| Hotline: 0983.970.780

Nông dân bỏ vườn xoài, chẳng buồn thu hoạch

Thứ Ba 19/04/2022 , 07:10 (GMT+7)

Xoài mất mùa, giá lại giảm sâu khiến nhiều nhà vườn ở vùng xoài Cam Lâm (Khánh Hóa) chẳng buồn thu hoạch.

Xoài Úc mất mùa, mất giá

Ông Nguyễn Đắc Hùng, một nông dân trồng xoài ở Tổ dân phố Bãi Giếng 1 (Thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cho biết, từ đầu tháng 2 âm lịch (đầu tháng 3 dương lịch), nông dân trồng xoài Úc trên địa bàn huyện bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính vụ. Tuy nhiên vụ này, do chi phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV tăng cao nên rất nhiều diện tích xoài nông dân bỏ bê, không đầu tư chăm sóc. Vì vậy, năng suất, sản lượng xoài năm nay giảm mạnh so với mọi năm.

Vụ xoài Úc chính vụ năm 2022, nông dân cho biết do chi phí đầu tư tăng cao nên nhiều diện tích không được chăm sóc khiến năng suất rất thấp. Ảnh: KS.

Vụ xoài Úc chính vụ năm 2022, nông dân cho biết do chi phí đầu tư tăng cao nên nhiều diện tích không được chăm sóc khiến năng suất rất thấp. Ảnh: KS.

Theo đó, nếu như mọi năm, nông dân đầu tư chăm sóc, 1 ha xoài Úc cho năng suất ổn định trung bình từ 10 - 12 tấn. Tuy nhiên năm nay, các vườn xoài đa số cho năng suất thấp, trung bình chỉ 7 - 8 tấn/ha.

Về giá, xoài Úc ở đầu vụ do khan hiếm nên được thu mua ở mức trên 20 ngàn đồng/kg. Nhưng sau đó vào thời điểm thu hoạch rộ, xoài liên tục rớt giá theo tuần, hiện chỉ còn 6 - 7 ngàn đồng/kg (mua xô). Với giá này, nông dân thu hoạch chắc chắn thua lỗ bởi không đủ tiền trả công thu hoạch và khâu vận chuyển.

“Vụ xoài này chi phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV tăng cao, trung bình 1ha mất từ 50 triệu đồng trở lên nhưng giá bán thấp nên hầu hết nông dân đều thua lỗ”, ông Hùng than vãn. 

Cũng theo ông Hùng, gia đình ông có 2ha xoài, trong đó 1ha thuê lại đất với mức giá thuê khoảng 30 triệu đồng/năm để đầu tư trồng xoài. Vườn xoài 1ha của gia đình anh, nhờ chăm sóc tốt nên năng suất thu hoạch gần 10 tấn. Nhờ bán được ít sản lượng thời điểm đầu vụ với giá trung bình trên 10 ngàn đồng/kg nên thu hồi được ít vốn đầu tư. Tuy nhiên đối với 1ha vườn đi thuê thì thất bại hoàn toàn, xoài bị hư hại nhiều, bán giá thấp nên thua lỗ nặng.

'Thủ phủ' xoài Úc huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) năm nay đón một vụ thu hoạch u ám. Ảnh: KS.

"Thủ phủ" xoài Úc huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) năm nay đón một vụ thu hoạch u ám. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Văn Khiêm, chủ vựa thu mua xoài Kim Thảo nằm trên địa bàn các xã Suối Tân và Cam Hiệp Bắc (huyện Cam Lâm) cũng cho biết, vụ xoài này đa số người trồng không đầu tư chăm sóc, cộng với ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều nên năng suất, chất lượng xoài giảm.

Vì vậy, vụ này sản lượng xoài Úc cho thu hoạch chỉ khoảng 50% so với năm ngoái. Cách đây hơn nửa tháng, giá xoài ở mức trên 10 ngàn đồng/kg, nông dân còn thu hoạch để bán cho vựa. Tuy nhiên hiện nay giá xoài giảm chỉ còn 6 - 7 ngàn đồng/kg nên khá nhiều nông dân bỏ, không buồn thu hoạch.

“Hiện vườn xoài đẹp, người trồng còn thu hoạch, vì bán còn được giá chút, chứ vườn xoài xấu dường như chẳng thu hoạch. Bởi với giá xoài rớt thấp như hiện tại, nếu nông dân thuê người thu hoạch chỉ cho không người hái, thậm chí tốn tiền vận chuyển đem đi bán”, ông Khiêm chán nản nói.

Về việc giá xoài rớt mạnh, theo ông Khiêm, ngoài chi phí vận chuyển tăng cao bởi giá dầu tăng thì việc xuất khẩu xoài Úc sang thị trường Trung Quốc (thị trường tiêu thụ chính) gặp khó khăn bởi nước này đang thực hiện chính sách "Zero Covid-19". Do đó, xoài Úc hiện nay chủ yếu chỉ tiêu thụ trong nước từ tỉnh Khánh Hòa trở ra phía Bắc.

Sâu đục quả hoành hành

Theo phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm, toàn huyện hiện có trên 5.000ha xoài, trong đó phần lớn diện tích là xoài Úc. Hiện trên địa bàn huyện đang thu hoạch xoài Úc chính vụ với diện tích cho trái khoảng 1.400ha (bằng 40% diện tích cùng kỳ), tổng sản lượng ước đạt 8.400 tấn.

Không chỉ nông dân, các thương lái cũng buồn bã vì xoài rớt giá, khó tiêu thụ. Ảnh: KS.

Không chỉ nông dân, các thương lái cũng buồn bã vì xoài rớt giá, khó tiêu thụ. Ảnh: KS.

Bên cạnh nỗi buồn mất mùa, mất giá, xoài vào thu hoạch còn bị ruồi đục quả phát triển mạnh và gây hại mạnh, đặc biệt là sau các trận mưa trái mùa vừa qua, ruổi đẻ trứng vào quả xoài, gây hư hỏng, rụng trái rất nhiều.

Trong khi đó, do xoài đã ở thời kỳ thu hoạch nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ ruồi đục trái là không thể do vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, Phòng NN-PTNT phối hợp với Trạm Trồng trọt và BVTV Cam Lâm đã hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ an toàn như: Dùng thuốc dẫn dụ diệt ruồi Vizubon, dùng tấm dính, dùng bả Metyl Eugernol (chất dẫn dụ ruồi đực) pha với 5% Nalet hoặc với thuốc trừ sâu có hoạt chất Fipronil để diệt ruồi đực.

Đối với việc tiêu thụ xoài, Phòng NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương khuyến cáo người dân thường xuyên thăm vườn, thực hiện thu hái những diện tích xoài đã đến kỳ thu hoạch, tránh gây rụng trái, tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh, đặc biệt là ruồi đục trái phát triển mạnh.

Phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm cũng đang tham mưu cho UBND huyện phối hợp với Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng và quản lý mã số vùng trồng xoài với mục tiêu hướng tới xây dựng mã số cho tất cả các vùng trồng xoài và mã số đóng gói cho các cơ sở thu mua, sơ chế, bao gói trên địa bàn huyện nhằm hướng tới mục tiêu xuất khẩu xoài chính ngạch, bền vững.

Cùng với đó, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp thực hiện liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ, hạn chế tình trạng trồng xoài manh mún, cũng như tuyên truyền để người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, thực hiện sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ các cơ sở thu mua, chế biến xoài đẩy mạnh thu mua, chế biến nhằm giảm áp lực tiêu thụ xoài tươi thời điểm chính vụ.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.