| Hotline: 0983.970.780

Nông dân, doanh nghiệp chưa ai vội chốt giá sầu riêng

Chủ Nhật 06/08/2023 , 16:24 (GMT+7)

Nhiều nông dân, doanh nghiệp lớn kinh doanh sầu riêng lâu năm chưa vội chốt vườn trước việc giá cả đang được thổi lên cao. Các chủ vườn nhận thấy giá 'cò sầu' chào chỉ là giá ảo.

Nông dân chưa vội chốt vườn vì thấy giá ảo

Bài liên quan

Còn hơn một tháng nữa sầu riêng của gia đình mới đến thời điểm thu hoạch, ông Nguyễn Đức Quân (ngụ thôn 4, xã Ea Ngai, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) được hàng chục thậm chí hàng trăm cò đến ngỏ ý xem vườn, chốt giá nhưng ông không đồng ý.

Gia đình ông Quân có hơn 5 sào, mỗi năm thu khoảng 20 tấn trái. Thời gian qua, nhiều người đến thăm vườn, chốt giá trên 90.000 đồng/kg nhưng ông không chịu, thậm chí còn mời họ ra khỏi vườn.

Theo ông Quân, gia đình đã liên kết với doanh nghiệp thì theo từ đầu đến cuối. Trong hợp đồng có điều khoản là đến thời điểm gần thu hoạch vào kiểm tra vườn và 2 bên thỏa thuận giá bán theo thị trường.

“Giá sầu riêng hiện nay là trôi nổi, giá ảo. Cò vào trả giá thật cao, làm hợp đồng nhưng cũng chỉ là tờ giấy chứ không ai làm chứng. Khi đặt cọc giá cao nhưng đến thời điểm cắt, giá hạ, cò chỉ cắt dao một bằng hoặc hơn tiền cọc rồi bỏ đi, giam vườn đến khi rụng quả thì người dân phải làm sao”, ông Quân lo lắng.

Ông Nguyễn Đức Quân (bên phải) chưa vội chốt vườn dù được thương lái trả đến 90.000 đồng/kg vì ông thấy giá đó là giá ảo. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Đức Quân (bên phải) chưa vội chốt vườn dù được thương lái trả đến 90.000 đồng/kg vì ông thấy giá đó là giá ảo. Ảnh: Quang Yên.

“Người dân làm ra ký nông sản không phải dễ. Bây giờ đến lúc mua bán không thuận lợi thì không những người dân chịu thiệt, doanh nghiệp cũng bị theo. Doanh nghiệp và người dân cần gắn bó với nhau thì mới bền vững được”, ông Quân chia sẻ.

Bài liên quan

Ông Nguyễn Xuân Nhị, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng bền vững Đồng Tâm, huyện Krông Búk cho biết, đơn vị có 55ha với sản lượng hơn 1.600 tấn hiện đang liên kết với Công ty Cổ phần Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp Hương Cao Nguyên để canh tác theo hướng VietGAP.

Theo ông Nhị, giá sầu riêng hiện nay là giá ảo, các công ty xuất khẩu chính ngạch hiện chưa dám đi mua tại vườn mà đa phần lớn là cò, thương lái đi chốt để giữ vườn là chính. Gia đình ông Nhị có 6ha, sản lượng ước đạt 70 tấn, thời gian qua cò vào liên hệ chốt vườn nhiều nhưng ông không tiếp.

“Các chủ vườn cũng muốn có một giá chính thức để ký hợp đồng chứ không thể theo giá như hiện nay được. Vì ký theo giá như hiện nay rất nguy hiểm, không khéo là bị treo vườn, một số nơi đã xảy ra tình trạng này rồi.

Tôi vận động bà con trong tổ hợp tác bình tĩnh. Sầu riêng còn 15 - 20 ngày cắt dao đầu thì mới ký hợp đồng thu mua. Và người dân cũng nên ký hợp đồng với doanh nghiệp có tiềm lực để mua xuất khẩu”, ông Nhị thông tin.

Các vườn sầu riêng của Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng bền vững Đồng Tâm hiện nay chưa chốt cho thương lái dù được trả giá cao. Ảnh: Quang Yên.

Các vườn sầu riêng của Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng bền vững Đồng Tâm hiện nay chưa chốt cho thương lái dù được trả giá cao. Ảnh: Quang Yên.

Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết thêm đã liên kết với Công ty Cổ phần Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp Hương Cao Nguyên nên đã yêu cầu các thành viên trong tổ cần tuân thủ theo quy định trong hợp đồng.

Doanh nghiệp nín thở chờ giá sầu riêng hạ nhiệt

Nhiều doanh nghiệp cho biết, với các đơn hàng xuất khẩu, giới thương lái xuất sang Trung Quốc đều không mua khi giá sầu tăng trên 70.000 đồng/kg. Bởi lẽ, nếu cộng thêm chi phí doanh nghiệp bỏ ra cho thu hoạch, vận chuyển, làm hàng… bình quân vượt hơn 25.000 đồng/kg, tính ra giá sầu riêng vượt cao hơn các năm trước rất nhiều.

Tất cả đang tạo nên áp lực lớn cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến sầu riêng. Một số doanh nghiệp xuất khẩu khẳng định không thể thu mua khi giá được đẩy lên cao như hiện nay.

“Giá cao, doanh nghiệp chấp nhận đơn giá sẽ làm không có lãi. Nhưng không làm hàng, doanh nghiệp vẫn gánh chịu chi phí vận hành, tiền lương cho công nhân… không hề ít. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đây là một áp lực không đơn giản.

Quan trọng hơn, nội trong vòng 10 ngày tới, nếu giá sầu riêng giảm, các doanh nghiệp có thể thu mua thì lại quá tải năng lực sản xuất. Lượng hàng thu gom về nhiều, nhân công và kho bãi có hạn, chắc chắn doanh nghiệp không kịp đáp ứng tốt các đơn hàng. Thị trường như vậy có nguy cơ quá tải thực sự, nông dân có chấp nhận bán tháo sầu riêng cũng không kịp giải phóng các vườn trồng”, một doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng tại Đắk Lắk thông tin.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng lớn tại Đắk Lắk hiện chưa dám chốt vườn đối với những địa phương có thời gian thu hoạch lâu. Ảnh: Quang Yên.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng lớn tại Đắk Lắk hiện chưa dám chốt vườn đối với những địa phương có thời gian thu hoạch lâu. Ảnh: Quang Yên.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp Hương Cao Nguyên cho biết, doanh nghiệp đang liên kết với 300ha của 5 tổ hợp tác. Mô hình liên kết được sự giám sát của chính quyền địa phương và Phòng NN-PTNT các huyện.

Theo bà Hương, công ty hỗ trợ làm hồ sơ mã vùng trồng, đứng tên bà con nông dân; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và tư vấn, cấp giấy chứng nhận VietGAP cho người dân.

“Khi ký hợp đồng lúc thu mua sẽ có sự tham gia giám sát của cơ quan chức năng. Công ty cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của người dân theo giá thị trường. Thời điểm ký hợp đồng thu mua sẽ theo giá được các bên thống nhất”, bà Hương thông tin.

Nữ giám đốc cho biết thêm, hiện nay giá cao doanh nghiệp chưa dám chốt vườn. “Sầu riêng hiện tại trông thuận lợi nhưng thật ra đang có nhiều thách thức cho người dân cũng như doanh nghiệp. Hiện giá sầu riêng đang không ổn định, cò đang đến chốt vườn với nhiều giá khác nhau. Tuy nhiên các tổ hợp tác mà doanh nghiệp đang liên kết đang giữ vững đúng hợp đồng nên đây là tín hiệu vui và thể hiện tinh thần hợp tác, tiến bộ của người nông dân trong thời điểm hiện nay.

Hiện doanh nghiệp chưa đưa ra mức giá nào cho người dân. Và chính người dân cũng chưa yêu cầu hay đưa gia mức giá cụ thể để doanh nghiệp ký hợp đồng”, bà Hương nói thêm.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đánh giá, vụ sầu riêng năm 2023 có nhiều thuận lợi, trước hết là được tiêu thụ với giá cao và đầu ra ổn định hơn do sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Theo ông Côn, sản lượng sầu riêng Đắk Lắk niên vụ 2023 đạt khoảng 200.000 tấn, tăng 20.000 tấn so với vụ năm 2022. Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất của vụ sầu riêng năm nay là tình hình giá cả đang không ổn định.

Sầu riêng Đắk Lắk năm nay ước đạt hơn 200.000 tấn. Ảnh: Quang Yên.

Sầu riêng Đắk Lắk năm nay ước đạt hơn 200.000 tấn. Ảnh: Quang Yên.

“Việc chốt giá sớm sẽ có những bất lợi và những hệ lụy không tốt vì sẽ có nhiều hợp đồng khó thực hiện như đã ký khi giá vào vụ thu hoạch biến động. Ngoài ra, nếu như cứ chạy theo giá cả thì việc phát triển bền vững, liên kết lâu dài sẽ bị coi nhẹ và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bán ngay trong vụ này, cũng như việc phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng.

Hiệp hội chỉ khuyến cáo, các nhà vườn cần bình tĩnh, không nên nôn nóng chốt giá sớm có thể gây bất lợi cho chính mình và người mua. Ngoài chuyện giá cả, cần quan tâm thỏa đáng đến chuyện hợp tác, liên kết bền vững với những doanh nghiệp, những nhà thu mua có đầu tư trong từng vụ hoặc trong dài hạn”, ông Côn khuyến cáo.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Những mốc son của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Nghệ An

Giai đoạn 2016 - 2024, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Nghệ An đạt được nhiều thành tích vang dội, được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.