Khách hàng VIP của Agribank Phù Cát
Xuyên suốt 12 năm trong nghề nuôi tôm trên cát theo công nghệ mới, anh Nguyễn Tất Tùng (38 tuổi) ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) đều trông cậy vào đồng vốn nay của Agribank huyện Phù Cát. Hiện nay, anh Tùng là điển hình trong nuôi tôm thành công ở Bình Định theo công nghệ mới. Nhưng để có vốn đầu tư nâng cấp ao hồ, mua sắm trang thiết bị nuôi tôm theo công nghệ SemiBio-Floc, anh Tùng phải nhờ đến đồng vốn vay của Agribank Phù Cát, chứ nếu dựa vào “nội lực” của gia đình thì “bất khả”, bởi mức đầu tư rất cao.
Cách đây 12 năm, khi anh Tùng mới từ TP.HCM về quê khởi nghiệp bằng nghề nuôi tôm thì anh quyết định bắt tay vào nuôi tôm theo hướng công nghệ cao để tránh rủi ro. Khi ấy, để đầu tư nâng đáy 4 ha ao nuôi cao thêm 1,2m; trong đó, có 2 ha ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát) và 2 ha ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), anh Tùng phải bỏ ra đến 1,5 tỷ đồng. 4 ha ao nuôi tôm công nghệ cao được anh Tùng chia thành nhiều ao nhỏ, mỗi ao có diện tích 700m2.
Sau đó, đến công đoạn lót bạt đáy cho mỗi ao nuôi (700m2/ao), xây dựng bờ ao kiên cố bằng bê tông; mỗi ao nuôi được trang bị hệ thống đảo, hệ thống oxy đáy; hệ thống sục khí tạo dòng chảy dưới đáy; bên trên ao nuôi được trang bị mái che để ngăn mưa nắng nhằm kiểm soát môi trường trường tốt hơn; trong mỗi ao nuôi cò được trang bị giàn đèn chiếu sáng được nhập về từ Hà Lan để tạo ánh sáng mặt trời nhân tạo trong ao. Đầu tư trang thiết bị hoàn thiện cho mỗi ao nuôi có diện tích 700m2 anh Tùng mất thêm 350 triệu đồng/ao. Đó là chưa kể anh Tùng còn đầu tư nuôi tôm trên cát theo công nghệ cũ với diện tích 8,2 ha tại Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát).
Theo anh Tùng, mức đầu tư ban đầu rất cao, nhưng bù lại, nhờ nuôi theo công nghệ mới tôm nuôi được an toàn, tỷ lệ thành công rất cao, nghề nuôi tôm được bền vững hơn.
“Nhờ nuôi tôm công nghệ cao nên tôi có thể thả 300 con giống/m2. Những năm trước đây tôi cũng đã nuôi tôm theo công nghệ SemiBio-Floc nhưng đầu tư trang thiết bị chưa đầy đủ như bây giờ, nên năng suất chỉ đạt 30 tấn/ha. 3 năm nay tôi cũng nuôi theo công nghệ SemiBio-Floc nhưng đầu tư bài bản hơn, nên năng suất tăng gấp đôi, đạt 60 tấn/ha. Đặc biệt, vụ nuôi mới thu hoạch vào đầu tháng 9 vừa qua tôm nuôi của tôi đạt 13,6 con/kg, bán oxy đi Hà Nội được 380.000đ/kg”, anh Nguyễn Tất Tùng, chia sẻ.
Hơn 80% dư nợ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn
Theo ông Trần Công Bàng, Giám đốc Agribank huyện Phù Cát, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng yếu trên thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (Nghị định 55) của Chính phủ, trong những năm qua, theo chỉ đạo của Agribank Chi nhánh Bình Định, Agribank huyện Phù Cát tập trung cung ứng vốn và dịch vụ ngân hàng vào lĩnh vực truyền thống là “tam nông”.
Qua đó, Agribank huyện Phù Cát đã góp sức với Agribank Chi nhánh Bình Định và hệ thống Agribank cả nước thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân; góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, ổn định các vấn đề kinh tế, xã hội ở khu vực nông thôn trên địa bàn.
Theo ông Bàng, hiện tổng dư nợ của Agribank huyện Phù Cát đạt hơn 930 tỷ đồng; trong đó, chỉ có khoảng 75 tỷ là đầu tư cho doanh nghiệp, số còn lại hầu hết đầu tư cho nông dân trên địa bàn vay đầu tư vào sản xuất, nuôi tôm, nuôi heo. Agribank huyện Phù Cát không cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản, mà nguồn vốn ưu tiên cho nông dân.
Ví như đối với khách hàng Nguyễn Tất Tùng, người nuôi tôm công nghệ cao ở xã Cát Minh là đối tượng được vay ưu đãi theo Nghị định 31, lãi suất được giảm 2%. Bình quân mỗi vụ nuôi tôm Agribank huyện Phù Cát cho anh Tùng vay 15-16 tỷ đồng, xuyên suốt 12 năm nay. Hạn mức vay của anh Nguyễn Tất Tùng là 20 tỷ, năm 2022 anh Tùng đã vay 13 tỷ. Nhờ “ăn nên làm ra” nên anh Tùng luôn tuân thủ trả vốn vay và lãi suất đúng kỳ hạn, anh được xếp hạng khách hàng loại A của Agribank huyện Phù Cát.
“Tổng dư nợ của Agribank huyện Phù Cát hiện đạt hơn 930 tỷ đồng, chiếm hơn 80% trong đó là nguồn vốn đầu tư cho “tam nông”. Nông dân huyện Phù Cát chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất hiệu quả, các xã Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Hanh, Cát Hải… chuyển đổi từ làm lúa sang trồng cây đậu phộng và hành cho thu nhập cao hơn làm lúa gấp nhiều lần nên đã xóa được đói, giảm được nghèo. Nông dân tiếp cận đồng vốn dễ dàng thông qua mô hình Tổ vay vốn, góp phần tạo điều kiện cho các hộ gia đình và cá nhân tiếp cận vốn một cách thuận lợi và có hiệu quả”, ông Trần Công Bàng, Giám đốc Agribank huyện Phù Cát chia sẻ.