Nhiều nông dân giận dữ đã chặn một con phố gần Cổng Brandenburg, biểu tượng của Berlin, mang theo các biểu ngữ có nội dung "Các chính sách đó là lời tuyên chiến với nông dân" và "Quá đủ rồi". Những người biểu tình lo ngại rằng kế hoạch cắt giảm chi ngân sách sẽ khiến ngành nông nghiệp Đức trị giá gần 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) xấu đi trong năm tới. Theo Sở Cảnh sát Berlin, khoảng 1.700 máy kéo và 6.600 nông dân đã tham gia biểu tình.
Hiệp hội Nông dân Đức (DBV) và nhóm Tạo ra Kết nối Đất đai (LsV) đe dọa sẽ mở rộng các cuộc biểu tình nếu chính phủ Đức vẫn tiến hành các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Chủ tịch DBV Joachim Rukwied cảnh báo tại cuộc biểu tình rằng "từ ngày 8/1, chúng tôi sẽ tổ chức biểu tình ở quy mô lớn chưa từng có. Chúng tôi sẽ không chấp nhận điều này".
Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Ozdemir cho rằng kế hoạch của liên minh "Đèn giao thông" sẽ gây ra những gánh nặng đối với nông dân Đức. Bộ trưởng Özdemir nhấn mạnh tiết kiệm là cần thiết, song việc bãi bỏ quy định giảm thuế đối với dầu diesel nông nghiệp là chưa phù hợp và cần phải điều chỉnh lại.
Theo Bộ trưởng Özdemir, phần lớn sản phẩm do nông dân Đức làm ra được xuất khẩu sang các thị trường khác và việc bãi bỏ quy định giảm thuế khiến điều kiện cạnh tranh của nông dân Đức trở nên tồi tệ hơn vì không có loại động cơ thay thế nào khác cho nông dân, những cỗ máy hạng nặng của họ không thể chạy bằng động cơ điện.
Theo quy định hiện tại, các trang trại nông nghiệp được hoàn lại một phần thuế năng lượng cho dầu diesel dùng trong nông nghiệp. Ngoài ra, các loại máy móc phục vụ hoạt động nông, lâm nghiệp cũng được miễn hoặc giảm thuế. Tuy nhiên mới đây, các nhà lãnh đạo liên minh "Đèn giao thông" (gồm đảng Dân chủ xã hội SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do FDP) đã đạt được thỏa thuận nhằm tiết kiệm ngân sách năm 2024, theo đó các quy định trên dự kiến sẽ bị bãi bỏ, gần 1 tỷ euro trợ cấp cho nông nghiệp sẽ không còn được cung cấp nữa.
Berlin đã buộc phải lấp đầy thâm hụt ngân sách của mình sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp hồi tháng 11 không cho phép tái sử dụng 60 tỷ euro (65,7 tỷ USD) tiền hỗ trợ Covid-19 chưa sử dụng.
Nội các của Thủ tướng Olaf Scholz phải đối mặt với lựa chọn đình chỉ kế hoạch “kìm hãm nợ” (giới hạn thâm hụt của chính phủ ở mức 0,35% GDP) hoặc "thắt lưng buộc bụng" nhằm tiết kiệm khoảng 17 tỷ euro (18,6 tỷ USD) và cắt giảm thuế.