua bất cứ trường lớp nào về nông nghiệp, lại có thể tìm ra phương pháp bảo tồn nguồn gen cây gỗ quý.

Nhờ tâm huyết và cách làm của ông Cao, nhiều loại cây bản địa quý hiếm của Hoành Bồ đang được gìn giữ, bảo tồn. Được biết, địa phương đang có dự án cải tạo nơi đây cũng trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm rất hấp dẫn cho du khách khi đến thăm khu vực phía Tây huyện Hoành Bồ.

Anh Lộc kể: Ngày còn bé, tôi được bố đưa đến gốc lim mới ươm để phát cỏ, bao bọc cây. Bố tôi luôn dạy tôi những điều tốt đẹp về việc giữ rừng. Ngay cả đến bây giờ, khi sức khỏe đã yếu, ông vẫn luôn dặn dò, phải đối xử tốt với rừng, rừng là nguồn sống không chỉ riêng con người, còn là của chim chóc, hươi, nai…

Hiện tại, ông Cao và con trai út đang triển khai dự án trồng cây dược liệu dưới tán lim như khôi tía, trà hoa vàng, ba kích, tre, quế... đều là những loại cây ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao, đây cũng là nguồn thu thường xuyên của gia đình. Ngoài ra, gia đình còn kết hợp trồng các loại cây lâu năm bên cạnh lim như trầm, trám, sến, táu, dổi...
 

"Hổ phụ sinh hổ tử"

Ông Cao đang nằm viện, nhẹ hắt tiếng thở dài, gia đình cũng khó khăn lắm mới lo được viện phí cho ông. Anh Lộc cho biết thêm: Mới đây lại có một nhóm buôn gỗ đến đặt yêu cầu để mua lim nhưng tôi không đồng ý, họ có để lại số điện thoại và nói nếu suy nghĩ lại mà bán thì cứ gọi. Chuyện như cơm bữa, cả năm anh em nhà tôi được bố chia đều diện tích rừng, chẳng mấy ai để tâm.

Nối tiếp đời cha, anh Lộc được xem là người Dao uy tín trong thôn, trong xã. Hiện anh là Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Bằng Anh. Từ truyền thống gia đình gắn bó với rừng, chàng bí thư trẻ lồng ghép, quán triệt đến các đảng viên và nhân dân trong thôn làm tốt công tác bảo vệ rừng phòng hộ.

Nhờ vậy, thôn Bằng Anh đã thành lập được Tổ bảo vệ rừng phòng hộ, thường xuyên trông coi, phát triển rừng. Anh Lộc đã vận động bà con chăm sóc cây cối, vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Với lối sống chan hòa, hay giúp đỡ mọi người được truyền từ đời cha, gia đình anh Lộc được bà con trong thôn quý mến, giúp đỡ trông coi rừng lim cổ.

Nếu đổi lim lấy giá trị kinh tế, chắc chắn gia đình anh sẽ không phải chật vật lo nghĩ, nhưng chuyện đấy chẳng thể xảy ra khi mà gia đình bỏ mồ hôi, tâm huyết chỉ để nuôi dưỡng rừng. Thấu hiểu tâm niệm của cha, năm anh em anh Triệu Tài Lộc đều xây nhà xung quanh phần rừng mà cha đã chia cho để tạo nên hành lang bảo vệ rừng.

Anh Lộc thường xuyên dẫn con trai 5 tuổi đến từng ngóc ngách của khu rừng, chỉ cho con trai biết phân biệt các loại cây. Anh chỉnh lại dáng của một cây lim non, và nói: “Ông nội con đã dành cả đời mình để gây dựng và bảo vệ rừng lim. Hai bố con mình sẽ tiếp tục nối nghiệp, bởi đó không chỉ là một cánh rừng, mà là một phần lá phổi xanh của quê hương, đất nước". Cậu con trai gật đầu lia lịa, ánh mắt chan chứa tự hào.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.