| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Bình Định nỗ lực phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa ĐX

Thứ Hai 15/02/2021 , 11:06 (GMT+7)

Những ngày qua, nhiều loại sâu bệnh phát sinh gây hại lúa ĐX tại Bình Định. Dù đang vui xuân, nhưng nông dân tỉnh này không quên chăm sóc ruộng đồng bảo vệ lúa.

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trên địa bàn Bình Định có mưa rào và gió Đông Bắc, đây là điều kiện thuận lợi để nhiều loại sâu bệnh hại phát sinh gây hại vụ lúa ĐX 2020-2021.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Định, lúa chân cao sạ cưỡng trên địa bàn tỉnh này đang trong thời kỳ trỗ, ngậm sữa; lúa chân 3 vụ đang làm đòng trỗ; lúa chân 2 vụ đang đứng cái, làm đòng.

Những ngày trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, chuột đã phát sinh gây hại khoảng 55ha trên trà lúa đang giai đoạn đứng cái, làm đòng; tỷ lệ hại phổ biến từ 1-3%, nhiều diện tích bị gây hại cục bộ từ 5-15% tập trung tại các huyện Hoài Ân, Tây Sơn, Tuy Phước và TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn…

Nông dân Bình Định thăm ruộng đầu năm phát hiện cây lúa phát triển èo uột, nhổ cây lúa bệnh về hỏi thăm những nông dân kỳ cựu cách phòng trừ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nông dân Bình Định thăm ruộng đầu năm phát hiện cây lúa phát triển èo uột, nhổ cây lúa bệnh về hỏi thăm những nông dân kỳ cựu cách phòng trừ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bệnh đạo ôn lá, cổ lá cũng phát sinh gây hại 5ha trên chân lúa đang đứng cái, làm đòng tại các huyện Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát, TX An Nhơn và TX Hoài Nhơn, tỷ lệ bệnh cục bộ từ 5-15%.

Ngoài ra, rầy nâu và rầy lưng trắng cũng phát sinh cục bộ trên lúa chân cao sạ cưỡng và chân 3 vụ giai đoạn đòng trỗ, ngậm sữa; mật độ cục bộ 500-700 con/m2.

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, chuột tiếp tục gây hại trên các trà lúa từ đứng cái, làm đòng, những diện tích nằm ven làng, gò đồi bị gây hại nặng.

Bệnh đạo ôn lá, cổ lá cũng tiếp tục phát sinh gây hại cục bộ trên lúa đứng cái, làm đòng; gây hại nặng cục bộ. Bệnh đạo ôn cổ bông cũng phát sinh trên lúa chân cao sạ cưỡng giai đoạn trỗ, ngậm sữa.

Nông dân Võ Tân ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định) buồn bã đứng nhìn đám ruộng của mình bị chuột phá lúa chết từng vũng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nông dân Võ Tân ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định) buồn bã đứng nhìn đám ruộng của mình bị chuột phá lúa chết từng vũng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo dự báo của ngành chức năng, rầy nâu và rầy lưng trắng non sẽ nở rộ từ 15-25//m2 gây hại cục bộ trên lúa chân 3 vụ giai đoạn đòng, trỗ và lúa chân 2 vụ giai đoạn đứng cái, làm đòng.

Bướm sâu cuốn lá nhỏ cũng sẽ ra rộ từ 15-25/m2, sâu non nở rộ từ 20/m2 gây hại lúa chân 2 vụ giai đoạn đòng, trỗ. Ngoài ra, bệnh khô vằn, lem lép hạt cũng sẽ phát sinh gây hại cục bộ trên lúa trỗ, ngậm sữa.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định hướng dẫn nông dân dùng bẫy sập, bẫy đập, bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy bán nguyệt kết hợp với mồi nhử gồm: Cua, tôm, cá, cám thực phẩm để bẫy chuột. Bẫy mồi được đặt ngay trong ruộng nơi bị chuột cắn phá hoặc trên đường đi, cửa hang của chuột.

Nhiều diện tích lúa ĐX 2020-2021 ở Bình Định bị chuột cắn phá. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhiều diện tích lúa ĐX 2020-2021 ở Bình Định bị chuột cắn phá. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hoặc dùng thuốc Racumin, Klerat 0,05%, Rat K 25%D trộn với thóc, ngô, cám thực phẩm, tôm, cua, cá… để làm bả mồi. Đặt bả mồi ở nơi gần hang, trên đường đi của chuột, trên bờ mương, chân đê, bờ ruộng, các vùng lúa đang bị chuột cắn phá để diệt chuột.

Theo nông dân Đinh Văn Chung ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định), cách phòng bệnh đạo ôn tốt nhất là bón phân đạm và ka li cân đối trong các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Khi bệnh xuất hiện phải dừng ngay việc bón phân, nhất là đạm urê đơn độc, không sử dụng phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng để phun cho cây lúa.

“Đối với 18 sào lúa của tôi (500m2/sào), để phun trừ bệnh đạo ôn, tôi sử dụng thuốc Fujione 40 WP pha chế theo liều lượng 50g thuốc pha với 24 lít nước phun cho 1 sào lúa; thuốc Fujione 40 EC liều lượng 100 ml thuốc pha với 24 lít nước phun cho 1 sào; hoặc thuốc Ninja 35 SE pha chế liều lượng 50ml thuốc pha với 20 lít nước phun cho 1 sào lúa”, anh Đinh Văn Chung cho hay.

Nông dân Bình Định phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa ĐX 2020-2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nông dân Bình Định phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa ĐX 2020-2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong vụ ĐX, nông dân sợ nhất là rầy. Khi phát hiện rầy có mật độ từ 1.500-6.000 con/m2, nông dân lập tức sử dụng thuốc Chess 50 WG với liều lượng 3 gói (7,5g/gói) pha với 24 lít nước phun cho 1 sào; hoặc dùng thuốc Nipy Ram 50WP (Chet Ray) với liều lượng 21g thuốc pha 24 lít nước phun cho 1 sào.

Đối với ruộng có mật độ rầy cao trên 6.000 con/m2, bà con sử dụng 100ml Bassa 50 EC hỗn hợp với 15g Chess 50WG pha với 32 lít nước phun 1 sào; hoặc dùng thuốc Nipy Ram 50WP (Chet Ray) với liều lượng 28g thuốc pha với 32 lít nước phun cho 1 sào.

“Ngành BVTV tỉnh tiếp tục phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai công tác diệt chuột thường xuyên, liên tục đến hết vụ ĐX 2020-2021. Trước Tết Nguyên đán chúng tôi tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo và hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa.

Đồng thời, chúng tôi duy trì thông báo tình hình sinh vật hại cây trồng 7 ngày 1 lần, cập nhật số liệu vào phần mềm PPDMS2.0 vào chiều thứ 3 hàng tuần để các địa phương nắm bắt, hướng dẫn nông dân phòng trừ nhằm bảo vệ lúa ĐX hiệu quả nhất”, ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.