Huyện Gò Công Đông là một 4 huyện thị phía Đông nằm trong vùng ngọt hoá Gò Công của tỉnh Tiền Giang. Với vị trí nằm cuối nằm sông Tiền, huyện thường xuyên chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn.
Những năm qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi hậu, tỉnh Tiền Giang đã chủ trương thực hiện triển khai sâu rộng và hiệu quả Đề án "Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025".
Huyện Gò Công Đông có trên 9.000 ha đất trồng lúa. Tổng diện tích gieo trồng năm 2021 đạt trên 18.000 ha, năng suất thu hoạch đạt bình quân trên 60 tấn/ha.
UBND huyện Gò Công Đông đã từng bước tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng mô hình cánh đồng lớn chuyên trồng những giống lúa đặc sản, lúa thơm chất lượng cao, tăng cường liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm tạo vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng rộng rãi trong quá trình thâm canh, giúp nông dân giành những vụ mùa bội thu như: "1 phải, 5 giảm", sản xuất lúa ứng dụng công nghệ 4.0, "3 giảm, 3 tăng"... chiếm tỷ lệ đến trên 88% tổng diện tích gieo sạ mỗi năm.
Tính đến nay, huyện Gò Công Đông đã thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa ổn định với 144 lượt cánh đồng lớn tại 7 xã trọng điểm của huyện, tổng diện tích 2.744 ha với hàng chục doanh nghiệp, đơn vị tham gia bao tiêu nông sản cho nông dân theo các hình thức như: Cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, giá mua thương lượng theo thị trường...
Tại HTX Tăng Hoà, xã Tăng Hoà, huyện Gò Công Đông, ông Nguyễn Văn Nhẫn, Chủ tịch HĐQT HTX Tăng Hoà nói: Vùng Gò Công Đông trước đây làm 3 vụ lúa, tuy nhiên kể từ đợt hạn mặn 2019-2020, vụ lúa Đông Xuân thường xuyên thiêu nước trầm trọng nên bà con thất thu cũng nhiều. Năm 2020-2021, chủ trương của tỉnh quy hoạch vùng Gò Công Đông làm 2 vụ lúa, đồng thời đẩy sớm lịch thời vụ thích ứng biến đổi khí hậu.
“Trước đây làm lúa ba vụ thì làm các loại giống ngắn ngày như: Nàng Hoa, OM900, OM5451… chỉ 90 ngày. Sau này, chúng tôi là lúa chất lượng cao hơn như ST24, ST25, VD20.. những giống lúa có giá trị kinh tế cao nhưng dài ngày hơn khoảng 105 ngày. HTX làm theo quy trình sạch, có liên kết đầu ra đầu vào với các doanh nghiệp thu mua của cao hơn 300-500 đồng/kg, có hỗ trợ phân bón, vật tư nông nghiệp cho xã viên. Khi chuyển qua hai vụ, tiền lãi cũng gần bằng lúa làm 3 vụ.”, ông Nhẫn phấn khởi cho biết.
Cũng theo ông Nhẫn, HTX Tăng Hoà đang xây dựng thương hiệu gạo sạch, gạo hữu cơ cho các sản phẩm lúa ST24, ST25 và VD20. Đây là một trong những hướng đi mới giúp ổn định cho bà con, đảm bảo lợi nhuận của nông dân trước những khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu.