| Hotline: 0983.970.780

Nông dân bỏ ruộng

Thứ Sáu 27/07/2012 , 10:22 (GMT+7)

Vụ HT năm nay, Quảng Bình gieo cấy được 14.500 ha (đạt 85% kế hoạch), có nghĩa là có gần 2.600 ha diện tích đã bị bỏ. Theo ông Nguyễn Văn Tư (nông dân huyện Bố Trạch) thì: “Có nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy lại là do giá vật tư phân bón, thuốc trừ sâu... tăng cao; trong khi đó, giá thóc hạ và khó bán..."

Vụ HT năm nay, Quảng Bình gieo cấy được 14.500 ha (đạt 85% kế hoạch), có nghĩa là có gần 2.600 ha diện tích đã bị bỏ. Theo ông Nguyễn Văn Tư (nông dân huyện Bố Trạch) thì: “Có nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy lại là do giá vật tư phân bón, thuốc trừ sâu... tăng cao; trong khi đó, giá thóc hạ và khó bán. Nông dân sản xuất chỉ cầm chắc lỗ nên người ta bỏ ruộng thôi”.

Càng làm... càng lỗ

Chúng tôi về huyện Bố Trạch, được biết năm nay, toàn huyện gieo cấy gần 3.000 ha, so với năm ngoái, giảm gần 100 ha. Xã Đại Trạch được xem là “vựa lúa” của huyện Bố Trạch với diện tích gieo cấy lúa HT gần 400 ha. Từ đầu vụ gieo cấy, tổng diện tích của địa phương chỉ đạt 335 ha, cộng với diện tích lúa tái sinh khoảng 16 ha, giảm so với vụ năm trước hơn 30 ha. Sau Đại Trạch có thể kể đến Cự Nẫm với 230 ha (những năm trước đây), riêng năm nay chỉ gieo cấy được 190 ha. Các địa phương khác trong huyện cũng xảy ra tình trạng nhiều diện tích lúa bị bỏ hoang...

Tình trạng ruộng bị bỏ hoang là do năm nay giá lúa xuống thấp, nhiều hộ thu không đủ bù chi. Bà Nguyễn Thị Thỏn (đội 14, thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch), ra đứng đầu bờ ruộng hóng gió, nói rành mạch: “Tổng chi phí cho một sào ruộng (500m2) từ tiền cày, bừa, phân, thuốc BVTV, tuốt, chuyên chở... cộng lại đã suýt soát tiền bán lúa. Những năm trước giá lúa cao còn đỡ, chứ năm nay giá chỉ tầm 5.000 đến 5.500 đồng/kg, nông dân chúng tôi gần như trắng tay sau một thời gian dài chăm sóc. Chưa kể lúa HT còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình gieo trồng bởi hạn hán, thời điểm thu hoạch thì sợ mưa lũ tiểu mãn, nên nhiều nhà thà bỏ không ruộng còn hơn là vất vả gieo trồng để cuối cùng cũng không thu được lời lãi gì”.


Hàng ngàn ha diện tích HT ở Quảng Bình bị bỏ hoang

Tương tự, ông Nguyễn Văn Xoan (ở thôn Phúc Tự Tây), trao đổi với chúng tôi trong giọng nằng nặng: “Thấy ruộng bỏ hoang, tôi và nhiều bà con xót lắm. Nhưng với giá lúa như vụ ĐX vừa rồi, tính đi tính lại, người nông dân gần như không thu được đồng lãi nào, cho dù phải bỏ công sức vào đấy khá lớn... Nếu một số xã vùng dưới, tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng là do tác động của giá cả thị trường thì các xã vùng trên, người nông dân lại phải bỏ ruộng hoang do thiếu nước”.

Dọc theo đường Hồ Chí Minh đoạn qua các xã Cự Nẫm, Hưng Trạch, Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch..., chứng kiến hàng trăm ha diện tích lúa còn trơ chân rạ, làm thức ăn cho trâu bò, chúng tôi không khỏi xót xa.

Vùng quê Gia Ninh (huyện Quảng Ninh) cũng khá nhiều ruộng bị nông dân... bỏ rơi. Vùng đồng phía rào Bạc dù có nước vẫn đành cho cỏ mọc. Anh Nguyễn Văn Quốc có 3 sào đã không gieo cấy nữa. Bỏ ruộng, anh theo nhóm thợ xây đi làm. Thu nhập “tiền tươi, thóc thật” cứ 150 ngàn đồng mỗi ngày.

Hỏi chuyện bỏ ruộng, anh Quốc nhe răng cười: “Bác tính hộ em, vụ ĐX em lỗ đứt một sào gần 200 ngàn đồng. Nếu làm vụ HT này thì cầm chắc lỗ như thế, ngoài ra nó còn xén của em mất khoảng 30 ngày công làm ruộng. Bây chừ, em không làm nữa thì không sợ lỗ vốn, lại được chẵn 30 ngày công của em là 4,5 triệu đồng. Nếu tiền đó em bỏ ra mua thóc cũng non tấn. Bỏ ruộng là phải”.

Vận động cũng khó khăn

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm (Bố Trạch), cho biết: “So với vụ HT năm ngoái, năm nay diện tích lúa toàn xã giảm khoảng 30 ha. Nguyên nhân chính do thiếu nước cho sản xuất, nhưng năm nay, diện tích lúa giảm nhiều cũng khiến cho địa phương đau đầu. Đối với những chân ruộng có khả năng sản xuất, chúng tôi đã vận động bà con gieo cấy để bảo đảm diện tích cũng như vấn đề an ninh lương thực trên địa bàn”.

Ông Nguyễn Ngọc Lanh - Trưởng thôn Bắc Ngũ (xã Gia Ninh - Quảng Ninh - Quảng Bình):

“Vụ ĐX thì nông dân có diện tích gieo cấy dưới 2 ha đều bị lỗ do đầu vào giá cao và đầu ra giá thấp. Vì vậy nông dân bỏ ruộng là không bàn cãi. Hoặc nếu không bỏ ruộng họ cũng để mặc cho lúa tự phát triển kiểu như lúa tái sinh để có thể thu hoạch được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu chứ không còn hào hứng đầu tư tiếp nữa".

Còn ông Phan Văn Ngọ, Phó chủ tịch UBND xã Đại Trạch, đã cung cấp thêm một số thông tin về sản xuất vụ HT trên địa bàn. Sau khi tiến hành gieo cấy, nắm được số diện tích ruộng bị bỏ hoang là khá lớn, cùng với sự chỉ đạo tích cực của huyện, xã Đại Trạch đã động viên bà con nông dân gieo cấy bổ sung trên một số chân ruộng. Với hình thức hỗ trợ 50.000 đồng/sào, cộng với việc tạm ứng chi phí cày, bừa và thuốc BVTV cho bà con nông dân, đến thời điểm này, số diện tích ruộng được gieo cấy bổ sung đã đạt gần 17 ha. Như vậy, toàn xã chỉ còn khoảng 18 ha bị bỏ hoang.

 “Như thế là chính quyền địa phương và người nông dân cũng đã nỗ lực lắm rồi. Nếu những năm tới, giá lúa vẫn thấp, sản xuất lúa thu không đủ bù chi, thì tình trạng ruộng bị bỏ hoang vẫn sẽ tiếp diễn. Rút kinh nghiệm từ vụ HT này, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong chỉ đạo điều hành, tuy nhiên nếu diện tích bỏ hoang nhiều, địa phương cũng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề kinh phí hỗ trợ cho dân...”, ông Ngọ nói thêm.

Chia sẻ khó khăn với người nông dân để ổn định sản xuất như Đại Trạch là cách làm hiệu quả. Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng có đủ tiềm lực kinh tế để có thể gánh vác cùng người nông dân. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm, khẳng định: “Đối với Cự Nẫm, việc hỗ trợ bằng kinh phí là rất khó. Chúng tôi chỉ có thể chỉ đạo, động viên và tuyên truyền để người nông dân tiếp tục gieo cấy hết các diện tích của mình nếu các điều kiện sản xuất được bảo đảm mà thôi”.

Xem thêm
Chiều 2/5, Quốc hội họp bất thường lần thứ 7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nổ lò hơi ở xưởng gỗ, 6 người tử vong

ĐỒNG NAI Sáng 1/5, một vụ nổ lớn xảy ra tại công ty sản xuất gỗ ở huyện Vĩnh Cửu khiến 6 người tử vong tại chỗ và một số người bị thương.

Bình luận mới nhất