Trên cánh đồng lúa thuộc xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa (Phú Yên) những ngày áp Tết nông dân vẫn tích cực thăm đồng để chăm sóc và thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hại lúa.
Nông dân Nguyễn Công Thường ở đội 4, thôn Phước Nông, xã Hòa Bình 1 cho biết, nhờ có sự chủ động đó mà diện tích lúa Đông Xuân 2020-2021 trên địa bàn xã hiện đang đẻ nhánh khỏe và phát triển tốt. 6 sào ruộng (1 sào 500m2) sản xuất giống ML 213 của gia đình ông Thường hiện cũng đang tốt bời bời, chưa phát sinh dấu hiệu sâu bệnh hại lúa.
Theo ông Thường, cách đây 4-5 ngày ông đã phun thuốc phòng trừ khô vằn và bệnh đạo ôn nên cảm thấy rất yên tâm đón Tết. Giờ cây lúa đã được 40-45 ngày tuổi, dù bận mấy nhưng ông vẫn tranh thủ ra đồng bón phân đón đòng. Đây là giai đoạn rất quan trọng đối với cây lúa và là thời kỳ hình thành số hạt/bông nên nông dân đều chú ý chăm sóc cẩn thận để không ảnh hưởng đến năng suất.
Cách ruộng lúa nhà ông Thường không xa là ruộng lúa nhà ông Trần Minh, người cùng thôn Phước Nông cũng đang bón phân đón đòng cho cây lúa.
Theo ông Minh, để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, bông to, nhiều hạt, cho năng suất cao thì cần bón phân đón đòng sớm (bón phân thúc lần 2) và phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại cho lúa.
“Tùy vào ruộng mà nông dân sẽ bón phân đón đòng cho lúa với tỷ lệ phân phù hợp. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi với những ruộng sinh trưởng và phát triển bình thường thì bón khoảng 3 kg urê + 3 kg kali cho 500 m2”, ông Minh chia sẻ.
Còn tại các cánh đồng lúa thuộc TX Đông Hòa, theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 10/2, nhiều nông dân cũng tích cực ra đồng thăm lúa. Theo các nông dân, để hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại, ngoài phun thuốc phòng trừ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, nông dân còn phát quang bờ ruộng nhằm làm mất nơi cư trú, cản trở sự phát triển của sâu bệnh và chuột gây hại.
Bên cạnh đó, bà con còn đặt bả, đặt bẫy, đào hang diệt chuột...Có nhiều ruộng bà con dùng biện pháp chăng ni lông xung quanh ruộng để phòng chuột phá hoại lúa.
Tuy nhiên theo nông dân Nguyễn Văn Tuấn, ở thôn Phước Bình Bắc, xã Hòa Thành (TX Đông Hòa), biện pháp chăng ni lông xung quanh ruộng mang lại hiệu quả nhất trong phòng chuột phá hoại lúa. Song để hiệu quả hơn, chúng tôi thường chăng ni lông ngay từ trước khi cấy và gieo sạ để bảo vệ lúa ngay từ đầu vụ.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, vụ ĐX 2020-2021, nông dân toàn tỉnh đã gieo sạ gần 24.250ha lúa. Để vụ lúa được thuận lợi, Chi cục đã có văn bản đề nghị các Trạm Trồng trọt và BVTV tăng cường phối hợp với phòng NN-PTNT hoặc Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố và UBND cấp xã, HTX trong công tác chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng trước, trong và sau Tết Nguyên Đán năm 2021.
Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng phương án phòng chống hạn, cũng như tập trung chỉ đạo UBND cấp xã, HTX nông nghiệp tu sửa hệ thống kênh mương, hồ đập chứa nước; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để tưới, tiêu nước chủ động trên tinh thần tiết kiệm nước, nhất là các khu vực sử dụng nguồn nước từ hồ chứa, đập dâng, trạm bơm điện; áp dụng biện pháp tưới luân phiên, tiết kiệm nước…