| Hotline: 0983.970.780

Nông dân ĐBSCL sản xuất sáng tạo chống biến đổi khí hậu

Thứ Năm 15/12/2022 , 12:02 (GMT+7)

Sóc Trăng Nhiều cách làm hay được ngành nông nghiệp phát triển trong thời gian xây dựng mô hình như 2 lúa 1 màu, trồng ớt trong nhà lưới, trồng sen lấy củ...

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Sóc Trăng thăm vườn dừa của nhà anh Thạch Mô Lết.

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Sóc Trăng thăm vườn dừa của nhà anh Thạch Mô Lết.

Sóc Trăng là một trong những tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long dễ chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Hiện tượng này nhiều năm đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là canh tác lúa.

Trong các vụ lúa chính của tỉnh như đông xuân và hè thu, ngành nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu các giải pháp thay đổi thời vụ cho các tiểu vùng tại địa phương, nhằm giảm tập trung nước cho các tháng đầu mùa mưa và đầu mùa khô, kết hợp giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất mùa lũ.

Tuy nhiên, với đặc điểm địa hình 40% đất gò cao tiếp giáp với vùng mặn, 60% đất thuộc vùng trũng, chuyên canh lúa với diện tích khoảng 140.000 ha, Sóc Trăng vừa phải chống khô hạn vùng cao, vừa chống ngập úng, xâm nhập mặn vùng thấp. Do đó, để có thể phát triển ổn định các vùng sản xuất nông nghiệp, tránh hàng chục nghìn hecta lúa bị ảnh hưởng và thiệt hại bởi hạn mặn, nhiều nơi tại Sóc Trăng đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nhà cách bãi biển Mỏ Ó chỉ khoảng 20 km, anh Thạch Mô Lết, trú xã Viên Bình, huyện Trần Đề bắt đầu chuyển dịch từ đất trồng lúa sang trồng dừa vào năm 2018. Anh cho biết, trong đợt mặn lịch sử năm 2016, gia đình “mất trắng” hoa màu. "Cuộc sống cơ cực khó khăn quá nên gia đình quyết định chuyển sang trồng dừa bởi loại cây này phù hợp với vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn", anh Lết nói.

Sau 4 năm, gia đình anh Lết đã chuyển đổi khoảng 1,7 ha đất sang trồng giống dừa Mã Lai. Có thời điểm, độ mặn tại Trần Đề đo được trong mùa khô lên đến 5 phần nghìn, nhưng vườn dừa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng cho trái không bị ảnh hưởng.

Tới khoảng hai năm rưỡi, cây dừa bắt đầu cho trái, cách 20 ngày là có thể thu hoạch. Tính trung bình, nếu mỗi cây dừa cho khoảng 200 trái, giá mỗi trái dừa ổn định khoảng 5.000 đồng, thu nhập của gia đình anh tăng gấp 3 lần so với khi trồng lúa, lên tới khoảng 200 triệu đồng/ha. Từ năm thứ sáu trở đi, lợi nhuận của cây dừa có thể còn tăng thêm tùy theo thời gian sinh trưởng của cây.

So với giống dừa trồng tại địa phương, dừa Mã Lai còn có nhiều ưu điểm vượt trội khác về hàm lượng dầu, độ ngọt ... nên khả năng tiêu thụ trên thị trường rất ổn định. 

Anh Thạch Mô Lết điều khiển hệ thống tưới tự động qua điện thoại.

Anh Thạch Mô Lết điều khiển hệ thống tưới tự động qua điện thoại.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng như nhà anh Thạch Mô Lết được ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng coi là điển hình cho tỉnh. Theo ông Phước, một số vùng ven sông Hậu, thuộc vùng thủy lợi khép kín như Long Phú, Trần Đề, Kế Sách... thường xuyên chịu thiệt hại do tác động của xâm nhập mặn vào mùa khô. Do đó, người dân vừa phải thay đổi cơ cấu mùa vụ, vừa chủ động chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước tưới.

Nhờ sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp, mỗi năm người dân trên địa bàn tỉnh đều chuyển đổi khoảng 1.000 - 2.000 ha cây trồng trên đất lúa. Diện tích đất được chuyển đổi một cách đa dạng, từ cây trồng lâu năm, cây công nghiệp, cho đến chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa.

Nhiều mô hình hay đã xuất hiện trong quá trình này như: trồng rau màu dưới chân ruộng (2 lúa 1 màu), trồng ớt trong nhà lưới, trồng sen lấy củ và lấy hạt, trồng bồn bồn… Ông Phước nhấn mạnh, rằng với vùng trũng, tập trung chuyển đổi sang mô hình 2 lúa 1 cá. Đặc biệt, bà con nên cân nhắc chuyển hẳn vụ lúa thu đông để giảm mầm bệnh phát sinh trên đồng ruộng nhằm canh tác vụ đông xuân tốt hơn. Tại những vùng hạn chế về nguồn nước tưới trong mùa khô, mùa đông xuân có thể gieo cấy muộn và duy trì mô hình 2 lúa 1 màu. 

Những gia đình đã chuyển dịch thành công như nhà anh Lết, ông Phước định hướng cần phát triển theo hướng chuyên canh, tiến tới xuất khẩu dừa ra nước ngoài. Muốn làm được như vậy, theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, cần có nhiều hơn nữa người dân hiểu được lợi thế cũng như khả năng phát triển của các loài cây ăn trái như cây dừa, cây có múi. Đây là cơ sở để hình thành các vùng sản xuất tập trung.

Ở Sóc Trăng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp được đưa ra để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ được tỉnh đặt ra trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xem thêm
Siêu thị tung khuyến mãi, kích cầu tiêu thụ hàng trăm tấn xoài Đồng Tháp

TP.HCM Đồng hành cùng nông dân và HTX đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trái cây, MM Mega Market Việt Nam cam kết tiêu thụ 150 tấn xoài Đồng Tháp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phân bón Cà Mau dành 1 tỷ đồng hỗ trợ nông dân vùng hạn mặn

Gói hỗ trợ thể hiện tinh thần tiên phong vì cộng đồng của Phân bón Cà Mau và hưởng ứng Lễ phát động Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường 2024.