Những ngày qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện đợt mưa lớn kéo dài, mực nước tại các ao hồ dâng cao. Ở các khu vực trũng thấp, nước ngập úng hàng chục ha rau màu, hoa phục vụ tết của bà con nông dân. Chịu thiệt hại nặng nề nhất là các phường Tây Tựu, Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm.
Nhìn cảnh năm sào rau và hoa hồng phục vụ tết Nguyên đán bị nước nhấn chìm, ông Trần Văn Hiệp (trú tại phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm bởi công sức chăm sóc gần hai tháng qua xem như đổ sông đổ biển.
“Người nông dân chỉ biết trông chờ vào hoa màu, mưa nhiều làm ngập hết cả hoa màu thế kia thì còn trông ngóng gì nữa. Giờ nước có rút thì nắng lên là cây cũng chết hết, không còn cây nào sống được nữa”, ông Hiệp buồn bã nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoa cho biết, “số rau cải này tôi bắt đầu gieo hạt chăm sóc cách đây nửa tháng, vừa lên được cây non thì gặp mưa lớn, giờ rất khó để khắc phục. Ước tính khoảng 3 sào rau hỏng, cùng với tiền phân bón tôi mất trắng gần 2 triệu đồng”.
Theo ghi nhận của Phóng viên, để cứu vãn số hoa và rau màu bị ngập do mưa lớn, nhiều hộ dân đã dùng máy bơm để hút nước ra khỏi các ruộng vẫn còn ngập sâu.
Một số hộ dân khác cũng kịp thời be cao bờ để ngăn không cho nước vào ruộng. Tuy nhiên, theo nhiều bà con nông dân, dù đã thực hiện nhiều biện pháp để chống úng với lượng mưa nhiều thì cây cũng sẽ phát triển chậm do hỏng lá, hoa nở với chất lượng không được cao.
Sở NN-PTNT Hà Nội yêu các địa phương cần chủ động tiêu cạn nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng, giữ nông mặt ruộng; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu, bảo đảm tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội có công điện đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung khắc phục các sự cố, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi; vận hành tối đa hệ thống tiêu úng khi đủ điều kiện; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn.