Bất chấp vai trò quan trọng của các nông hộ, chủ trang trại quy mô nhỏ là cung cấp lương thực cho khoảng 103 triệu dân của quốc gia Bắc Phi, nhưng hiện họ đan phải vật lộn trong khủng hoảng thiếu tiền mặt và mắc nợ, do thường xuyên phải bán sản phẩm với giá thấp và lỗ lã.
"Người nông dân chúng tôi đang chết mòn, và bị giẫm đạp", ông Zakaria Aboueldahab nói trong khi đang pha trà trên cánh đồng trồng lúa mì và hành trên đất thuê mướn ở vùng Qalyubia, cách thủ đô Cairo 30km về phía bắc.
Người nông dân này chia sẻ: “Tôi đang cố gắng bán vụ hành sắp thu hoạch của mình nhưng không thể nào tìm được thị trường. Tôi chỉ muốn hòa vốn và đang không biết gia đình sẽ lấy đâu ra tiền để trang trải".
Trước đây hành của ông Zakaria vẫn còn bán được ở thị trường trong nước, nhưng các rào cản về tài chính, tiếp thị và cơ sở hạ tầng hiện nay đang tạo ra khoảng cách ngày một lớn giữa cung và cầu.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), các trang trại quy mô nhỏ vẫn là "nhà sản xuất chính" lương thực- thực phẩm cho tiêu dùng nội địa ở Ai Cập, có quy mô canh tác ít hơn ba feddan (1,2 ha).
FAO tính toán rằng, những nông hộ nhỏ này sản xuất khoảng 47% diện tích cây trồng cả nước. Trong khi đó các trang trại lớn hơn tập trung nhiều hơn vào xuất khẩu, đặc biệt là kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ai Cập là quốc gia nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, vốn phụ thuộc vào Nga và Ukraine đến 80% để nuôi sống người dân. Người Ai Cập ăn bánh mì trong hầu hết mọi bữa ăn, và những người nông dân trồng lúa mì của Ai Cập hiện đã gia tăng sản lượng lên tới 40% nhằm bù đắp nhu cầu của đất nước.
Nhà xã hội học chuyên nghiên cứu các vấn đề nông thôn Saker al-Nour nói: “Nếu không có 40% lúa mì mà chúng tôi sản xuất trong nước, hậu quả của chiến tranh sẽ còn tồi tệ hơn nhiều”.
Vào tháng 3, chính quyền Cairo đã ra một sắc ra lệnh cho nông dân trồng lúa mì, được coi là mệnh lệnh "bắt buộc" hay "nghĩa vụ yêu nước".
Theo ngành nông nghiệp Ai Cập, tính đến tháng 6, nông dân trong nước đã sản xuất được hơn 3,5 triệu tấn lúa mì, cao hơn một nửa so với mục tiêu cung cấp trong nước cho đến tháng 8 và bằng tổng lượng cung của cả năm 2021.
Chính sách “bắt buộc sản xuất” từng là một trụ cột trong các chính sách xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Gamal Abdel Nasser trong những năm 1960, nhưng hiện nó đã bị bãi bỏ trong bối cảnh các chương trình điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp vào những năm 1990. Theo đó, các khoản trợ cấp trước đây về hạt giống, thuốc trừ sâu và phân bón đã giảm dần trong nhiều thập kỷ.
"Hiện nay, khi mọi thứ trở nên khó khăn, nhà nước đột ngột quay trở lại chế độ sản xuất bắt buộc, nhưng lần này lại không có các dịch vụ đi kèm", theo nhà nghiên cứu Nour.
Để khuyến khích nông dân trồng lúa mì, chính phủ trước đó đã ấn định giá nội địa cao hơn giá nhập khẩu. Tuy nhiên, sự gia tăng chưa từng có của giá cả các loại vật tư đầu vào sản xuất đã và đang làm suy yếu nông dân.
“Hiện tôi vẫn còn thiếu nợ các đại lý thuốc trừ sâu và phân bón. Vì vậy, nếu giá nông sản trồi sụt và rẻ rúng, tôi không biết sẽ phải làm gì?”, ông Aboueldahab nói.
Nhà xã hội học Nour cảnh báo, các nông hộ nhỏ có "năng lực đàm phán rất hạn chế, đặc biệt là khi họ không có khả năng lưu trữ nông sản sau khi thu hoạch. Nhất là khi biến đổi khí hậu phát sinh thì các phương pháp tiếp cận từ dưới lên là điều cần thiết”.
Theo ông Nour, chính vì thế vai trò các hiệp hội cung cấp các giải pháp và kết nối trước những biến động của thị trường, cũng như cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan cho những người nông dân là hết sức cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho các nông hộ nhỏ.