Công an cũng… vượt biên
Nhìn những ngôi nhà bằng gỗ đã nhuốm màu thời gian ở Huồi Mới 2, nhìn cuộc sống nay không còn phải chật vật chạy ăn từng bữa, ít ai nghĩ có thời nơi đây cái đói lay lắt từng hoành hành. Ấy là vào năm 2005, khi những nương ngô, nương lúa không còn cho dân bản đủ cái ăn, cái mặc. Cả bản Huồi Mới 2 và nhiều bản làng khác của người Mông Tri Lễ (Nghệ An) ồ ạt di cư sang Lào.
Già làng Xồng Chống Tủa làm nghề thợ rèn từ lúc còn trai tráng, cũng là nghề ăn nên, làm ra. Nhưng khi đồng bào đã đói cái bụng thì hàng hóa cũng ế ẩm. Vợ chồng ông bán tháo căn nhà gỗ được vài triệu bạc, dắt díu nhau vượt rừng sang cụm bản Phăn Thoong (nay là xã Phăn Thoong, thuộc huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, Lào) để làm ăn sinh sống.
“Sang đó mới biết, cuộc sống ở Lào không như những gì ta tưởng tượng. Phăn Thoong chỉ cách Huồi Mới 2 một ngày luồn rừng, lội suối. Ở đây cũng liên tiếp mất mùa bởi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ở Huồi Mới 2 còn có thể chăn nuôi nhưng ở bên đó chỉ mỗi trồng lúa trên rẫy. Mất mùa, vẫn đói, vẫn khổ, hết mùa lúa lại sạch kho. Nhưng sợ nhất là bệnh tật không có nơi để chữa trị. Ở đó không có bệnh viện, trạm xá cũng không. Có những người ốm nặng, không thể chở bằng xe máy vì không có đường, phải khiêng 2 - 3 ngày trời mới về đến trung tâm xã Tri Lễ để điều trị”, ông Tủa nhớ lại.
Không chỉ ông Tủa, công an viên lúc đó là ông Xồng Giống Và, nay là trưởng bản Huồi Mới 2 cũng bỏ xứ sang Lào.
Trưởng bản Huồi Mới 2 Xồng Giống Và làm lại cuộc đời trên quê cũ |
“Cả bản lúc đó có 46 hộ thì 40 hộ bỏ sang Lào làm ăn. Nhà ta cũng phải bán nhà đi theo anh em. Lúc đó ở đây chưa khai hoang được ruộng nước như bây giờ, cái ăn khó khăn lắm. Thế là ăn cái tết năm 2005 xong, ta bán ngôi nhà được 2 triệu đồng, cùng vợ và 3 con gồng gánh nồi niêu xoong chảo, đi ngót 1 ngày, 1 đêm sang Lào”, trưởng bản Và nhớ lại.
Sang đến đất Lào, ban quản lý thôn bản Phăn Thoong nhận hết 40 hộ di cư. Họ được chặt gỗ, làm nhà ở, được đốt nương, làm rẫy. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, cuộc sống vẫn khó khăn, lam lũ hơn cả quê cũ. Cuộc sống của những người di cư bất hợp pháp, không điện đường, trường trạm… chẳng khác nào con thú hoang sống chui, sống lủi trong rừng già.
“Ta đốt nương, làm 1ha rẫy. Nhưng chỉ được mùa đầu, những mùa rẫy tiếp theo vẫn không đủ ăn. Con cái đi học phải hết 1 ngày đường mới đến trường. Những ngày mưa gió, già trẻ, trai gái bó gối ngồi trong nhà nhìn ra mà bụng đói cồn cào. Khó khăn quá, đến năm 2009, ta bàn với các hộ quay trở về quê cũ. Lúc đầu không ai chịu nhưng khi nghe ta phân tích rõ đầu đuôi, lại được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ định cư làm ăn, mọi người mới quyết định quay trở về. Vậy là sau gần 5 năm bỏ xứ sang Lào, ta lại trở về với quê cũ. Nay thì cuộc sống đỡ hơn nhiều rồi. Có ruộng nước, có trại trồng cây, chăn nuôi, ta không đi đâu nữa”, ông Và cho biết.
Làm lại cuộc đời
Bán hết nhà cửa, dắt díu nhau ra đi nhưng chỉ 5 năm sau, gần 120 hộ dân đồng bào Mông Tri Lễ lại gồng gánh trở về quê cũ. Họ khai hoang làm ruộng nước, trồng đào bán quả, bán cành, trồng ngô, sắn để chăn nuôi.
Người Mông Tri Lễ di cư trở về quê cũ được Nhà nước hỗ trợ 8 triệu đồng/hộ, được chặt gỗ, dựng lại nhà cửa.
“Dân bản thì vẫn nghèo lắm nhưng đã đỡ hơn xưa rất nhiều. Nhà nào cũng đủ ăn, lúa, ngô xanh nương rẫy. Nhà nhà đều có lúa, ngô đầy kho. Những cuộc vui ở bản, những ngày lễ, tết, rượu ngô, nếp nương, lúa nước đủ đầy, vui vẻ, đầm ấm. Chỉ có điều, những vườn đào kia cũng chỉ đủ để dân bản có thêm đôi đồng thêm thắt vào cuộc sống thôi, chưa thể làm giàu lên được”, trưởng bản Và phân trần.
Sau khi trở về lập lại thôn bản, người Mông các bản ở Tri Lễ còn được Nhà nước hỗ trợ khôi phục và tăng diện tích cây đào. Đến nay, hầu như hộ người Mông nào ở đây cũng có ruộng nước, dăm bảy chục gốc đào, nhà nhiều có cả một vài ha đào cho quả.
Sản vật của người Mông Tri Lễ bán trên các tuyến đường thị trấn Kim Sơn |
“Đủ ăn đã tốt nhưng vui nhất là trẻ con trong bản được đi học đầy đủ. Trường ở trung tâm bản, không còn các cháu mù chữ nữa. Bản có 6 cháu đã học đến đại học, trung cấp, nay mai sẽ về giúp dân bản thoát nghèo”, già Tủa tin tưởng.
Ở Tri Lễ, người Mông “năng nhặt” lắm! Mùa nào áo ấy. Lúa nước đang thì con gái thì cây đào đã cho quả bán. Hết mùa đào lại đến mùa làm nại (làm rau, củ, quả trên nương rẫy). Quanh năm, người Mông Tri Lễ không để cho đất ngừng nghỉ. Khách miền xuôi lên Tri Lễ, ai cũng ngỡ ngàng bởi mới 4 - 5 giờ sáng, những người Mông ở tít xa trên những quả đồi đã có mặt tại chợ trung tâm xã để bán rau, củ, quả. Thương lái từ thị trấn, từ miền xuôi đem cá biển, mắm, muối… lên đây bán và thu mua sản phẩm của người Mông nơi đây đưa ra chợ thị trấn bán cho người dân trong vùng và người miền xuôi. Vì thế, ở thị trấn Kim Sơn đã có những con đường chuyên bán các mặt hàng nông sản của người Mông Tri Lễ.
Chúng tôi chia tay Huồi Mới khi mặt trời đã lên đến ngọn núi cao ngất phía xa xa. Trưởng bản Xồng Giống Và bảo: “Cán bộ về thì ta cũng phải lên trại hái đào thôi. Hái đến cuối giờ chiều thì chạy xe ra trung tâm xã bán cho thương lái. Hái đào xong thì phải đem đi bán ngay, dân bản không bảo quản được, nếu để qua 1 - 2 đêm thì chín nục, có dòi không ai mua nữa”.
Sau 9 năm trở về quê cũ, tại Huồi Mới 2 xuất hiện nhiều mô hình trồng đào, chăn nuôi giỏi. Theo thống kê, cả bản hiện có 132 con trâu bò, 745 con lợn, 1.138 gốc đào (22 ha); không ít hộ sắm máy cày để làm lúa nước, 10 hộ có máy xay xát lúa. Năm nay đào được mùa quả, dù rẻ nhưng nhiều hộ chở ra tận trung tâm bán. Hộ ít cũng được vài triệu đồng, hộ nhiều có 5 - 6 triệu đồng từ tiền bán đào. |